Lên vùng cao uống rượu cần
17:31', 2/9/ 2003 (GMT+7)

Uống rượu cần (ảnh: Công Tâm)

Khắp nơi trên đất nước ta, mỗi vùng đất, mỗi địa phương đều có thể cất lên một loại rượu mang hương vị độc đáo riêng biệt. Miền Bắc có rượu làng Vân, hoặc rượu cúc, rượu sen, rượu hoa cau... Ở Bình Định là rượu Bầu Đá, rượu nếp nức tiếng nhiều nơi. Hầu hết các loại rượu miền xuôi đều được chưng cất từ cơm gạo, hoặc ủ từ hoa quả. Còn ở miền núi, đồng bào dân tộc có loại rượu cần ủ bằng bắp, mì hoặc cơm gạo đựng trong ghè không kém phần độc đáo và hấp dẫn.

Cũng như một số dân tộc vùng cao khác, người Bana, H’rê ở An Lão, Vĩnh Thạnh hoặc người Chăm ở Bình Định thường làm rượu cần từ mì, bắp hoặc sang hơn là cơm gạo nếp... Người ta thường dùng men rượu ủ với cơm hoặc các loại mì, bắp luộc chín, đựng trong ghè, bên trên phủ lớp lá chuối. Ủ từ 4-5 ngày, khi cần, đổ nước vào là có rượu uống ngay.

Nồng độ rượu cần không cay lắm như rượu gạo miền xuôi, thế nhưng khi đã say thì cũng không kém phần dữ dội. Có lẽ tên gọi Rượu cần là xuất phát từ cách uống vô cùng độc đáo. Đồng bào dân tộc dùng thứ cây thân rỗng, dài gần 1 thước cắm vào tận đáy ghè để uống. Trong cùng một ghè, nhưng có chỗ ngon hoặc chua, nhạt... vì vậy, nếu không ưng ý, có thể rút cần và găm vào một chỗ khác, ngon hơn.

Ghè rượu (còn gọi là ché) làm bằng đất, tráng men sành sứ với nhiều hình ảnh, họa tiết mang nét văn hóa riêng của từng dân tộc. Trước khi vào cuộc rượu, người ta buộc ghè rượu vào cây cột giữ nhà, rửa sạch bó cần và chuẩn bị bầu nước lã sạch. Để mời rượu, chủ nhân cởi bỏ lớp lá ở miệng ghè, đổ nước đến đầy ghè và cắm các cần vào. Rượu cần được uống từng đôi: Chủ- khách hoặc các cặp nam- nữ, bạn bè tri kỷ... nên khi nhập cuộc thường có mối giao hòa, thân thiện lớn. Trước khi uống, chủ nhân không quên dùng một thanh tre để làm nấc thang đo tửu lượng của từng người. Rượu uống đến đâu, nước ở miệng ghè vơi đến đó. Đến vạch đã định lại đổ thêm nước vào và chuyển cần cho người khác.

Cũng như uống rượu đế ở miền xuôi, nếu theo cung cách chính thống, nguyên tắc uống rượu cần không kém phần độc đáo, mang nét văn hóa giao tiếp đặc sắc.

Khi được mời rượu, khách cần phải đón nhận bằng tay phải hay hai tay, vì đối với đồng bào miền núi, cầm bằng tay trái là tỏ ý khinh họ. Lúc nhận lời uống thì phải uống thực lòng. Vì khi cùng uống, chủ nhân thường nhìn thẳng vào mặt khách, có ý xem thử khách có thực tình không, và cũng là để tỏ lòng tôn trọng, thiện cảm. Cho nên dù không quen uống rượu, đã ngậm cần là phải uống, đến một mức nào đó có thể xin phép chủ nhân trả lại cần. Đối với một số nơi, khi cắm cần vào ghè cần phải thận trọng. Vì nếu vô tình cắm lộn đầu, dễ bị hiểu lầm là hành động khiêu khích...

Đó là một số nguyên tắc giao tiếp truyền thống trong các cuộc rượu của đồng bào miền núi. Vào những ngày lễ tết, quanh ché rượu cần còn là những cuộc trò chuyện, mang nét độc đáo của một lối sinh hoạt văn hóa truyền thống. Những kinh nghiệm làm ăn, hoặc bao mối tình trong sáng, bao điệu nhạc, lời thơ... đã được nảy sinh từ cần rượu vút cong và ánh nhìn tin tưởng, trìu mến hay ngọt ngào như thứ nước – rượu – cần độc đáo.

Ngày nay rượu cần đã được du nhập nhiều xuống khu vực miền xuôi. Vì thế, nó cũng được "Kinh hóa" bằng nhiều hình thức phong phú hơn. Thay vì đổ nước lã vào ghè, ở một số nơi, người ta dùng nước dừa non hay sang hơn còn đổ bia vào để uống. Thế nhưng, dù bị "kinh hóa"đến mức nào, rượu cần vẫn luôn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo mà không gì có thể thay thế được.

. Mai Thìn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vùng đất võ An Thái   (31/08/2003)
Nguyễn Khuê (1825-1896)   (29/08/2003)
Hò giã gạo ở Bình Định  (27/08/2003)
Lễ cưới của Hơre Bình Định   (26/08/2003)
Đặng Văn Long   (22/08/2003)
Mắm Nhum   (19/08/2003)
Hòn Chùa, nơi thành lập Chi bộ Hồng Lĩnh  (14/08/2003)
Nếp thơm bầu Chánh Trạch   (13/08/2003)
Vua Quang Trung với tôn giáo   (12/08/2003)
Vũ Bảo - người thiếu niên anh hùng tiêu biểu của Bình Định   (10/08/2003)
Thịt bò thưng Tây Sơn   (07/08/2003)
Đình làng Trường Cửu   (05/08/2003)
Bàu Sấu - Một địa danh lịch sử   (31/07/2003)
Bún tôm Châu Trúc   (24/07/2003)
Những tư liệu quý về Trần Đức Hòa và dòng họ Trần ở Hoài Nhơn   (20/07/2003)