Hò ơ… ớ… ơ…
Quê em xanh ngát vườn dừa
Căm thù giặc Mỹ không chừa một ai
Nhiều gương đánh giặc rất tài
Trong sông, ngoài biển thua cay, giặc cuồng
Còn gương em thiếu niên Vũ Bảo anh hùng
Chèo thuyền đưa đoàn cán bộ ra khỏi vùng địch vây…
Đó là lời mở đầu của bản bài chòi, ca ngợi tấm gương hy sinh anh dũng của Vũ Bảo - người thiếu niên anh hùng tiêu biểu của quê hương Bình Định. Do điều kiện, hoàn cảnh lịch sử và năm tháng chiến tranh nên việc tìm hiểu, xác định những tư liệu về cuộc đời, hoàn cảnh chiến đấu, hy sinh, thậm chí tên, tuổi của liệt sĩ Vũ Bảo có những khó khăn. Tuy nhiên, qua những nhân chứng từng hoạt động với Vũ Bảo, qua gia đình của anh, cùng với sự cố gắng của chính quyền địa phương và ngành chức năng, cuối cùng chân dung của người anh hùng nhỏ tuổi cũng được xây dựng hoàn chỉnh.
Vũ Bảo Tên thật là Võ Văn Bảo, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở vùng cửa biển Đề Gi, thuộc thôn An Quang, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định). Cha của Vũ Bảo là ông Võ Đáng, một cán bộ cách mạng và mẹ là bà Lê Thị Xin, một cơ sở cách mạng ở Cát Khánh - Phù Cát. Năm 1955, ông Đáng đi tập kết ra miền Bắc, Vũ Bảo ở với mẹ tại quê nhà. Năm ấy, Vũ Bảo mới khoảng 5-6 tuổi. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Võ Đáng trở vào công tác tại Huyện ủy Đồng Nai. Do Vũ Bảo hy sinh khi tuổi còn nhỏ, nên ít người biết anh sinh năm nào (?). Ngay cả bà Lê Thị Xin (mẹ Vũ Bảo) khi tiếp xúc với chúng tôi cũng chỉ nhớ anh sinh vào khoảng tháng 2 năm 1948 hay 1949 gì đó (?). Tuy vậy, qua tấm Bằng Tổ quốc ghi công (hiện lưu giữ tại nhà bà Lê Thị Xin) thì Vũ Bảo hy sinh vào năm 1963. Như vậy, có thể xác định: Vũ Bảo sinh vào tháng 2 năm 1949. Bởi, qua tư liệu và những nhân chứng thì Vũ Bảo hy sinh khi anh 14 tuổi.
Theo ký ức của những người thân trong gia đình Vũ Bảo và nhiều cán bộ, nhân dân An Quang - Cát Khánh, thuở nhỏ anh là một cậu bé thông minh, lanh lợi, hiếu học và siêng năng. Cha đi tập kết khi Vũ Bảo mới 5 tuổi, mẹ ở lại quê nhà nuôi 4 anh em nên cuộc sống của gia đình khá vất vả. Bởi vậy, ngoài thời gian đi học, Bảo phải làm lụng, giúp đỡ mẹ. Bấy giờ, Đề Gi là vùng đất nằm gần "căn cứ địa cách mạng" của Huyện ủy Phù Cát (thuộc thôn Vĩnh Lợi) nên bọn địch thường hay dòm ngó và tổ chức những cuộc càn quét, lùng sục, vây ráp, bắt bớ cán bộ cách mạng. Bản thân gia đình Vũ Bảo khi đó bị địch "liệt" vào loại "Gia đình có người đi tập kết" nên thường xuyên bị chúng kìm kẹp, quản chế, quản thúc. Cũng chính vì thế nên Vũ Bảo sớm có tinh thần yêu nước, căm thù giặc sâu sắc.
Người đầu tiên giác ngộ cách mạng cho Vũ Bảo chính là ông Võ Hiệu (chú ruột của anh) - một cán bộ hoạt động cách mạng bí mật ở thôn An Quang, xã Cát Khánh (Phù Cát). Ông cũng chính là người đã hướng dẫn, bày vẽ cho Vũ Bảo cách thức làm liên lạc viên khi anh mới khoảng 12-13 tuổi. Nhiệm vụ của Vũ Bảo khi đó là la cà ở khu vực thuộc Hội đồng xã Cát Khánh để nắm tin tức, tình hình và xác định vị trí bố phòng, vũ khí, đạn dược của địch. Đồng thời, Bảo còn có nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ cán bộ cách mạng.
