Vùng đất võ An Thái
17:11', 31/8/ 2003 (GMT+7)

Ai về Bình Định mà coi

Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền

Đấy là phương ngữ nói lên cả một thời kỳ hào hùng của vùng đất võ An Thái. Là một thị tứ miền quê thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn (Bình Định), An Thái là đầu mối giao lưu giữa hai miền Kinh - Thượng qua đường sông nước, nên vùng đất này sớm có một đời sống vật chất tinh thần khá đa dạng và phong phú. Nơi đây, người dân ngoài việc sống bằng nghề nông còn có các nghề truyền thống như: dệt lụa, làm bún, làm bánh tráng, sản xuất giày, làm nghề thuốc bắc, nấu rượu Bầu Đá... Đặc biệt, nghề làm bún song thằng xuất hiện từ lâu, có thể cạnh tranh với nhiều mặt hàng nổi tiếng khác ở Bình Định và được liệt vào loại đặc sản của quê hương:

Nón ngựa Gò Găng

Bún song thằng An Thái

Lụa đậu ba An Ngãi

Xoài tượng chín Hưng Long

(Ca dao Bình Định )

Còn rượu Bầu Đá thì dân sành rượu hẳn ít người chê được. Chỉ mới nếm ở đầu lưỡi, đã thấy men rượu nồng ngon ngót khắp châu thân...

Vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, An Thái là một thị tứ sầm uất vào bậc nhất của phủ Quy Nhơn với hơn 60% dân cư là người Hoa Kiều. Rời Trung Quốc, người Hoa đến định cư ở An Thái và mang theo nhiều bí quyết ngành nghề, trong đó có cả đời sống văn hóa tinh thần và có lẽ cũng không thể thiếu những thế võ cổ truyền.

Sự sầm uất cả về đời sống vật chất lẫn văn hóa tinh thần của đất và người An Thái đã được nhà văn Nguyễn Mộng Giác mô tả rất kỹ trong bộ tiểu thuyết đồ sộ Sông Kôn mùa lũ. Nhưng đặc biệt hơn cả, An Thái còn là cái nôi của phong trào võ thuật Bình Định. An Thái chính là vùng đất mà ba anh em nhà Tây Sơn đã đến tầm sư học võ nơi thầy giáo Hiến, và đây cũng là nơi đây sớm hình thành thập bát ban võ nghệ nức tiếng nhiều nơi. Nhà Tây Sơn đã dùng cơ sở này để tạo dựng đội quân bách chiến bách thắng trong phong trào Tây Sơn – Nguyễn Huệ. An Thái cũng chính là vùng đất mà người anh hùng nông dân huyền thoại – Chàng Lía tập hợp dân nghèo, dấy binh chống lại chế độ hà khắc của bọn tham quan ô lại. Sau này, vị anh hùng Mai Xuân Thưởng (là con rể của đất An Thái) cũng đã thu nạp không ít những trai tài gái giỏi của đất AnThái để gầy dựng phong trào Cần Vương kháng Pháp. Bị kẻ thù đàn áp, phong trào dẫn đến tan rã, nhưng những người giỏi võ ở đây đã tự đoàn kết lại để cùng nhau chống lại bọn cường hào, giữ cuộc sống yên lành cho bá tánh.

Trải bao thăng trầm của thời gian và binh biến, mãi đến những năm 1930-1933, làng võ An Thái mới tiếp tục phát triển và bắt đầu lớn mạnh. Đã có nhiều người học võ, nhờ rèn luyện tinh thông mà trở nên nổi tiếng như ông Tàu Sáu, ông Lài, ông Chín Chung, ông Lâm Bình Sơn, hoặc ông Ấm Hổ... Về nữ giới có bà Đào Thị Sanh, người đầu tiên mở lò luyện võ cho phái nữ ở xứ này. Có lẽ câu ca dao:

Ai về Bình Định mà coi

Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền

cũng bắt đầu từ vùng đất nổi tiếng này mà ra. Thời kỳ chống Mỹ, các võ sĩ của làng võ An Thái đã nhiều lần đọ sức cùng các võ sĩ Mỹ, Nam Triều Tiên, Thái Lan... và đã mang lại nhiều vẻ vang không những cho vùng đất võ mà cho cả dân tộc.

Những năm sau 1975, phong trào võ thuật ở An Thái nói riêng và cả nước cũng như Bình Định nói chung đã được khuyến khích và mở rộng. Hàng năm, vào các dịp vui xuân và mùa màng rỗi rãi, các lò võ lại cùng nhau tuyển võ sĩ, dựng trường đài để thách đấu, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm. Đây là dịp cho các môn sinh đất nhà học hỏi và rút tỉa những tinh hoa võ thuật của nhiều môn phái khác mà rèn đúc, nâng cao thế võ của đất mình.

Nổi lên cùng An Thái, ở Bình Định những năm sau 1975 đã    nhiều võ phái nổi tiếng như: Võ phái An Vinh, phái họ Hồ, họ Đinh, võ đường Phan Thọ, Kim Đình, Minh Tinh, hoặc võ đường Phi Long ở Tây Sơn, võ đường Hà Trọng Sơn ở Tuy Phước... Chỉ mới tính riêng ở 3 huyện An Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn đã gần cả trăm võ đường thu nạp môn sinh. Tất cả như những bông hoa, mà An Thái là cái nhân của cả một rừng hoa trên vùng đất võ.

. Mai Thìn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nguyễn Khuê (1825-1896)   (29/08/2003)
Hò giã gạo ở Bình Định  (27/08/2003)
Lễ cưới của Hơre Bình Định   (26/08/2003)
Đặng Văn Long   (22/08/2003)
Mắm Nhum   (19/08/2003)
Hòn Chùa, nơi thành lập Chi bộ Hồng Lĩnh  (14/08/2003)
Nếp thơm bầu Chánh Trạch   (13/08/2003)
Vua Quang Trung với tôn giáo   (12/08/2003)
Vũ Bảo - người thiếu niên anh hùng tiêu biểu của Bình Định   (10/08/2003)
Thịt bò thưng Tây Sơn   (07/08/2003)
Đình làng Trường Cửu   (05/08/2003)
Bàu Sấu - Một địa danh lịch sử   (31/07/2003)
Bún tôm Châu Trúc   (24/07/2003)
Những tư liệu quý về Trần Đức Hòa và dòng họ Trần ở Hoài Nhơn   (20/07/2003)
Vua Quang Trung và 3 lần cầu La Sơn Phu Tử   (17/07/2003)