* Vài mốc thời gian về quá trình hình thành
Theo lịch sử tên gọi Bình Định có từ khi vua Gia Long chiếm lại vùng đất này từ nhà Tây Sơn. Vậy, trước đó trăm năm, nghìn năm đất Bình Định là gì? Trả lời câu hỏi này thuộc các nhà sử học, song qua một vài ghi chép và từ các gia phả dòng họ hiện nay (có thể chưa được thẩm định về lịch sử) ở Bình Định, thì đất Bình Định có bề dày lịch sử nhiều thiên niên kỷ.
Ít nhất cách đây trên 2.300 năm đất này đã có cư dân sinh sống, gọi là đất Việt Thường Thị, nằm trong Bách Việt. Tục truyền rằng, năm 2.353 trước Công Nguyên vua xứ Việt Thường Thị đem dâng rùa thần cho Trung Quốc tỏ ý thần phục. Từ đời Tần đến đời Hán, đời Đường (Trung Quốc) xứ này có tên là Lâm Ấp thuộc Tượng Quận, rồi Tượng Lâm thuộc Nhật Nam. Đời Hậu Hán, Khu Liên giết quan huyện và tự xưng là vua Lâm Ấp. Đến năm 627 đời Đường đất được đổi tên là Lâm Châu, có ba huyện: Lâm Ấp, Kim Long và Hải Giới. Năm 803 nhà Đường bỏ đất này, dân chúng tự dựng nên nước Chiêm Thành, xây thành Đồ Bàn làm kinh đô. Năm 1470, đời Lê Hồng Đức, nước Đại Việt mở đất đến núi Thạch Bi (Phú Yên ngày nay) đặt làm phủ Hoài Nhơn thuộc thừa tuyên Quảng Nam. Phủ có 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn.
Năm 1602, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đổi tên là phủ Quy Nhơn và đời chúa Nguyễn Phúc Tần đổi làm phủ Quy Ninh (1651). Sau đó, chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát khôi phục lại tên cũ là phủ Quy Nhơn. Thời nhà Tây Sơn (1773-1802), thành Đồ Bàn được xây dựng thêm và đặt tên thành Hoàng Đế, kinh đô của vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc). Sau khi tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu bỏ thành Quy Nhơn, nhà Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Phúc Ánh lấy lại đất và đặt là dinh Bình Định. Năm 1808 dinh Bình Định chuyển thành trấn Bình Định và năm 1816 đặt Tri phủ Quy Nhơn trông coi ba huyện: Bồng Sơn, Phù Ly, Tri Viễn. Đến thời vua Minh Mạng được đổi tên thành tỉnh Bình Định (1832) và đặt chức Tổng Đốc Bình Phú coi tỉnh Bình Định và Phú Yên. Từ đó về hành chính tỉnh Bình Định tiếp tục có nhiều thay đổi cho đến năm 1945.
* Tổ chức hành chính tỉnh Bình Định thời nhà Nguyễn
Sau khi vua Minh Mạng đổi tên thành tỉnh Bình Định và đặt chức Tổng Đốc Bình Phú, lúc này dưới tỉnh có Phủ, dưới phủ có Huyện, dưới huyện có Tổng, dưới tổng có Thôn. Theo phân chia đó, tỉnh Bình Định bấy giờ có phủ Hoài Nhơn gồm các huyện: Bồng Sơn, Phù Mỹ và Phù Cát; Phủ An Nhơn có huyện Tuy Viễn và Tuy Phước và toàn tỉnh có 14 tổng, 677 thôn. Năm 1877, phần phía tây của Huyện Tuy Viễn từ thôn Phú Phong tới An Khê được đặt làm Nha Kinh Lý An Khê, sau đó cải là huyện Bình Khê có bốn tổng (An Khê, Vĩnh Thạnh, Tân Phong và Thuận Tuyên) thuộc phủ An Nhơn. Năm 1906, tách một số tổng của của huyện Bồng Sơn lập thành huyện mới Hoài Ân, trực thuộc phủ Hoài Nhơn; huyện Tuy Phước được nâng lên là phủ Tuy Phước (không có huyện) chỉ có bốn tổng.
Như vậy, đến năm 1906 tỉnh Bình Định có tổ chức hành chính: 3 phủ, 6 huyện, 27 tổng, 702 thôn (Phường, Trang). Đáng chú ý là đến năm 1910, các huyện không còn trực thuộc phủ, mà phủ và huyện có quyền hành ngang nhau, dưới phủ, huyện có tổng. Và tỉnh Bình Định có các huyện Bồng Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Ân, Tuy Viễn, Bình Khê và các phủ: Hoài Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước với dân số khoảng 589.000 người, bao gồm các dân tộc: người Kinh trên 581.000 người, người dân tộc thiểu số 7.000 người, người Hoa 7.000 người, người Pháp 120.000 người, Ấn Độ 6 người. Năm 1915, tỉnh Phú Yên sáp nhập vào tỉnh Bình Định gọi là tỉnh Bình Phú cho đến năm 1945.
Qua quá trình hình thành và phát triển cho thấy, vùng đất Bình Định đã trải qua nhiều biến chuyển lịch sử, trầm tích nhiều tầng lớp văn hóa, mà ngày nay những gì hiện hữu chỉ là một phần nhỏ của "tảng băng chìm".
. Hữu Vinh
|