Những tư liệu quý về Trần Đức Hòa và dòng họ Trần ở Hoài Nhơn
16:15', 20/7/ 2003 (GMT+7)
Cống Quận công Trần Đức Hòa sinh trưởng trong một gia đình quan lại thuộc triều Lê. Quê hương của ông ở thôn An Đỗ, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn. Trần Đức Hòa không chỉ là bậc khai quốc công thần mà còn là một trong những vị tiền hiền của vùng đất Hoài Nhơn - Bình Định. Nhắc đến tên ông, người hậu thế không thể quên "bài học tiến cử hiền tài" mà tiêu biểu là việc ông đã có công tiến cử Đào Duy Từ, giúp họ Đào trở thành một nhà chính trị, nhà quân sự, danh nhân kiệt xuất của đất nước. Tên tuổi của Cống Quận công Trần Đức Hòa đã lưu danh cùng sử sách. Tuy nhiên, những tư liệu về ông vẫn chưa được sưu tầm, nghiên cứu đầy đủ.

Trong chuyến công tác tại Hoài Nhơn, qua tiếp xúc, làm việc với nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch, chúng tôi được biết hiện trong dòng họ Trần ở Hoài Nhơn còn lưu giữ một số tư liệu quý hiếm về ông bà tổ tiên và nhân vật Trần Đức Hòa nói riêng. Người hiện đang giữ gìn những tư liệu quý là ông Trần Đức Kháng, cháu đời thứ 12 của Cống Quận công Trần Đức Hòa. Đó là 10 tư liệu quý gồm những đạo sắc, đạo chỉ, văn kiện của triều Lê, ban tặng cho một số vị là ông, bà, cha, mẹ và bản thân Cống Quận công Trần Đức Hòa. Vì khuôn khổ của bài viết có hạn, ở đây chúng tôi chỉ xin giới thiệu tóm tắt về 10 tư liệu quý hiếm nói trên

Tư liệu 1: Là đạo sắc của triều Lê phong tặng cho bà Nguyễn Thị Ngọc, vợ của Dương Đàm Hầu Trần Ngọc Phân và là mẹ của Cống Quận công Trần Đức Hòa. Đạo sắc đề ngày 18-7 niên hiệu Chính trị thứ 7 (1564), đời vua Lê Anh Tông (1557-1573). Nội dung của đạo sắc là vua Lê Anh Tông phong cho bà Nguyễn Thị Ngọc làm Chánh phẩm Phu nhân. Đạo sắc được viết trên giấy Bắc, màu vàng. Khuôn khổ của đạo sắc khá lớn: 1,20m x 0,40m. Chữ viết trên đạo sắc được viết theo kiểu chữ chân. Nét chữ sắc sảo, dễ đọc. Chữ viết được phân làm 9 hàng, cỡ chữ 4cm x 4cm. Trên đạo sắc có ấn son của vua Lê Anh Tông đóng kèm với hàng niên hiệu. Ấn có khuôn khổ 12cm x 12cm. Ấn khắc 4 chữ SẮC MỆNH CHI BẢO.

Tư liệu 2

Tư liệu 2: Là đạo sắc của triều Lê phong tặng cho bà Bùi Thị Phần, vợ của Vinh Lộc Đại phu Trần Ngọc Trách, là mẹ của Dương Đàm Hầu Trần Ngọc Phân và là bà nội của Cống Quận công Trần Đức Hòa. Đạo sắc đề ngày 26-7 niên hiệu Chính trị thứ 7 (1564), đời vua Lê Anh Tông. Nội dung của đạo sắc là vua Lê Anh Tông phong cho bà làm Phẩm phu nhân. Đạo sắc cũng được viết trên giấy Bắc màu vàng. Khuôn khổ của đạo sắc cũng là 1,2m x 0,40m. Chữ viết, kiểu chữ, nét chữ, khổ chữ và ấn son của vua đóng kèm trên đạo sắc này cũng giống như đạo sắc trên.

Tư liệu 3: Là văn kiện đề ngày 28-7 niên hiệu Chính trị thứ 7 (1564), đời vua Lê Anh Tông. Văn kiện này do Bộ Lại của triều Lê khi đó đang đóng tại Thanh Hóa soạn thảo. Nội dung của văn kiện này là vua Lê Anh Tông phong chức tước cho người con trưởng của Dương Đàm Hầu Trần Ngọc Phân là Trần Đức Hòa được tập ấm chức Hoằng Tín Đại phu. Văn kiện trên được viết trên giấy trắng (đã ngả màu). Nội dung văn kiện được viết làm 14 hàng, trong đó gồm có 12 hàng được viết chữ lớn và 2 hàng viết theo kiểu chữ nhỏ. Cỡ chữ của hàng chữ lớn là 2cm x 2cm và cỡ chữ của hàng chữ nhỏ là 1cm x 1cm. Ở hàng niên hiệu có ịn dấu ấn son khá lớn với khuôn khổ 10cm x 10cm. Chữ trên ấn son được viết theo lối chữ triện với cỡ chữ là 5cm x 5cm. Đáng lưu ý, ở phía bên phải hàng chữ thứ 12 có in dấu nửa chiếc ấn son hình tam giác vuông. Mỗi cạnh đo được 8cm. Theo nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch, đây là một ấn son cực kỳ độc đáo, chúng tôi sẽ giới thiệu cụ thể trong một dịp khác.

