|
Các chàng trai, cô gái Hơ re nhảy múa trong một đám cưới (ảnh: Công Tâm) |
Trong số những phong tục tập quán vô cùng đặc sắc của đồng bào Hơre huyện An Lão (Bình Định), nổi lên là lễ cưới với nhiều nghi lễ mang đậm tính giáo dục con người… Chúng tôi xin giới thiệu những nét chính, cơ bản của một lễ cưới người Hơre.
Trước khi ngày cưới diễn ra ở họ nhà trai, phần quan trọng nhất của một lễ cưới của người Hơre, thì đại diện họ hàng nhà trai sẽ đến nhà họ gái để bàn bạc, thống nhất một số nghi lễ và lễ vật cho ngày cưới như: trâu, bò… Hai ngày sau, lễ cưới chính thức bắt đầu. Họ nhà gái có thể đưa dâu đến nhà trai từ sớm, tại đây họ vừa ăn uống, chuyện trò, nhưng lễ cưới thì bao giờ cũng được tiến hành vào lúc nửa đêm, vì theo quan niệm của người Hơre thì đây là thời điểm giao hòa giữa âm và dương, là lúc khí trời trong lành để các lời khấn cầu của con người được các thần linh chứng giám. Sau đây là những diễn biến chính tại họ nhà trai…
Khi họ nhà gái đến, ông mai sẽ loan tin trước: "Ớ nhà trai! Con trai, con gái mau mau chuẩn bị, nhà gái đến rồi, nhà gái đến rồi!"
Cha chồng: Ớ lũ con trai! Đứa nào lo phần công việc đứa nấy, lấy cồng, chiêng, rượu thịt ra đón nhà gái đi.
Mẹ chồng: Ớ lũ con gái! Đứa lo đổ nước vào ché rượu, đứa lo nước chè, đứa lo cơm thịt mau mau.
Em chồng: Cha mẹ ơi! Con đi đón chị nhé!
Rồi cô em chồng ra đón cô dâu, đeo cho cô dâu một chiếc vòng bạc, sau đó đưa cô dâu đến để làm lễ hơ chân trên lửa, trong lúc đó thầy cúng sẽ cắt tiết gà để chuẩn bị nghi lễ nhận chồng nhận vợ.
Thầy cúng: Ớ thần sông, thần suối, thần núi về chứng kiến lễ cắt tiết gà, chứng kiến lễ nhận vợ nhận chồng ớ ớ…
Khi gà được cắt tiết xong được đưa vào nhà để đốt ăn phép, sau lễ cắt tiết gà là đến lễ cúng đầu heo.
Thầy cúng: Ớ Giam Giang (tên vị thần mà người Hơre tôn thờ) đây là đầu heo cúng cho Giam Giang, hãy về nhận rồi phù hộ cho cô dâu, chú rể ớ..ớ…
Vừa đọc lời cúng, thầy cúng vừa thảy đồng xu xem thử là Giam Giang có đồng ý hay không. Tiếp đến là lễ cúng ché rượu, rồi đến lễ ăn phép thịt đầu heo. Ông mai cho thịt vào lá trầu đưa cho đại diện nhà trai, nhà gái, cô dâu, chú rể, thầy cúng đọc lời khấn để con ma ăn trước, sau đó mọi người cùng ăn hết số thịt heo trên lá trầu.
Phần cúng thần linh như thế là xong, sau đó đến phần nghi lễ trọng yếu nhất của lễ cưới người Hơre. Đầu tiên là "lễ đeo chỉ", ông mai cầm sợi chỉ trắng tròng vào cổ của cô dâu rồi lấy ra đeo vào cổ cho chú rể, rồi lấy một sợi chỉ khác tròng vào cổ chú rể rồi lấy ra đeo vào cho cô dâu. Tiếp theo là "lễ trao nắm cơm". Ông mai đưa cho cô dâu và chú rể mỗi người một nắm cơm và họ đổi nắm cơm cho nhau, sau đó cô dâu đưa nắm cơm cho phù dâu, chú rể đưa nắm cơm cho phù rể. Ông mai đưa cho cô dâu một chén rượu, cô dâu uống phép rồi đưa cho chú rể, chú rể uống phép rồi đưa cho phù rể. Ông mai lại đưa một chén rượu khác cho chú rể, chú rể uống phép rồi đưa cho cô dâu, cô dâu uống phép rồi đưa cho phù dâu. Ông mai lại đưa mỗi người một miếng trầu têm và họ lại đổi miếng trầu cho nhau. Ông mai căn dặn cô dâu, chú rể: "Từ nay hai người đã là vợ chồng của nhau, phải như con chim có đôi khi lên nương, xuống ruộng, không được lấy người nào khác, hãy sống yêu thương nhau, sống chết có nhau."
Chú rể: Thưa người già, thưa ông mai, từ nay con là người đã có vợ, vợ có đau ốm, già xấu cũng là vợ của con, nếu con bỏ vợ xin thần linh quở trách, xin chịu vạ của làng.
Cô dâu: Từ nay con là người đã có chồng, con sẽ không lấy ai nữa, nếu con bỏ chồng thì xin thần linh quở trách, xin chịu vạ của làng.
Phần nghi lễ của lễ cưới đến đây là kết thúc, mọi người tấu vang lên điệu cồng chiêng tốc chinh, cùng nhau ăn mừng, ca hát, nhảy múa thâu đêm.
. Công Tâm (sưu tầm)
|