Vua Quang Trung với việc dùng chữ Nôm
17:31', 30/6/ 2003 (GMT+7)

Sau khi bình ổn đất nước, vua Quang Trung bắt tay vào xây dựng nội trị: tổ chức chính quyền Trung ương, địa phương, quân sự, qui định dinh điền, thuế khóa... nhà vua lo đến xây dựng nền văn hóa.

Việc học được tổ chức khắp nơi, từ xã đến Phủ, Huyện. Những người phụ trách chính quyền địa phương phải có học hạnh kiêm toàn. Nếu địa phương không có thì mời người các địa phương khác. Tư nhân có quyền rước thầy về dạy con em trong nhà, trong làng. Các trường phủ, trường huyện thì có Đốc học, Huấn đạo điều khiển. Các vị thầy lựa chọn từ khoa bảng của triều Lê được bổ nhiệm vào coi các khoa thi triều đình. Hằng năm, triều đình mở khoa thi Tuấn Sĩ chọn người ưu tú thăng vào Quốc học, hạng thứ vào Phủ học. Trong học và thi dùng hai thứ chữ: chữ Hán và chữ Nôm.

Vào thời Tây Sơn, chữ Nôm được thịnh hành. Chữ Nôm có gốc từ chữ Hán biến chế ra, xuất hiện đầu tiên vào thời nào ở nước ta chưa rõ. Nhưng ở thời Trần 1279-1293, các sĩ phu đã dùng chữ Nôm làm thơ Đường luật, ban đầu do Hàn Thuyên khởi xướng. Chữ Nôm từ đó được phổ biến, song cũng chỉ trong dân gian dùng mà thôi, còn các giấy tờ nơi cửa công đều dùng Hán tự. Đến đời nhà Hồ (1400-1407), chữ Nôm mới được các cơ quan chính quyền dùng vào việc thảo văn tự công, nhưng khi nhà Hồ mất, chữ Nôm cũng mất địa vị.

Vua Quang Trung cho phục hồi lại chữ Nôm, coi đây là Quốc tự (khác với Hán tự là chữ vay mượn của người Tàu), thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ của nước ta. Có chuyện kể rằng: trong một khoa thi Tuấn sĩ, đề thi ra bài vịnh "con cóc". Một thí sinh đã viết:

Da thời ghẻ chốc mọc lam ngoam

Vóc lại u nu giống trái tràm

Nòng nọc đứt đuôi ra khỏi nước

Gặp nhăm tổ mối miệng chàm bàm.

Bài thơ Nôm này bị Ban giám khảo đánh hỏng, khi duyệt lại các quyển hỏng vua Quang Trung khen ngợi bài thơ này và cho thí sinh đậu hạng ưu. Sau đó, nhà vua quở Ban giám khảo "hữu nhãn vô châu" và cấm không cho chấm thi nữa. Mặc dù lúc này chữ Nôm mới khôi phục, chưa thể thay thế chữ Hán, nhưng trong việc học hành thi cử, văn tự chốn công môn, chiếu biểu nơi triều đình đều sử dụng cả hai thứ chữ. Nhà vua lập Sùng Chính Viện và công việc chính của Viện là dịch những tác phẩm văn chương có giá trị từ chữ Hán ra chữ Nôm để phổ biến. Nhiều bộ sách như Tứ Thư, Kinh Thi, Kinh Dịch... được nhà vua sai dịch ra chữ Nôm.

Nhờ trọng chữ Nôm mà văn chương chữ Nôm thời Tây Sơn rất thịnh vượng, các tác phẩm văn học có giá trị ra đời như Hoa Tiên, Mai Đình Mộng Ký, Chinh Phụ Ngâm diễn Nôm, thơ Hồ Xuân Hương, La Xuân Kiều... góp phần làm giàu nền văn hóa nước nhà.

. Hữu Vinh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhà thờ Tăng Bạt Hổ  (29/06/2003)
Về bài thơ của vua Càn Long viếng vua Quang Trung và việc xóa nợ "Liễu Thăng"  (27/06/2003)
Về một câu ca dao có liên quan đến phong trào Tây Sơn  (26/06/2003)
Đất Bình Định xưa...  (25/06/2003)
Tây Sơn Vương sửa thành Quy Nhơn  (24/06/2003)
Truyền thuyết, giai thoại về khởi nghĩa Tây Sơn và anh hùng Nguyễn Huệ  (23/06/2003)
Hương cốm Cát Tường  (22/06/2003)
Canh chua khế, chuối chát  (20/06/2003)
Quang Trung - Nguyễn Huệ với chiến thuật nghi binh, dụ địch  (19/06/2003)
Gỏi cá diếc  (18/06/2003)
Lục kỳ sĩ của nhà Tây Sơn  (17/06/2003)
Suối khoáng Hội Vân  (13/06/2003)
Bình Định – nơi dừng chân của du khách  (12/06/2003)
Bì  (11/06/2003)
Đặc sản biển Quy Nhơn  (09/06/2003)