Tư liệu 4: Là đạo sắc của triều đình nhà Lê ban cho Vinh Lộc Đại phu Trần Ngọc Trách, cha của Dương Đàm Hầu Trần Ngọc Phân và là ông nội của Cống Quận công Trần Đức Hòa. Đạo sắc đề ngày 10-8 niên hiệu Chính trị thứ 7 (1564), đời vua Lê Anh Tông. Nội dung của đạo sắc là vua Lê Anh Tông truy tặng ông Trần Ngọc Phân hàm Vinh Lộc Đại phu, tước Huệ Trung Bá. Đạo sắc cũng được viết trên giấy Bắc, màu vàng. Khuôn khổ của đạo sắc cũng là 1,2m x 0,40m. Chữ viết, kiểu chữ, nét chữ, khổ chữ và ấn son của vua đóng kèm trên đạo sắc này cũng giống như tư liệu 1.

Tư liệu 5: Đạo sắc này đề ngày 16-5 năm Quang Hưng thứ 17 (1593), đời vua Lê Thế Tông (1573-1600). Nội dung của đạo sắc này là vua Lê Thế Tông phong cho Phó tướng xứ Quảng Nam Dương Đàm Hầu Trần Ngọc Phân (cha của Cống Quận công Trần Đức Hòa) đã qua đời, được thêm mỹ hiệu QUẢ NGHỊ (có nghĩa là người quyết đoán, sáng suốt, cứng cỏi, nghị lực). Cũng như tư liệu số 1, đạo sắc này được viết trên giấy Bắc, màu vàng. Nội dung đạo sắc được viết phân làm 12 hàng. Chữ trên đạo sắc đa phần được viết theo lối chữ chân, sắc sảo. Cỡ chữ là 3cm x 3cm.

Tư liệu 6: Là đạo sắc của triều đình nhà Lê phong tước cho Trần Đức Hòa. Đạo sắc đề ngày 12-6 năm Quang Hưng thứ 8 (1584), đời vua Lê Thế Tông. Nội dung đạo sắc là vua Lê Thế Tông phong cho Thượng tướng quân Trần Đức Hòa tước Cống Quận công. Đạo sắc này cũng được viết trên giấy Bắc màu vàng (khổ giấy như tài liệu số 1) nhưng nền có in vân rồng, mây. Nội dung đạo sắc được viết phân làm 13 hàng và viết theo lối chữ chân. Kích cỡ chữ cũng là 3cm x 3cm. Đáng tiếc là đạo sắc này có 4 chữ ở hàng 1, 2, 4, 7 bị khuyết vì thời gian hư hỏng.

Tư liệu 7: Đây là Chỉ thị của Tiết chế Dũng Quốc công Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) còn gọi là chúa Hiền) ra lệnh cho một người có họ là Trần Đức (không rõ có phải là Cống quận công Trần Đức Hòa hay không, vì tên người trong đạo sắc bị khuyết). Chỉ thị đề ngày 18-8 năm Chánh Hòa thứ 7 (1686), đời vua Lê Hy Tông (1676-1705), cùng giai đoạn với đời chúa Hiền). Nội dung Chỉ thị là chúa Hiền ra lệnh cho người có họ Trần Đức phải thi hành công vụ nhưng không rõ làm việc gì? Chỉ thị được viết trên loại giấy trắng (đã ngả màu vì thời gian). Khuôn khổ của Chỉ thị là 40cm x 50cm. Nội dung Chỉ thị được phân làm 6 hàng và viết bằng kiểu chữ có cỡ 3cm x 3cm. Ở hàng niên hiệu có ịn ấn triện son. Triện có khuôn khổ 10cm x 10cm. Theo ông Trần Đức Kháng, tên người được chúa Hiền ra lệnh thi hành công vụ là Vĩnh Thọ Hầu Trần Đức Tấn. Do sự tranh chấp giữa phái thứ và phái trưởng nên có kẻ xấu bụng đã lén bấm lủng tên của người trong Chỉ thị (?).

