Bàu Sấu - Một địa danh lịch sử
20:4', 31/7/ 2003 (GMT+7)

Dưới chân núi Kỳ Đồng (xã Nhơn Hậu - An Nhơn), ở phía tây có một bàu nước rộng và sâu, tên chữ là Ngạc Đàm, tục danh gọi là Bàu Sấu. Nhân dân địa phương giải thích sở dĩ có tên gọi như vậy vì xưa kia trong bàu có cá sấu. Mặc dù núi Kỳ Đồng được coi là một trong "tứ linh", tọa lạc ven một bàu nước rộng mênh mông nên được gán cho hình tượng "Thanh long ẩm thủy" (rồng xanh uống nước) và Ngạc Đàm cũng có thể được coi là một thắng cảnh đẹp trong vùng, nhưng Bàu Sấu nổi tiếng và đi vào sử sách là vì nơi đây đã diễn ra một sự kiện bi hùng, gắn liền với tên tuổi của vị nguyên soái anh hùng Mai Xuân Thưởng.

Đầu năm 1887, quân Pháp phối hợp với quân triều đình do Trần Bá Lộc chỉ huy đã tiến công trên quy mô lớn vào các căn cứ của nghĩa quân Cần Vương. Do chênh lệch về lực lượng và vũ khí, nhiều vị trí hiểm yếu bị mất vào tay giặc. Trước tình thế ấy, Mai Xuân Thưởng quyết định tổ chức một trận sống mái với quân thù. Ông đã chọn Bàu Sấu làm nơi bày trận. Dưới sự chỉ huy của ông, nghĩa quân đã chiến đấu vô cùng dũng cảm với quân địch suốt hai ngày đêm. Cuối cùng vì quân địch quá đông lại được yểm trợ bằng hỏa lực mạnh, nghĩa quân không chống đỡ nổi. Quân ta bị tổn thất lớn. Ngay cả chủ soái Mai Xuân Thưởng cũng bị trọng thương. Ông đã phải cùng với tàn quân mở đường máu rút lui về mật khu Linh Đổng, quyết chí xây dựng lại lực lượng chờ ngày phản công. Nhưng ý chí phục thù của Mai nguyên soái đã không thực hiện được. Quân thù đã thẳng tay đàn áp, không từ các thủ đoạn hèn hạ, bắt giam mẹ già của Mai Xuân Thưởng. Vì chữ hiếu, ông đã sa vào tay giặc ngày 4 tháng 5 năm 1887 và hơn một tháng sau bị xử trảm.

Bàu Sấu đã trở thành nơi chứng kiến trận quyết chiến cuối cùng của Mai Xuân Thưởng cùng các chiến binh yêu nước. Di tích đồn lũy tại căn cứ Kỳ Đồng, Bàu Sấu sau này đã bị thực dân Pháp cho san phẳng, không còn để lại dấu vết gì, nhưng tinh thần chiến đấu quả cảm vì độc lập của tổ quốc của những người con anh dũng sẽ được ghi tạc mãi mãi trong lòng nhân dân.

(Theo "Bình Định danh thắng và di tích")

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bún tôm Châu Trúc   (24/07/2003)
Những tư liệu quý về Trần Đức Hòa và dòng họ Trần ở Hoài Nhơn   (20/07/2003)
Vua Quang Trung và 3 lần cầu La Sơn Phu Tử   (17/07/2003)
Vua Quang Trung chọn và trọng dụng nhân tài   (15/07/2003)
Trường Quốc học Quy Nhơn   (14/07/2003)
Tương đỗ mèo   (13/07/2003)
Căn cứ Truông Mây  (10/07/2003)
Mắm Gành Diêu Quang  (09/07/2003)
Phát hiện một tư liệu quý về danh nhân Đào Duy Từ  (07/07/2003)
Cháo cá rựa  (06/07/2003)
Chim mía Phú Phong  (04/07/2003)
Ông Chảng  (01/07/2003)
Vua Quang Trung với việc dùng chữ Nôm  (30/06/2003)
Nhà thờ Tăng Bạt Hổ  (29/06/2003)
Về bài thơ của vua Càn Long viếng vua Quang Trung và việc xóa nợ "Liễu Thăng"  (27/06/2003)