|
Hiện trạng Sắc phong. (ảnh: VH) |
Đào Duy Từ (1572-1634) là một danh nhân kiệt xuất của đất nước. Ông sinh trưởng ở Tĩnh Gia - Thanh Hóa, nhưng hầu như cả cuộc đời và sự nghiệp đều gắn bó với quê hương Bình Định. Vốn là "con nhà ca xướng", nhưng Đào Duy Từ đã trở thành một nhà chính trị, quân sự và là bậc Thượng đẳng Khai quốc Công thần. Sau khi qua đời, Đào Duy Từ được truy tặng hàm Đông các Đại học sĩ, chức Thái sư, tước Hoằng Quốc công. Đặc biệt, đền thờ Đào Duy từ đã được Nhà nước công nhận là Di tích văn hóa lịch sử quốc gia.
Trong chuyến công tác Hoài Nhơn, cùng nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch, chúng tôi đến thăm viếng đền thờ danh nhân Đào Duy Từ ở thôn Ngọc Sơn, xã Hoài Thanh Tây (Hoài Nhơn). Tại đây, chúng tôi được gặp gỡ và trò chuyện với ông Đào Duy Nhơn, cháu của cụ Đào - người được giao trọng trách chăm sóc, giữ gìn đền thờ. Thật may mắn, khi đến thăm nhà ông Nhơn, chúng tôi được ông giới thiệu và cung cấp một tư liệu cực kỳ quý giá về cụ Đào. Đó là sắc phong của vua Minh Mệnh ban cho cụ Đào Duy Từ. Sắc phong được lập vào ngày 17-11 năm Minh Mệnh thứ 12 (1831). Đây là một sắc phong khá lạ. Sắc có bề rộng 40 cm và dài khoảng 1,2 m. Sắc được viết trên vải lụa quý, màu vàng và được thêu hoa văn rồng, mặt trời cách điệu khá tinh xảo. Đồng thời, xung quanh sắc phong còn được kết lụa kim tuyến rất rực rỡ. Tiếc rằng, do thời gian, những chùm kim tuyến đã bị hư hỏng, rời ra. Mặc dù vậy, ông Nhơn đã giữ lại toàn bộ những sợi lụa kim tuyến này.
|
Nội dung sắc phong (ảnh: VH) |
Nội dung sắc phong là những ghi nhận của vua Minh Mệnh về công lao của Đào Duy Từ đối với đất nước. Toàn bộ nội dung sắc phong được nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch phiên âm và dịch nghĩa như sau:
Phiên âm:
Thừa thiên hưng vận
Hoàng đế chế viết.
Trẫm duy:
Nhân thần hữu đại huân lao, tích dịch vĩnh thùy ư thanh giản; vương giả truy tư công tái, biểu dương thâu bái ư hồng ân.
Đản hiệp cốc thần,
Tái ban chi phất.
Quyến duy:
Nguyên hiệp mưu đồng đức công thần, đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Nội tán Lộc Khê hầu, đặng vỹ quốc gia mưu phù vận tán trị tôn thần, thụy Trung Lương Đào Duy Từ:
Thang châu kiệt xuất,
Ngọc lĩnh anh tiêu.
Nam lai bái hiến tiên tư, mậu triều Long cương chi vỹ phụ; Bắc khống điều trần thẳng toán, diệu sư báo lược chi mật truyền.
Cẩm nang thập sự,
Thâm trúng cơ nghi.
Trường lũy nhất điều,
Tăng Long cương ngữ.
Quân quốc tu kiêm trọng ký, lịch bát niên dư duy ốc chi mưu du;
Bang gia đệ nhất huân thần, nhị bách tải thượng khoán thư chi danh tích.
Sự nghiệp chiếu thùy lai hứa, sùng hồng điệp hạ long thi.Phủ trùng hy lũy hiệp chi xương thần, truy miễn phong vân vãn sự; Kê thù đức báo công chi di điển, tái đàm vũ lộ tân triêu.
Tư đặc tặng vi Khai quốc Công thần, đặc tiến Vinh lộc Đại phu, Đông các Đại học sỹ, Thái sư, nhưng thụy Trung Lương, phong Hoằng Quốc công, tích chi cáo mệnh.
Ô hô!
Thôi xán ân luân, dụng bí truyền cục chi sảng; Trạc dương chánh khí, thức ưng hoa cổn chi bao.
Minh Mạc hữu tri,
Chi thừa vô dịch,
Minh Mệnh thập nhị niên thập nhất nguyệt thập thất nhật.
HỮU SẮC MỆNH CHI BẢO.
