Đình làng Trường Cửu
17:24', 5/8/ 2003 (GMT+7)

Một bản sắc phong (ảnh: Ngọc Diên)

Nằm ở trung tâm thôn Trường Cửu (xã Nhơn Lộc, An Nhơn), là một ngôi đình cổ đã hư hỏng hoàn toàn, chỉ còn lại phần nền móng nằm trên thửa đất rộng chừng vài sào ta. Một ngôi đình mới nhỏ hơn được nhân dân ở đây xây dựng lại từ năm 1963, giờ cũng đã hư hỏng gần hết, ẩn khuất dưới tán cây xanh, hòa quyện cùng màu xanh của làng mạc.

Người dân nơi đây đã truyền miệng cho nhau về bao nhiêu điển tích, truyền thuyết và cả những chuyện hoang đường về ngôi đình này. Nào là, thỉnh thoảng thấy một cặp rắn to có mồng (nên gọi là rắn ông rắn bà) ở khu vực xung quanh đình; rồi lại có những đêm, có những đóm sáng từ nóc đình cũ bay lên trời... Suốt một thời gian dài, ngôi đình này bị bỏ hoang nên lớp người sau không còn ai nhớ chính xác nguồn gốc của ngôi đình.

Gần đây, từ một duyên cớ rất ngẫu nhiên, Ban nhân dân thôn Trường Cửu đã phát hiện những sắc phong liên quan đến ngôi đình. Sự việc bắt đầu từ lời trò chuyện của bà Lê Thị Xuân Hương, trú ở xóm Nam (thôn Trường Cửu) với một số người trong xóm rằng bà đang lưu giữ những loại giấy tờ gì đó có liên quan đến ngôi đình cũ này, do cha chồng bà là cụ Võ Ngữ (đã chết từ lâu) để lại. Ban nhân dân thôn Trường Cửu đã đến nhà bà Hương, thuyết phục để bà đưa số tài liệu đang có về Ban nhân dân thôn quản lý, gìn giữ và tìm hiểu nội dung, và bà Hương đã ưng thuận.

Số tài liệu này gồm 7 tờ giấy gió còn khá tốt có màu vàng, khổ rộng, in những hoa văn hình rồng lượn, nét chữ bằng mực xạ rất sắc sảo, mỗi tờ đều có ấn triện lớn bằng mực đỏ. Tất cả các tờ giấy này đều đựng trong hộp gỗ sơn son đã phai màu. Theo bản dịch của nhà nghiên cứu tuồng Vũ Ngọc Liễn, thì đây là những sắc phong (sắc chỉ, ban sắc…) của các triều vua Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định... về một vị thần từ lâu đã được thờ phụng tại ngôi đình ở thôn Trường Cửu, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định.

Một sắc chỉ của vua Tự Đức có nội dung:

Từ trước đã thờ thần Bạch Mã với tước hiệu Dương Uy Ngự Vụ Bảo Chướng Kiện Thuận Hòa Nhu Hàm Quang, là vị Thần giữ yên sự chính trực, đem lại những điều lành cho vùng đất xứ này. Đã từng ban cấp sắc phong cho phép thờ phụng.

Năm Tự Đức thứ 31 đúng dịp mừng nhà vua đại khánh ngũ tuần (50 tuổi), nên ban cho chiếu báu ơn lây, làm lễ trọng nâng cấp, cho phép được thờ phụng như cũ, ghi vào danh mục thờ cúng của Quốc khánh.

Ngày 24, tháng 11, năm Tự Đức thứ 33.

(Bản dịch của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn)

Ông Bùi Văn Tạo, Trưởng thôn Trường Cửu cho biết: "Từ khi tìm ra nguồn gốc của ngôi đình (qua các sắc phong), trong làng ai cũng muốn khôi phục lại ngôi đình." Nguyện vọng này của nhân dân thôn Trường Cửu là chính đáng, thể hiện ý thức gìn giữ di tích của cha ông để lại. Hy vọng chính quyền địa phương và ngành văn hóa quan tâm và có những giúp đỡ cần thiết, để nhân dân thôn Trường Cửu hoàn thành được tâm nguyện của mình.

. Ngọc Diên

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bàu Sấu - Một địa danh lịch sử   (31/07/2003)
Bún tôm Châu Trúc   (24/07/2003)
Những tư liệu quý về Trần Đức Hòa và dòng họ Trần ở Hoài Nhơn   (20/07/2003)
Vua Quang Trung và 3 lần cầu La Sơn Phu Tử   (17/07/2003)
Vua Quang Trung chọn và trọng dụng nhân tài   (15/07/2003)
Trường Quốc học Quy Nhơn   (14/07/2003)
Tương đỗ mèo   (13/07/2003)
Căn cứ Truông Mây  (10/07/2003)
Mắm Gành Diêu Quang  (09/07/2003)
Phát hiện một tư liệu quý về danh nhân Đào Duy Từ  (07/07/2003)
Cháo cá rựa  (06/07/2003)
Chim mía Phú Phong  (04/07/2003)
Ông Chảng  (01/07/2003)
Vua Quang Trung với việc dùng chữ Nôm  (30/06/2003)
Nhà thờ Tăng Bạt Hổ  (29/06/2003)