Ông Chảng
17:34', 1/7/ 2003 (GMT+7)

Tranh vẽ Ông Chảng về làng

Trong Bảo tàng Quang Trung ở huyện Tây Sơn có treo nhiều bức tranh mô tả các sự kiện nhà Tây Sơn. Trong đó, có một bức tranh vẽ cảnh một ông già ngồi trên chiếc thang mọi người khiêng đi, xung quanh có nhiều người hộ giá, kẻ vác cào cỏ, người cầm chĩa ba... Trông ông già không phải là một quan lớn, cũng không phải là "thảo dân". Bởi quan lớn của triều đình nhà Tây Sơn thì phải có mũ mão cân đai, người theo hầu phải là quân lính... Còn là nông dân thì sao lại được ngồi trên cao, kẻ hầu người hạ. Sự thật ông ta là một nông dân ở thôn Bằng Châu, huyện Tuy Viễn, thuộc nhà họ Đinh, tên Chảng. Vì sao ông được Vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) trọng vọng như vậy?

Như chúng ta đã biết, tổ tiên của nhà Tây Sơn vốn họ Hồ, ở làng Hương Cái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Họ Hồ vào lập nghiệp ở đất Quy Nhơn thời Thịnh Đức nhà Lê (1653-1657) ở Đàng Ngoài và thời Chúa Nguyễn Phúc Tần ở Đàng Trong. Lúc mới vào Quy Nhơn, ông Hồ Phi Long (tức ông cố của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ) đến ở và giúp việc cho nhà họ Đinh ở Bằng Châu. Thấy họ Hồ là người trung hậu, họ Đinh gả con gái cho. Ông Hồ Phi Long sinh ra Hồ Phi Tiễn, ông Tiễn lanh lợi nhưng sức yếu không thể làm nông và được họ Đinh giúp vốn để đi buôn. Thời bấy giờ trầu nguồn có giá, ông Tiễn lên đất Tây Sơn buôn trầu. Ở đây ông gặp người vừa ý là bà Nguyễn Thị Đồng, bèn kết nghĩa vợ chồng và cất nhà ở luôn quê vợ. Bà Đồng là con gái duy nhất của một phú thương, để kế tục gia tài và đời đời giữ hương hỏa họ Nguyễn, bà thương lượng cùng chồng cho con mang họ Nguyễn. Vì vậy, khi sinh con ông Tiễn đặt tên con là Nguyễn Phi Phúc. Lớn lên ông Phúc kế tục nghề buôn trầu và kết duyên cùng bà Mai Thị Hạnh để sinh ra ba anh em nhà Tây Sơn.

Sau khi sửa sang thành Quy Nhơn đổi thành Thành Hoàng Đế và xưng vương, trong lúc phong đặt các tướng, thiết lập nội triều, ban thưởng chức tước cho những người có công, vua Thái Đức đã không quên tổ tiên bên ngoại của mình là họ Đinh ở Bằng Châu. Lúc này, họ Đinh không còn ai, chỉ còn một ông lão trên bảy mươi tuổi, tính khí ngang tàng bướng bỉnh, người trong vùng gọi là ông Chảng. Nhà vua mời ông lão vào triều để phong tước, ông lão nói: "Ông làm vua là làm vua với thiên hạ, chứ với tôi ông vẫn là con cháu. Con cháu mà ban chức tước cho cha ông thì hơi nghịch, chi bằng để tôi phê rồi ông lục thì hơn...". Nhà vua chiều theo ý ông lão. Ông lão cầm bút viết: "Bùng binh chi tướng. Uýnh cương chi quan. Bộn bàng chi chức. Chảng chảng ngang thiên". Như vậy, ông không có chức tước gì cụ thể, nhưng chức gì cũng có, từ tướng tới quan... và đó là ông Chảng ngang thiên. Tức là ngang với ông trời (trên cả vua, vì vua mới chỉ là "con trời"). Thực ra, ông có tự phong mình chức gì thì cũng chẳng sao, nên nhà vua để cho ông toại nguyện. Mặc dù ngang tàng, bướng bỉnh nhưng tính tình cương trực, nên ông Chảng được nhiều người dân trong vùng tôn trọng.

Mỗi lần ông lão vào thăm vua Thái Đức, thì thường ngồi trên một cái ghế thang có bốn người khiêng, hai bên có vài chục người cầm cào cỏ, cuốc chỉa, xuổng... là những dụng cụ làm nông thay cho cờ biển hèo tua, và hai cây du du che nắng khi tát nước dùng làm lọng. Phía sau, phía trước lại có hai đoàn người thổi kèn, đánh trống bằng miệng tưng bừng rộn rịp, mọi người kéo ra xem rất đông, vui như hội.

Hình ảnh ông Chảng còn lưu truyền trong ký ức của người dân Bình Định từ các câu chuyện kể. Đó là một nhân vật đặc biệt, có một không hai.

. Hữu Vinh 

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vua Quang Trung với việc dùng chữ Nôm  (30/06/2003)
Nhà thờ Tăng Bạt Hổ  (29/06/2003)
Về bài thơ của vua Càn Long viếng vua Quang Trung và việc xóa nợ "Liễu Thăng"  (27/06/2003)
Về một câu ca dao có liên quan đến phong trào Tây Sơn  (26/06/2003)
Đất Bình Định xưa...  (25/06/2003)
Tây Sơn Vương sửa thành Quy Nhơn  (24/06/2003)
Truyền thuyết, giai thoại về khởi nghĩa Tây Sơn và anh hùng Nguyễn Huệ  (23/06/2003)
Hương cốm Cát Tường  (22/06/2003)
Canh chua khế, chuối chát  (20/06/2003)
Quang Trung - Nguyễn Huệ với chiến thuật nghi binh, dụ địch  (19/06/2003)
Gỏi cá diếc  (18/06/2003)
Lục kỳ sĩ của nhà Tây Sơn  (17/06/2003)
Suối khoáng Hội Vân  (13/06/2003)
Bình Định – nơi dừng chân của du khách  (12/06/2003)
Bì  (11/06/2003)