Dịch nghĩa:
Vâng mệnh trời hưng vận nước, Hoàng đế ban chế rằng:
Trẫm nghĩ:
Bề tôi chịu nhiều đau khổ, lập được công to thì sự nghiệp truyền đời, tên tuổi lưu nơi sử sách; Nhà vua tìm xét công lao thuở trước mà ban ơn lớn để biểu dương và cho thọ lãnh lâu dài. Nay gặp gió lành, ban cho đạo sắc thơm tho này.
Nhìn lại:
Nguyên Đào Duy Từ, tên thụy Trung Lương, là Công thần Hiệp mưu Đồng đức, Đặc cách tiến hàm Vinh lộc Đại phu mang đãy gấm tía gắn phù hiệu bằng vàng, chức Nội tán, tước Lộc Khê hầu, sau khi mất được tặng Phúc thần với mỹ hiệu Phù vận Tán trị Tôn thần:
Là bậc hào kiệt xuất hiện ở châu thang (1); Là viên ngọc tinh anh làm tiêu biểu ở núi Ngọc (2). Từ vào Nam bái yết Tiên chúa (3), hiến mưu mô, trổ tài lớn phò vua giúp nước như người trong bài phú Long Cương đã tả (4); Tính toán đúng các điều trình bày với triều đình Lê - Trịnh ở phía Bắc, bí mật truyền mưu lược quân sự rất kỳ diệu (5), Đãy gấm chứa sẵn mười điều rất trúng cơ nghi (6). Dâng một điều xin chúa cho đắp lũy Trường Dục, khiến biên giới phía Bắc càng thêm vững bền dài lâu. Nhận sự ủy thác nặng nề của chúa là sửa sang việc quân, việc nước, trải hơn tám năm bàn mưu kế nơi màn trướng (7); Trở thành bề tôi có công lớn đệ nhất của nước nhà mà tên tuổi và công trạng đã chép trong thư son, chạm vào khoán sát từ hai trăm năm trước. Sự nghiệp truyền đến ngày nay, lại được thọ ơn lớn của vua lần nữa. Xét cái nghĩa làm tôi thuở rồng mây gặp hội còn kể trong chuyện cũ mà yên ủi lần nữa cho thấm thêm ơn vua của đời thịnh.
Chiếu điều lệ báo đáp công đức ghi rõ trong điển chương pháp lệnh của Nhà nước mà cho thọ ơn mưa móc mới thấm ướt đầm đìa. Nay đặc biệt tặng làm Công thần mở nước, đặc cách tiến hàm Vinh Lộc Đại phu Đông các Đại học sỹ, chức Thái sư, cho lại tên thụy như cũ là Trung Lương, tước phong Hoằng Quốc công. Ban cho đạo sắc này để cáo cho biết mệnh vua.
Hỡi ôi!
Đạo sắc ban ơn vua lóng lánh ánh ngọc dùng chiếu sáng cõi âm, chánh khí rạng rỡ khiến ơn vua phong thêm vẻ vang như được mặc áo lễ của nhà vua. Ở cõi âm mờ mịt xa xăm kia như có biết thì hãy kính cẩn thọ lãnh không bao giờ biết chán.
Niên hiệu Minh Mệnh thứ 12 (1831) tháng 11 ngày 17.
Có ấn SẮC MỆNH CHI BẢO.
. Viết Hiền - Đặng Quý Địch (giới thiệu)
Chú thích:
1- Tức thang mộc ấp, quê hương của nhà vua. Đây muốn nói đến quê hương của các chúa Nguyễn trước kia và của các vua nhà Nguyễn sau này. (Lưu ý, không phải theo quan niệm kiểu "Quy Nhơn Thang mộc địa" mà một số người lầm lẫn).
2- Tức Ngọc Sơn, một địa danh ở Thanh Hóa.
3- Lưu ý là "Tiên chúa" chứ không phải "Chúa tiên". Ý nói đến vị chúa trước Gia Long - nghĩa là chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (Không phải chúa tiên Nguyễn Hoàng).
4- Trong bài "Ngọa Long Cương vãn" của Đào Duy Từ có kể về sự tích Gia Cát Lượng đời Tam Quốc để tự ví với mình.
5- Ý nói tới bộ Binh Thư "Hổ Trướng Khu cớ" do Đào Duy từ soạn.
6- Ý nói tới "Thập cá Cẩm nang" do Đào Duy Từ soạn để dạy Nam sứ là Văn Khương đối đáp với chua Trịnh khi trả sắc.
7- Đúng ra là chỉ có 7 năm, vài tháng (1627-1634).
|