Vào một buổi sáng đầu thu năm 1963, Vũ Bảo được giao nhiệm vụ cảnh giới cho một cuộc họp quan trọng của các cán bộ Huyện ủy Phù Cát. Cuộc họp đang diễn ra thì bất ngờ bị bọn địch bao vây, càn quét. Trước tình thế nguy cấp, Vũ Bảo nhanh trí đưa đoàn cán bộ vạch lối, chạy ra phía bờ sông Vĩnh Lợi. Tất cả 8 cán bộ cách mạng được Vũ Bảo dẫn đường thoát ra bờ sông và đưa lên thuyền. Mặc dù tuổi nhỏ nhưng Vũ Bảo đã trực tiếp chèo thuyền, đưa đoàn cán bộ sang sông. Thuyền vừa rời khỏi bờ, bọn địch phát hiện và bắn súng, nã đạn rượt theo. Đạn địch bay xối xả như mưa, nhưng Vũ Bảo vẫn vững tay chèo. Một đồng chí cán bộ thấy Bảo nhỏ nên đề nghị:
- Cháu ơi, để chú chèo thuyền cho!
Vũ Bảo vừa chèo thuyền, vừa một mực thuyết phục:
- Các chú cứ để cháu chèo thuyền. Cháu chèo quen rồi. Các chú hãy nằm xuống. Cháu có rủi mà chết cũng không sao. Các chú là cán bộ của nhân dân, hy sinh một chú là cách mạng mất một người.
Bọn địch xả súng bắn chặn đầu, Vũ Bảo như một thuyền trưởng vững vàng trong bão đạn của quân thù. Anh dõng dạc hô:
- Tất cả nhảy xuống sông và bám chặt vào mạn thuyền!
Và, một mình Vũ Bảo chèo chống con thuyền, băng băng lướt về phía trước. Nhưng khi thuyền gần cập bờ thì bất ngờ Vũ Bảo bị trúng đạn của địch. Mặc dù vậy, Bảo vẫn gắng gượng, ghì chặt mái chèo. Sang tới bờ an toàn, các cán bộ nhanh chóng bồng Vũ Bảo vào thôn Vĩnh Lợi và băng bó vết thương, khẩn trương tìm cách cấp cứu. Vũ Bảo thiếp đi trong cơn mê… Bất chợt Bảo mở mắt, 2 tay sờ soạng và hỏi:
- Các chú đã về đủ cả chưa?
Mọi người không ai cầm được nước mắt. Tất cả đều cầu mong sao Vũ Bảo qua khỏi cơn nguy kịch và nhanh chóng bình phục. Nhưng vì vết thương quá nặng nên trái tim son của Vũ Bảo đã ngừng đập. Năm ấy, Vũ Bảo mới 14 tuổi.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hài cốt, hương hồn của Vũ Bảo được đưa vào nghĩa trang liệt sĩ xã Cát Khánh. Tên anh được chọn đặt tên của một con đường của TP. Quy Nhơn. Tưởng nhớ Vũ Bảo, người dân Phù Cát - Bình Định đã sáng tác một bài chòi ca ngợi tinh thần hy sinh dũng cảm của anh. Đặc biệt, năm 2002 vừa qua, liệt sĩ Vũ Bảo đã vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân". Nhân đây, cũng xin được nhắc lại một điều liên quan đến tên tuổi của Vũ Bảo. Đó là việc viết sai tên đường Vũ Bảo thành Vũ Bão mà Báo Bình Định từng phản ảnh. Mặc dù vậy, cho đến nay tấm bảng hiệu mang tên người anh hùng Vũ Bảo (ở khu 6 TP. Quy Nhơn) vẫn chưa được "sửa sai". Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần phải nghiêm túc "sửa sai", sớm trả lại đúng họ tên của người anh hùng Vũ Bảo.
. V.Công
|