Đặng Văn Long
16:42', 22/8/ 2003 (GMT+7)

Đặng Văn Long tự là Tử Vân quê ở làng Đại An huyện Tuy Viễn phủ Quy Nhơn, nay thuộc xã Nhơn Mỹ huyện An Nhơn, Bình Định. Lúc nhỏ ông học võ, tinh thông môn cương quyền. Sau đó, ông tìm tới thầy Trương Văn Hiến ở An Thái xin học môn miên quyền. Có sức khỏe hơn người và chăm chỉ tập tành, được thầy đem hết những bí truyền dạy cho, Đặng Văn Long trở thành một cao thủ.

Ông được các bạn đồng môn gọi là Đặng Vô Địch vì tuyệt giỏi cả hai môn ngạnh công và miên quyền. Ông có thể nằm dưới đất, cánh tay đỡ được bánh xe nặng nên ở Quy Nhơn, người ta gọi ông là Thiết Tý Đặng (họ Đặng cánh tay sắt).       

Tương truyền, Nguyễn Huệ đã gặp ông trong một trường hợp đặc biệt. Lúc này, anh em Tây Sơn mới dấy binh, rất thiếu thốn về binh khí. Mà bọn quyền thần Trương Phúc Loan thì ra lệnh cấm các thợ rèn rèn gươm búa côn chùy… Chúng đề phòng các cuộc khởi nghĩa nổi dậy. Nguyễn Huệ vất vả đi lùng thợ rèn để rước về Tây Sơn thượng đạo.

Đến Đại An, gặp một người cao lớn dùng đoạn tre to gánh khoảng mười vuông lúa đi băng băng, Nguyễn Huệ thầm phục liền xuống ngựa hỏi thăm. Người nọ hứa sẽ dẫn đường đi tìm thợ rèn. Nguyễn Huệ ghé vai gánh giùm, nhún mình lên, đoạn tre gãy đôi. Tiện tay, Nguyễn Huệ nhổ một cây trắc bên đường thay đòn gánh. Người nọ quá kính phục sức khỏe phi thường ấy, quỳ xuống lạy.

Người nọ chính là Đặng Văn Long.

Nghe tiếng Nguyễn Huệ đã lâu, nay mới giáp mặt, Đặng Văn Long vui mừng khôn xiết. Ông mời Nguyễn Huệ về nhà, làm cơm thết đãi và tặng một thanh đại đao quý. Qua trò chuyện, biết tổ tiên ông mấy đời làm nghề rèn, Nguyễn Huệ mời Đặng Văn Long tụ nghĩa. Cảm phục tài đức Nguyễn Huệ, ông nhận lời giúp Tây Sơn (1).

Nhờ có ông, nghĩa quân Tây Sơn được trang bị thêm nhiều vũ khí.

Khi tiến đánh Thăng Long, vua Quang Trung giao cho đô đốc Đặng Văn Long cùng đô đốc Bảo giữ một trong năm đạo quân, làm nhiệm vụ đốc suất hữu quân, trong đó gồm quân voi và quân kỵ mã. Đặng Văn Long xuyên qua huyện Chương Đắc, theo đường thẳng đến làng Nhân Mục huyện Thanh Trì để đánh ngang và dồn quân Điền Châu.

Khi vua Quang Trung đang đánh với quân Thanh ở Ngọc Hồi thì Đặng Văn Long đã đánh tên thái thú Điền Châu ở trại Khương Thượng thuộc huyện Quảng Đức. Quân Thanh đạp lên nhau mà chạy. Thừa thắng, Đặng Văn Long tiến trước vào thành.

Vì thích lập công lạ, khi xông ra trận địa, Đặng Văn Long mặc áo màu trắng, cầm kích, lưng đeo cung dài, hăng hái hét to đốc thúc quân sĩ. Ông tiến đến đâu, giặc tan vỡ đến đó. Vì quân Tây Sơn lúc bấy giờ mặc toàn áo đỏ, vua Quang Trung thấy lạ mới cho người cưỡi ngựa đến hỏi người mặc áo trắng là ai. Ông được dẫn đến yết kiến và vua khen ngợi, ban cho hai con ngựa và bốn mươi xấp lụa. Vì vậy, tục truyền là "Bạch y tướng quân".

Năm Cảnh Thịnh thứ 2, những kẻ hoài Lê quấy phá Bắc thành, Đặng Văn Long nhiếp chức tả võ uy tướng An đông đạo kinh lược, cầm quân đánh dẹp. Ông có nhiều công lớn trong việc trấn giữ biên phòng, được phong chức Tả võ lâm quân, đại tướng quân.

Vua Cảnh Thịnh khen ông "phía Bắc phạt quân Thanh, trong nước đánh bọn phản động nhà Lê, định Bắc, bình Nam, làm cho mọi nơi đều tuân theo thanh giáo của vua". Khi chết, ông được vua ban tên thụy là Trung Tráng.

. Nguyễn Thanh Mừng

 

(1) Nguyễn Huệ và người thợ rèn- Đinh Văn Tuấn và Nguyễn Thế Triết sưu tầm.

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mắm Nhum   (19/08/2003)
Hòn Chùa, nơi thành lập Chi bộ Hồng Lĩnh  (14/08/2003)
Nếp thơm bầu Chánh Trạch   (13/08/2003)
Vua Quang Trung với tôn giáo   (12/08/2003)
Vũ Bảo - người thiếu niên anh hùng tiêu biểu của Bình Định   (10/08/2003)
Thịt bò thưng Tây Sơn   (07/08/2003)
Đình làng Trường Cửu   (05/08/2003)
Bàu Sấu - Một địa danh lịch sử   (31/07/2003)
Bún tôm Châu Trúc   (24/07/2003)
Những tư liệu quý về Trần Đức Hòa và dòng họ Trần ở Hoài Nhơn   (20/07/2003)
Vua Quang Trung và 3 lần cầu La Sơn Phu Tử   (17/07/2003)
Vua Quang Trung chọn và trọng dụng nhân tài   (15/07/2003)
Trường Quốc học Quy Nhơn   (14/07/2003)
Tương đỗ mèo   (13/07/2003)
Căn cứ Truông Mây  (10/07/2003)