Ở thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, vào thế kỷ XIX, có một gia đình cả năm cha con đều hay chữ. Người cha là Nguyễn Khuê, sinh năm 1825, giỏi cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Nguyễn Khuê ba lần đỗ tú tài, lần đầu ở khoa Bính Ngọ 1846, lần thứ ba tại khoa Giáp Tý 1864. Danh phận không cao nhưng nổi tiếng hiền đức, ông mở trường, học trò theo học rất đông, trong nhà ông có cả môn sinh tận Phú Yên, Quảng Ngãi khăn gói ra vào trọ học.
Tài thơ của Nguyễn Khuê thể hiện ở chỗ ứng đối nhanh, niêm luật chặt chẽ, và cái quý nhất là trong sự chặt chẽ của niêm luật, thơ ông vẫn tươi rói nhịp sống thuần phác của hồn quê Việt, không hề bị câu nệ bởi ngôn từ mỹ miều sáo rỗng. Ông nhìn đời với cái nhìn yêu thương, gắn bó, đôi khi hóm hỉnh. Những bài thơ của ông toát ra không khí tự tại êm đềm của những làng quê dung dị, ở đó, người dân lam lũ xem trọng tình nghĩa, cần cù cúi xuống ruộng vườn, không đòi hỏi cao xa. Tâm lý dân quê mộc mạc và đằm thắm được ông vẽ lên một cách tinh tế:
Sau trước chập chồng hoa lại nụ
Trước sau rải rác trái cùng bông
Chả nem tuy chẳng bằng khi có
Nộm gỏi nào hay đỡ lúc không
(Bài vịnh Cây đu đủ)
Nhiều khi ông mượn sự vật để đề cao cách sống giản dị, ít đua đòi ở dân quê, và khái quát thành quan niệm trọng nghĩa khinh tài:
Mặc ai tím tía lại the hàng
Con mắt xiêu vì áo vá quàng
Mới cũ rõ ràng in một mực
Trước sau khắng khít lượt hai đàng
Tình chàng sánh với khi đằm thắm
Nghĩa thiếp nào quên lúc cũ càng
Giúp đỡ anh hùng khi rách rưới
Thân này nào bận kẻ giàu sang.
(Bài Áo vá quàng)
Tính hài hước để lại dấu ấn trong thơ ông khá rõ. Nhất là trong những bài răn học trò. Tương truyền học trò ông nhiều người nghịch ngợm, hay chọc gái, đến nỗi các cô bị ghẹo tới mắng vốn thầy. Ông bèn răn:
Trở đi trở lại đã nhiều ngoai,
Để vậy rồi ra cứ vậy hoài
Sao khéo giở trò rình đỡ ngực
Làm cho mang tiếng đã đầy tai
Gẫm tuồng lấp miệng làm hư trẻ
Quen thói luồn tay lại xấu trai
Nếu chẳng lo chừa đừng có trách
Phép vua là một, tội trời hai.
Với những trò biếng học, ông chỉ rõ căn bệnh lười nhác:
Vóc vạc sầm sầm cả một bầy
Ngồi nghe giảng sách mặt như ngây
Mơ màng trước mắt kiều lưng ngựa
Rổn rảng bên tai lạc cổ cầy
Cơm mấy mo cau ăn cũng hết
Chữ lưng lá mít đựng không đầy
Muốn không mang tiếng thân vô dụng
Gác bút nghiên đi nắm lấy cày.
Hai bài thơ ấy vẽ nên phong thái một ông thầy vừa nghiêm vừa lành, tuy thông cảm độ lượng với những trò nghịch ngợm của học trò nhưng yêu cầu rất cao về phẩm hạnh và học lực.
Ông là người yêu nước nhiệt thành. Cuối đời Tự Đức, khi nước nhà dần dần rơi vào tay thực dân Pháp, ông lo buồn mất ăn mất ngủ:
Mối tơ ai gỡ lúc nầy xong
Một dải trời Nam thảm mấy trùng
Kẻ ứa gan vàng trương mắt trắng
Người liều dạ sắt múa tay không
Thương bầy trung nghĩa theo tro bụi
Hoài của ông cha trút biển sông
Ơn nước nợ trai dành có thuở
Biết bao giờ đợi biết bao trông
Hai câu cuối là cả một nỗi ngậm ngùi của một người không còn tuổi trẻ để dâng hiến cho đất nước. Tuổi trẻ của ông đã trôi qua, nhưng các con ông đều được nuôi dạy bằng lúa gạo và linh khí nước Nam. Ông sinh bốn con trai, thì có ba người - Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Quý Luân - cùng hàng trăm học trò của ông tìm tới mật khu Linh Đổng gia nhập phong trào Cần Vương dưới cờ anh hùng Mai Xuân Thưởng. Ở nhà với ông chỉ còn người con trai thứ ba là Nguyễn Thúc Mân.
Sau mấy năm kiên cường chống Pháp, nghĩa quân bị đánh bại. Anh hùng Mai Xuân Thưởng ra pháp trường. Nghĩa quân lớp bị giết, lớp bị tù đày, trong số những người thoát được đi lánh nạn, có các con ông. Ông và Nguyễn Thúc Mân bị bắt lên phủ. Quan tri phủ dụ dỗ:
- Nếu thầy gọi ba đứa con về đầu thú thì cả nhà sẽ được tha.
Ông hỏi lại:
- Quan lớn biết chúng ở đâu thì cho tôi rõ để tôi đi gọi?
Quan tri phủ thấy ông già cả, muốn đùa cợt, bèn bảo:
- Tôi nghe tiếng thầy hay thơ. Thầy thử vịnh cục cứt sắt, vịnh hay tôi sẽ tha về.
Biết ý quan phủ xem thường mình, ông thủng thẳng đọc:
Ủi lầm sợ nỗi heo trầy mũi
Cạp lỡ e khi chó gãy răng.
Quan phủ giận tím mặt, vỗ án sai giải cha con ông xuống tỉnh. Chuyện ông đối đáp với viên quan phủ trở thành giai thoại truyền rộng trong dân.
Nửa tháng sau, nhà cầm quyền không đủ chứng lý kết tội, phải trả tự do cho ông và Nguyễn Thúc Mân.
Nhiều năm sau, khi Pháp và tay sai thôi tầm nã các chiến sĩ Cần Vương, các con ông lần lượt trở về. Gia đình sum họp ít lâu thì ông mất (1896), thọ 72 tuổi.
Cụ tú Nguyễn Khuê, xét ở ba góc độ: một người dân, một người cha, một người thầy, góc độ nào cũng làm sáng thêm mỹ danh tam huyện bát hiền (*) mà người đương thời xưng tụng.
. Trần Thị Huyền Trang
(*) Nguyễn Khuê là một trong tám người được tôn xưng là tam huyện bát hiền - tám hiền sĩ của ba huyện. Ba huyện là: An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn. Tám hiền sĩ gồm có: Nguyễn Khuê, Lâm Duy Hiệp (người An Nhơn); Nguyễn Diêu, Nguyễn Văn Bằng, Nguyễn Thế Hiển, Trần Quang Trinh (người Tuy Phước); Võ Văn Hiệu, Ngô Tùng Nho (người Tây Sơn).
|