Những ngôi cổ tháp ở Bình Định
16:37', 3/9/ 2003 (GMT+7)

Tháp Đôi, Quy Nhơn

Bình Định xưa kia từng là kinh đô của Vương quốc Chăm pa, nên hiện vẫn còn lưu lại dấu tích của một nền văn minh đã mai một, trong đó đặc biệt là các ngôi cổ tháp. Khác với những di tích Chăm ở đồng bằng Quảng Nam, các di tích ở Bình Định được xây dựng rải rác khắp nơi. Đáng chú ý là kiến trúc tháp Chăm ở Bình Định thường được xây trên đồi cao. Hiện có 14 công trình kiến trúc tập trung tại 8 địa danh như: Bánh Ít; Dương Long; Hưng Thạnh; Cánh Tiên; Phú Lốc; Phú Thiện; Bình Lâm và Hòn Chuông. Ngoài ra còn có 4 tòa thành cổ gồm Thị Nại, Đồ Bàn, An Thành, Uất Trì và hàng loạt các tác phẩm điêu khắc, những phế tích của tháp Chàm như giếng cổ hình vuông; rắn Naga; trụ văn bia; tượng thần điểu Garuđa; phù điêu Lăng Ông; tượng tu sĩ; khu mộ cổ...

Ngay từ cửa ngõ thành phố Quy Nhơn đã có 2 ngọn tháp sừng sững đứng kề nhau, dân gian gọi là Tháp Đôi. Theo các tư liệu xưa, Tháp Đôi còn gọi là tháp Hưng Thạnh. Ngày 10-7-1980, Tháp Đôi được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Tháp Đôi được tiến hành trùng tu đầu tiên ở Bình Định và được các nhà nghiên cứu xếp vào loại di sản độc đáo của nghệ thuật kiến trúc Chăm pa. So với các ngọn tháp khác trong tỉnh, Tháp Đôi không hề giống bất kỳ một ngôi tháp cổ nào hiện có. Thế nhưng các nhà khoa học đến nay vẫn chưa tìm ra lý do khác thường nầy. Tháp Đôi xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 12. Ở ngọn tháp lớn, các nghệ nhân Chàm đã khắc nhiều bức họa phù điêu hình khỉ Haruman trong tư thế nhảy múa. Còn tháp nhỏ thì có nhiều phù điêu hình thú vật như hươu, nai; phía trong vòm khám thờ có hình người ở tư thế ngồi thiền, bên cạnh là các sư tử đầu voi đứng chầu hai bên. Tại các góc tháp đều được trang trí hình chim thần Garuđa bằng đá, làm toát lên vẻ thần bí, huyền thoại.

Cùng với di tích Tháp Đôi, ngược lên vùng Tây Sơn hạ đạo, là cụm tháp Dương Long. Ngày xưa người Pháp gọi đây là "Tháp Ngà", dân địa phương thì gọi là tháp An Chánh. Tháp Dương Long có 3 tòa tháp cổ với chiều cao từ 29 đến 36 mét. Các hệ thống cửa giả phần lớn đã bị sụp đổ, hư hỏng. Tuy vậy nhìn vào các tác phẩm điêu khắc còn sót lại giúp ta liên tưởng đến những nghệ nhân Chàm đã từng dày công sáng tạo một nền văn hóa độc đáo. Các đề tài chạm khắc trên tháp Dương Long cũng có các hình thú như voi, sư tử đang đùa giỡn, phía bên trong tòa tháp là những tu sĩ đang ngồi thiền. Hầu hết tòa tháp có cấu trúc nhỏ dần về phía đỉnh và kết thúc bằng một đóa sen đang nở. Những bức chạm khắc của tháp Dương Long rất tinh tế về nghệ thuật và kỹ xảo. Vòm cửa có hình quái vật Ka-la khạc ra rắn 7 đầu, bộ diềm mái được nghệ nhân khắc nhiều hoa văn với cảnh trí rất phong phú, đa dạng. Có thể nói rằng, tháp Dương Long có một giá trị nghệ thuật cao siêu nhất trong số kiến trúc Chăm thời kỳ này. Nhiều nhà nghiên cứu hiện nay đã xác định niên đại của tháp vào khoảng nửa sau thế kỷ 12. Đây là cụm di tích thứ 2 được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng cùng lúc với Tháp Đôi Quy Nhơn.