Tư liệu 8

Tư liệu 8: Là đạo sắc của chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) ban cho Phó tướng xứ Quảng Nam Dương Đàm Hầu Trần Ngọc Phân (cha của Cống Quận công Trần Đức Hòa) đã qua đời được thêm mỹ hiệu PHU NGHĨA. Sắc được viết trên giấy màu tím, khổ 50cm x 40cm. Nội dung đạo sắc được viết có kích cỡ 3cm x 3cm, phân làm 7 hàng. Lối chữ cũng được viết theo dạng chữ chân. Ấn son đóng theo hàng niên hiệu được viết theo lối chữ triện. Ấn có khuôn khổ 10cm x 10cm. Đáng lưu ý, khác hẳn với những đạo sắc trước, ở đạo sắc này, phía dưới hàng niên hiệu lại có ghi tên, họ, chức vụ của viên quan có trách nhiệm theo dõi việc phong thần.

Tư liệu 9: Đây là đạo sắc ra đời vào ngày 6-6 năm Chính Hòa thứ 10 (1689), đời vua Lê Hy Tông. Đạo sắc này là của chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn ban cho Cống Quận công Trần Đức Hòa. Cụ thể, sau khi Trần Đức Hòa qua đời, chúa Nguyễn Phúc Trăn đã ban tặng cho ông thêm mỹ hiệu PHÙ VẬN THẦN. Toàn bộ các vấn đề về chất liệu, khổ giấy, số hàng, lối chữ, kích cỡ chữ và cả ấn son, chữ triện, kích cỡ chữ triện… đều giống như tài liệu trên.

Tư liệu 10: Là Chỉ thị của Thái phó Tộ Quốc công Nguyễn Phúc Chu (1691-1725, còn gọi là chúa Quốc), ban cho Vĩnh Thọ Hầu Trần Đức Tấn. Theo gia phả họ Trần, Vĩnh Thọ Hầu Trần Đức Tấn là cháu kêu Cống Quận công Trần Đức Hòa bằng ông cao. Chỉ thị được đề ngày 12-9 năm Vĩnh Thịnh thứ 12 (1715), đời Lê Dụ Tông. Nội dung của Chỉ thị là chúa Nguyễn Phúc Chu cho phép con cháu của Cống Quận công Trần Đức Hòa từ đây trở về sau được miễn nhiệm, miễn sưu. Chỉ thị được viết trên giấy trắng (đã ngả màu). Khổ giấy là 50cm x 40cm. Nội dung Chỉ thị được viết phân làm 9 hàng. So với những Chỉ thị, đạo sắc trước, kích cỡ ở Chỉ thị này nhỏ hơn, chỉ khoảng 2cm x 2cm. Riêng ấn son đóng kèm theo niên hiệu của Chỉ thị thì cũng có kích cỡ là 10cm x 10cm.

10 Đạo sắc, Chỉ thị, Văn kiện nói trên là những tư liệu lịch sử cực kỳ quý giá. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch thì đây là những văn kiện lịch sử có niên đại xưa nhất tìm thấy ở Bình Định hiện nay, với niên đại khoảng trên dưới 400 năm. Các nhà sử học, dân tộc học, khảo cổ học, văn tự học… sẽ có cơ hội tìm ở những tư liệu này những điều bổ ích. Hiện tại, nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch đang tiếp tục bổ khuyết, phiên dịch, hoàn chỉnh toàn bộ các tư liệu nói trên. Mong rằng, khi có điều kiện chúng tôi sẽ giới thiệu cụ thể, kỹ lưỡng đến bạn đọc những tư liệu quý về nhân vật Trần Đức Hòa và dòng họ Trần ở Hoài Nhơn.

. Viết Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vua Quang Trung và 3 lần cầu La Sơn Phu Tử   (17/07/2003)
Vua Quang Trung chọn và trọng dụng nhân tài   (15/07/2003)
Trường Quốc học Quy Nhơn   (14/07/2003)
Tương đỗ mèo   (13/07/2003)
Căn cứ Truông Mây  (10/07/2003)
Mắm Gành Diêu Quang  (09/07/2003)
Phát hiện một tư liệu quý về danh nhân Đào Duy Từ  (07/07/2003)
Cháo cá rựa  (06/07/2003)
Chim mía Phú Phong  (04/07/2003)
Ông Chảng  (01/07/2003)
Vua Quang Trung với việc dùng chữ Nôm  (30/06/2003)
Nhà thờ Tăng Bạt Hổ  (29/06/2003)
Về bài thơ của vua Càn Long viếng vua Quang Trung và việc xóa nợ "Liễu Thăng"  (27/06/2003)
Về một câu ca dao có liên quan đến phong trào Tây Sơn  (26/06/2003)
Đất Bình Định xưa...  (25/06/2003)