Cũng như nhiều điệu hò khác, hò giã gạo ở Bình Định xuất phát từ những yêu cầu của đời sống nhà nông mà cụ thể ở đây là công việc giã gạo. Bởi vậy, nó nhịp nhàng, mạnh mẽ và giàu tính chiến đấu, song không thiếu chất trữ tình và lãng mạn. Nội dung câu hò thường mộc mạc, rõ ràng, dứt khoát, có tác dụng kích thích làm việc, xua tan mọi mệt mỏi và là thứ giải trí cho người lao động đỡ buồn trong lúc phải mải làm cái công việc đều đều là nâng lên hạ xuống.
Sau một ngày gặt lúa, chiều xuống, trăng lên, những đôi nam nữ hẹn gặp nhau trước sân nhà đã tụ hội về với cối, chày, với giần, sàn và những mẻ lúa vàng tươi… Dăm ba người dục nhau cầm chày. Thế là có tiếng thình thịch, có điệu lấy hơi, có điệu cầm tay, lại có lời nồng nàn khi giải lao, nghỉ sức. Công việc giã gạo thường làm chung hai người một cối, có lúc một nam một nữ, hoặc hai nam hai nữ. Nhưng hò đối đáp thì chia hai phe, một bên nam, một bên nữ.
Mở đầu là một câu đùa cợt có ý mời chào:
Tới đây giã gạo ăn chè
Ai mà không giã ngồi hè trật ăn
Hay:
Hô hò khoan, khoan lại hò khoan
Anh đứng làm chi cho muỗi cắn ong châm
Vô đây cầm chày giã gạo kết nghĩa tri âm cho đỡ buồn
Người con trai nghe lời mời mọc, thách thức liền bước vào nhập hội. Anh chào chủ nhà và đôi bên nam nữ:
Quay bên nam tôi chào trai nam tử
Quay bên nữ tôi chào thục nữ thuyền quyên
Chào chung trở lại chào riêng
Chào người bạn lạ kết duyên buổi đầu
Lời chào của chàng trai vừa lịch sự đàng hoàng vừa dí dỏm đưa tình với người đã hát mời mình vô. Khi vào cuộc, đôi bên nam nữ bắt đầu hò đối đáp với những lời trao duyên chân tình mộc mạc:
Bước vô cối gạo đổ đầy
Hò chơi đôi cối sau gá gầy lương duyên
Đũa tre nó đỏ cũng nhờ tre
Tôi với mình mới gặp cũng nhờ ơn phật trời
Ở chi cách biển xa trời
Bớ nghĩa ơi!… Hò khoan đôi một hò khoan …
Xen giữa câu hò này còn có một người khác đếm theo nhịp giã gạo "Đôi mốt, mốt một hai, hai đôi hài, đôi hai ba, ba đôi bà, đôi ba tư, bốn đôi bồn, đôi bốn năm…" cứ thế, tiếng hò cùng tiếng chày với nụ cười, ánh mắt và hơi thở luân phiên cho đến lúc cối gạo trắng đầy.
Có những khi vì chưa hợp nhau, hay mới làm quen chưa hiểu kỹ về nhau, đôi bên nam nữ có những câu hò đâm bắt chòng ghẹo tạo nên những tiếng cười vang đầy nhà, đầy sân. Cho đến khi trăng đã xế mái tây, cối gạo đã trắng đầy, mọi người mới lục tục ra về, câu hò cũng loang trên từng ngõ xóm.
Ngày nay hò giã gạo đã không còn, tiếng chày thình thịch nhịp nhàng thuở nào được thay bằng tiếng máy ù ù nhanh nhạy, và con người cũng không còn những cảm xúc gần gũi thân quen của những buổi hò giã gạo.
. Mai Thìn
|