Tháp Cánh Tiên  (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Sau hai cụm Tháp Đôi và tháp Dương Long, là tháp Cánh Tiên và tháp Bánh Ít. Tháp Cánh Tiên được xây dựng ngay ở trung tâm thành Đồ Bàn, nay thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn. Có thể nói đây là một trong những kiến trúc còn khá nguyên vẹn. Tháp cao khoảng 20 mét, trông xa giống như đôi cánh của nàng tiên trong chuyện cổ tích đang bay lên trời xanh. Khác với các tháp Chàm khác, tháp Cánh Tiên được xây dựng một phần bằng chất liệu đá sa thạch, xung quanh có nhiều phù điêu chạm khắc tạo cho ngôi cổ tháp một dáng vẻ độc đáo trong hệ thống tháp Chàm còn lại đến nay ở đất Bình Định. Khác với Cánh Tiên, cụm tháp Bánh Ít có đến 4 tòa tháp lớn nhỏ khác nhau. Gọi là tháp Bánh Ít bởi vì khi đứng xa trông cụm tháp giống như những chiếc bánh ít lá gai - một sản vật ở miền Trung. Người Pháp gọi đây là Tháp Bạc. Tất cả đều nằm trên một đỉnh đồi thuộc địa phận xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20 km. Bốn ngôi cổ tháp đều có các tượng thờ, hình vũ nữ đang múa, hình voi, hình các vị thần linh. Kiểu trang trí làm cho ta có cảm giác như đang lạc vào thế giới thần bí của người Chàm cổ xưa.

Cũng tại Bình Định còn có tháp Bình Lâm nằm ở xã Phước Hòa (Tuy Phước). Người dân ở đây kể lại rằng, thôn Bình Lâm là nơi có những cư dân người Việt lần đầu tiên đến đây khai phá mở mang vùng đất phì nhiêu này. Trong hệ thống tháp Chàm Bình Định, thì tháp Bình Lâm là nhóm tháp cổ có niên đại sớm nhất. Một cụm di tích khác có tên là tháp Thủ Thiện, còn gọi là "Tháp Đồng" hiện đang tồn tại ở xã Bình Nghi (Tây Sơn) - quê hương của những lò gạch ngói thủ công nổi tiếng nằm bên Quốc lộ 19. Năm 1995 ngọn tháp nói trên được xếp hạng di tích quốc gia. Tuy vậy, cũng giống như các cụm di tích tháp Chàm khác ở Bình Định, ngọn tháp Thủ Thiện hiện đang bị đổ nát nghiêm trọng. Nhiều di tích, cấu trúc của ngọn tháp đã bị thời gian và con người phá hủy.

Di tích cuối cùng được xếp hạng cùng lúc với tháp Thủ Thiện là tháp Phú Lốc. Người Pháp đặt tên là "Tháp Vàng". Tháp Phú Lốc nằm giáp giới giữa 2 huyện An Nhơn và Tuy Phước. Tháp có chiều cao 29 mét, nằm trên đỉnh một quả đồi cao 76 mét so với mực nước biển. Ngọn tháp đã bị đổ nát khá nhiều, tuy vậy nhìn một cách tổng quát vẫn thấy được dáng vẻ bề thế, uy nghi của một công trình kiến trúc cổ. Ngoài 7 cụm tháp ở Bình Định đã được Nhà nước xếp hạng, hiện nay vẫn còn rất nhiều di tích tháp cổ khác chỉ còn chân đế, hoặc đã bị sụp đổ hoàn toàn do người dân đào bới tìm vàng, trong đó có tháp Hòn Chuông ở huyện Phù Cát. Ngôi tháp nầy cùng nhiều tháp Chàm khác đang chờ Nhà nước trùng tu, khôi phục diện mạo của mình.

Có thể nói rằng, 8 cụm tháp với tổng số 14 tòa tháp cổ còn lại trên đất Bình Định được xem như một loại tài sản vô giá mà lịch sử đã để lại cho hậu thế. Những bí ẩn về tháp Chàm mặc dù đã được tìm hiểu nghiên cứu từ cả chục năm nay nhưng cũng chỉ là những nghiên cứu bên ngoài. Chúng ta tin rằng còn khá nhiều điều kỳ lạ, nhiều huyền thoại lý thú cần tiếp tục được làm sáng tỏ.

. Tú Ân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lên vùng cao uống rượu cần   (02/09/2003)
Vùng đất võ An Thái   (31/08/2003)
Nguyễn Khuê (1825-1896)   (29/08/2003)
Hò giã gạo ở Bình Định  (27/08/2003)
Lễ cưới của Hơre Bình Định   (26/08/2003)
Đặng Văn Long   (22/08/2003)
Mắm Nhum   (19/08/2003)
Hòn Chùa, nơi thành lập Chi bộ Hồng Lĩnh  (14/08/2003)
Nếp thơm bầu Chánh Trạch   (13/08/2003)
Vua Quang Trung với tôn giáo   (12/08/2003)
Vũ Bảo - người thiếu niên anh hùng tiêu biểu của Bình Định   (10/08/2003)
Thịt bò thưng Tây Sơn   (07/08/2003)
Đình làng Trường Cửu   (05/08/2003)
Bàu Sấu - Một địa danh lịch sử   (31/07/2003)
Bún tôm Châu Trúc   (24/07/2003)