Đến thôn Đại An, xã Nhơn Mỹ (An Nhơn), quê hương của đô đốc Đặng Văn Long, đi về phía bắc ta sẽ gặp một dãy đồi gọi là đồi Đại An. Trong mạch đồi Đại An có một ngọn đồi nằm cách đường cái quan một bãi đất rộng. Dân địa phương gọi đó là Hòn Chùa, còn Đại Nam Nhất thống chí thì ghi là Gò Chùa: "Gò Chùa ở thôn Đại An phía bắc huyện, trước có chùa ở trên gò, nên gọi tên như thế, bốn mặt gò là dân cư. Lại gò Gai ở phía tây huyện, trên gò có nhiều gai góc (tục gọi là rừng gai) nên gọi tên như thế". Hòn Chùa, hay Gò Chùa là nơi cách đây gần bảy thập kỷ, đã diễn ra một sự kiện quan trọng, nay hãy còn ghi trong tấm bia di tích:
Trong khoảng cuối năm 1930 sang năm 1931, phong trào quần chúng ở Bình Định dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh (như chi bộ Nhà Đèn, chi bộ trường Quốc Học Quy Nhơn, chi bộ Cửu Lợi) phát triển khá sôi nổi. Để chặn đứng phong trào, thực dân Pháp và tay sai đã thực hiện khủng bố trắng. Phong trào cách mạng của tỉnh bị tổn thất nặng nề, hàng trăm cán bộ, đảng viên bị bắt bớ, tù đày, sát hại. Các tổ chức cơ sở cách mạng phần lớn bị phá vỡ. Từ năm 1932 đến 1935, phong trào cách mạng trong toàn tỉnh ở vào giai đoạn hết sức khó khăn. Tình hình đòi hỏi tích cực nhen nhóm, khôi phục phong trào.
Sau tháng 4 năm 1936, một số tù chính trị bị giam tại các nhà lao Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Kom Tum được trao trả tự do, trong đó có ông Huỳnh Đăng Thơ.
Sau khi ra khỏi nhà tù Kom Tum, ông Huỳnh Đăng Thơ đã về An Nhơn tổ chức tuyên truyền giác ngộ và phát triển Đảng cho một số thanh niên và nông dân tích cực tại các làng Đại An, Đại Bình (An Nhơn), An Vinh, Thủ Thiện (Bình Khê); đồng thời bắt liên lạc với một số đảng viên ở La Hai (Phú Yên) để cùng phối hợp hành động và tìm cách bắt liên lạc với cấp trên.
Khi điều kiện đã chín muồi, ngày 20 tháng 10 năm 1936, tại Hòn Chùa một chi bộ Đảng được thành lập lấy tên là Chi bộ Hồng Lĩnh. Chi bộ gồm 7 người do ông Nguyễn Mân làm bí thư. Địa bàn hoạt động bao gồm các làng xã tại hai huyện An Nhơn, Bình Khê và Nam Phù Cát. Đến năm 1938 thành lập thêm chi bộ Quy Nhơn, song chi bộ Hồng Lĩnh vẫn là lực lượng nòng cốt. Sau khi thành lập, chi bộ đã đề ra chương trình hành động:
- Đẩy mạnh hoạt động phát triển đảng viên, đồng thời ra sức xây dựng các tổ chức quần chúng, nhất là hội tương tế, tương ái để tập hợp rộng rãi nông dân và thợ thủ công địa phương.
- Giáo dục chính trị cho quần chúng, phát động quần chúng tham gia các cuộc đấu tranh từ thấp lên cao, tập trung vào các quyền dân sinh, dân chủ... Nhất là chống sưu cao thuế nặng.
- Phân công người đi Huế để tìm bắt liên lạc với Xứ ủy lâm thời, giữ vững liên lạc với nhóm đảng viên ở La Hai.
Cũng trong thời kỳ này, trên khắp địa phương của tỉnh phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân phát triển ngày càng sâu rộng. Thực hiện chủ trương của chi bộ Hồng Lĩnh, từ sau cuộc họp tại Đại An, các tổ chức quần chúng như Công hội Đỏ, Nông hội Đỏ được phát triển tại nhiều làng quê. Trong các xưởng dệt thủ công của người Hoa và nhà máy dệt Deliqnon đã phát triển thêm một số đảng viên mới và tiến hành hoạt động dưới các hình thức hợp pháp.
Các tổ chức thời kỳ này phát triển khá rầm rộ, số hội viên ở An Nhơn, Bình Khê, nam Phù Cát đã phát triển lên tới 30 tổ với 500 hội viên, đảng viên. Đến cuối năm 1938 đã có 32 đảng viên với 5 tổ đảng .
Từ một lực lượng rất mỏng, chi bộ đã mở rộng địa bàn hoạt động với một đội ngũ hùng hậu, vững vàng và được tôi luyện thử thách trong đấu tranh. Biết đúc rút những kinh nghiệm qua từng thời kỳ, đồng thời lại biết vận dụng thời cơ thuận lợi để đưa ra những phương sách cho đường lối đấu tranh phù hợp.
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, phong trào đấu tranh ngày càng được mở rộng và hiệu quả cao đưa lại quyền lợi thiết thực cho quần chúng nhân dân, nhân dân tin theo Đảng đấu tranh trực diện với kẻ thù. Xuất hiện trong cao trào vận động dân chủ Đông Dương, sự ra đời của chi bộ không chỉ có ý nghĩa lớn lao đối với huyện An Nhơn, mà còn là sự kiện lịch sử quan trọng của Đảng bộ tỉnh, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng Bình Định. Chi bộ Hồng Lĩnh là tiền thân của Đảng bộ huyện Bình Khê (Tây Sơn), An Nhơn, Phù Cát sau này.
Ngày nay, rừng gai phía tây đồi lẫn ngôi chùa cổ trên đỉnh đồi không còn nữa, chỉ còn một cây khế cổ thụ dáng khúc khủy, vỏ sần sùi. Hỏi, các cụ trong thôn cho biết cây đã trên hai trăm tuổi, là vật chứng lâu đời nhất đối với những biến thiên lịch sử từng diễn ra quanh ngọn đồi này. Leo lên đồi Đại An, tại đỉnh hòn Chùa, nhìn xuống phía đông con đường là những cánh đồng rộng, tiếp những cánh đồng là các lũy tre bao bọc xóm nhà. Tầm mắt thu về cả một vùng thôn ấp bình yên như chưa từng qua thời tao loạn. Vậy mà nơi đây từng rộn vó ngựa Tây Sơn về lò rèn ông Long thồ vũ khí đi đánh Nam dẹp Bắc. Cũng nơi đây, vào một sáng tháng mười năm 1936, những người cộng sản đã lấy sự hiện diện và ý chí của mình thề khôi phục phong trào cách mạng, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ hy sinh.
Ngày nay, Hòn Chùa đã được qui hoạch bảo vệ, trên những mấp mô của gò đồi, một mặt đất đã được ủi phẳng để chuẩn bị cho một công trình lưu niệm. Đó là việc rất nên làm để vun đắp những giá trị về một sự kiện lịch sử, để những giá trị đó mãi mãi được lưu truyền.
. Trần Thị Huyền Trang |