Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chàng Lía bị vây trong thành…
Câu ca đượm buồn nhưng nói lên được nhiều điều. Cuộc khởi nghĩa của chàng Lía và tấm lòng người dân Bình Định đối với chàng Lía cùng phong trào đấu tranh chống chế độ cai trị hà khắc của chúa Nguyễn do chàng Lía lãnh đạo.
Căn cứ Truông Mây nay thuộc địa phận xóm 3, thôn Phú Thuận, xã Ân Đức huyện Hoài Ân, cách huyện lỵ khoảng 3 km. Từ thị trấn Tăng Bạt Hổ đi lên khoảng 1 km, tới ngã ba Gia Đức rồi theo con đường đất nhỏ đi về phía tây bắc khoảng 1 km tới sông Kim Sơn. Bên kia sông là di tích căn cứ Truông Mây.
Bước sang nửa sau thế kỷ XVIII xã hội Đàng Trong lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Trước lúc ngọn lửa chiến tranh nông dân Tây Sơn bùng cháy, ở Đàng Trong đã nổ ra một số phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân chống chúa Nguyễn, trong đó tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa do chàng Lía lãnh đạo. Không thấy chính sử, cả đương thời và về sau, ghi chép về cuộc khởi nghĩa này. Tuy nhiên, sự tích về cuộc khởi nghĩa, về thủ lĩnh Lía thì vẫn được ghi nhớ và truyền tụng phổ biến trong dân gian qua bài vè chàng Lía và nhiều truyện kể khác.
Cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng hình ảnh chàng Lía dũng cảm, khí phách hiên ngang, không chịu khuất phục trước áp bức cường quyền, vẫn sống mãi trong lòng dân Bình Định, trong lòng những người bị áp bức.
Ở căn cứ Truông Mây nay vẫn còn một số dấu tích về cuộc khởi nghĩa. Truông Mây là một đoạn đường chạy giữa hòn Núi Một và sông Kim Sơn từ phía bắc thôn Phú Thuận đến phía Nam thôn Vĩnh Hòa, xã Ân Đức huyện Hoài Ân. Xưa kia đây là con đường độc đạo lên nguồn Kim Sơn, bên sườn núi mây mọc thành rừng, khung cảnh hoang vắng, đi lại rất khó khăn nên mới có tên là Truông Mây. Các dấu tích về cuộc khởi nghĩa còn lại đến ngày nay tập trung ở dưới chân và bên sườn hòn Núi Một.
Mộ ông Lía là di tích gắn liền với truyền thuyết dân gian cho rằng sau khi Lía tự vẫn, với lòng ngưỡng mộ và ghi nhớ công lao của chàng, nhân dân đã xây dựng một ngôi mộ khang trang. Ngôi mộ hiện nay - mà dân gian gọi là mộ ông Lía - có quy mô khá lớn, gồm hai lớp tường thành: thành ngoại và thành nội. Hai lớp thành có hình dáng giống nhau. Mặt trước xây vuông quay mặt về đông, mặt sau xây hình bán nguyệt dựa lưng vào núi. Lớp thành ngoại có chiều dài 30m, chiều rộng 25m xây bằng đá núi xếp chồng lên nhau với nhiều kích cỡ khác nhau, cao 1,4m, rộng 1,5m, phía trước có cửa ra vào rộng 2,0m. Lớp thành nội nằm cân đối trong lớp thành ngoại, mặt trước cũng có cửa ra vào, dài 7,0m, rộng 5,0m, cao 1,0m, được xây cẩn thận hơn bao gồm 3 lớp đá ong được cắt vuông vức với kích thước 0,5m x 0,3m x 0,2m. Nhân dân cho biết trước kia giữa thành nội có một tấm bia đá khắc chữ Hán nhưng đã bị bọn đào trộm vàng phá hủy mất. Bên ngoài ngôi mộ phía nam có một phế tích kiến trúc khác hình vuông, một lớp tường thành, mặt quay hướng đông, dài 6,0m, rộng 4,0m, dày 1,5m, tương truyền rằng đây là nền doanh trại nghĩa quân.
. (Theo "Bình Định danh thắng và di tích")
|