Chúng tôi vẫn thường gọi An Nhơn là Đất Vua, cái tên vừa giản dị vừa cao sang với niềm tự hào thiêng liêng khó tả. Sở dĩ như vậy vì An Nhơn từng là vùng thánh địa của Vương quốc Chiêm Thành với kinh thành Đồ Bàn lộng lẫy, lại cũng từng là chốn đế đô của một triều đại tuy ngắn ngủi nhưng lẫy lừng trong lịch sử nước ta: Tây Sơn - Nguyễn Nhạc
Thành Đồ Bàn, thành Hoàng Đế, thành Bình Định, những tên thành được nhắc đến trên một cuốc xe thổ mộ gập ghềnh vó ngựa, giữa một lớp bụi hồng kỳ ảo làm người ta không thể lơ là với quá khứ. Thế nhưng, mặc dù mọi sự chú tâm, vẫn có những nhầm lẫn đáng tiếc xảy ra. Đó là người ta vẫn còn lẫn lộn giữa thành Đồ Bàn với thành Hoàng Đế, giữa thành Hoàng Đế với thành Bình Định. Đã có những lời giải thích kèm theo các tên gọi dân dã để phân biệt các thành: Thành Bình Định là thành Mới, thành Hoàng Đế là thành Cũ.
Nhưng mà khi nói đến thành Hoàng Đế và thành Đồ Bàn, người ta lại thấy rằng thành Đồ Bàn lại còn "cũ" hơn nữa, tính về niên đại và lịch sử. Thế thì sao?
Làm thế nào để phân biệt các thành?
Xin làm một phép loại suy như thế này: Trong mối quan hệ giữa ba thành, thì Thành Hoàng Đế nắm vai trò "trung gian" (tạm gọi như vậy). Với thành Bình Định thì thành Hoàng Đế dính dáng ở cái tên gọi. Với thành Đồ Bàn thì thành Hoàng Đế dính dáng về địa phận và di chỉ. Vậy thì còn hai mối nghi ngờ cần giải quyết.
1. Thành Hoàng Đế khác thành Đồ Bàn như thế nào?
Như ta đã biết, Đồ Bàn là kinh thành của Vương quốc Chiêm Thành, được xây dựng từ thế kỷ X, đời vua Ngô Nhật Hoan, đến năm 1471, do một phần đất Chiêm Thành sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt, thành Đồ Bàn bị bỏ hoang, dần dần đổ nát. Dựa vào một số di chỉ tường thành, nền cung điện, các tháp, tượng trang trí, các tác giả nước ta mô tả lại như sau:
Thành Chà Bàn (Đồ Bàn) … dựa vào núi Long Cốt để làm thế vững Thành hình vuông, rộng hơn 10 dặm, mở 4 cửa. Xây bằng gạch, rào gỗ, tuy không có hào rãnh mà vẫn kiên cố. Trong thành có các thắng cảnh như tháp Tiên Sí (Cánh Tiên), gác Thiên Lan. (Ghi chép về thành Chà Bàn – Tổng đốc Bình Phú quan phòng Phan Huy Dũng và Trần Tiến Hối – triều Thành Thái, tài liệu lưu trữ ở phòng nghiên cứu, Thư viện Bình Định).
Tính từ khi bị bỏ phế (1471) đến khi Nguyễn Nhạc đến dựng thành Hoàng Đế (1776) thành Đồ Bàn đã trải qua 306 năm trong cảnh hoang vắng đìu hiu. Suốt thời các chúa Nguyễn Đàng trong cũng không thấy thành được chăm sóc hay sử dụng vào việc gì. Trên cơ sở một cơ ngơi điêu tàn như vậy, Nguyễn Nhạc gần như phải kiến thiết hoàn toàn mới. Cũng tài liệu dẫn trên, xin trích đoạn tả thành Hoàng Đế:
Thành sửa đắp mở rộng về phía đông, dáng thẳng đứng, chu vi 25 dặm (hơn thành Chà Bàn - tức Đồ Bàn - 15 dặm ), tôn cao tường thành, xây bằng đá ong, cao 1 trượng 4 thước 4 thước, dày 2 trượng. Thành có 5 cửa tầng (ngoài 4 cửa cũ, mở thêm cửa Tân Khai)… Nay chỗ Quán Dốc trên đường quan lộ tức là cửa tả môn của thành đi ra hướng bắc, xế về phía tây đến cầu Thập Tháp, nơi đó là di chỉ của thành Chà Bàn xưa… Các phía đông nam, đông bắc, tây bắc, đều có những gò đất có lẽ đắp khi thành bị vây. Phía tây thành đắp thành nội và thành con (tử cấm thành)… phía trong thành còn dựng điện Bát giác nay là chỗ mộ của Võ Tánh. Trước lầu dựng cung Quyển Bồng…
Ta có thể thiết lập sự so sánh giữa hai thành và rút ra một số nét khác biệt cơ bản như sau: ( xem bảng)
Mục so sánh |
Thành Đồ Bàn |
Thành Hoàng Đế |
Chu vi |
10 dặm |
25 dặm |
Khung thành |
Hình vuông |
Hình chữ nhật |
Chất liệu |
Xây bằng gạch |
Đất và đá ong |
Số Vòng thành |
Không thấy nói rõ |
3 vòng |
Số cửa thành ngoại |
4 cửa |
5 cửa tầng |
Các gò đất |
Không thấy nói rõ |
3 gò đất |
Nền nhà, cung điện |
Không thấy nói rõ |
Còn lầu Bát Giác và một vài nền nhà |
Bảng so sánh trên cho thấy rằng thành Đồ Bàn tuy có trước nhưng đã bị tiêu hủy gần hết, và địa phận của nó chỉ là một phần thuộc về địa phận của thành Hoàng Đế. Những di tích về thành quách còn lại là di tích của thành Hoàng Đế. Còn thành Đồ Bàn chỉ lưu lại một số di vật của nền văn hóa Cham pa cổ gồm các tượng đá, các ngôi tháp … mà những người xây dựng thành Hoàng Đế đã sử dụng để trang trí cho thêm phần đẹp đẽ uy nghiêm mà thôi.
Bên cạnh đó, tiết lộ của hai tác giả thời Nguyễn nói trên cho thấy lăng Võ Tánh chính là nơi xưa kia Nguyễn Nhạc dựng lầu Bát Giác. Trước lầu Bát Giác có một nền đất hình chữ nhật rộng 13,7m, dài 18,3m, chu vi 64m, nhân dân vẫn gọi là nền Chính Cung. Trên đó, xưa có điện Chính tẩm. Theo Đồ Bàn thành ký thì trước điện Chính tẩm thời Tây Sơn có hai nhà thờ, cung Quyển Bồng, hai dãy hành lang. Những kiến trúc đó được bố trí như sau: Hai bên tả và hữu dựng hai nhà thờ, bên tả thờ tổ khảo Nhạc, bên hữu thờ tổ khảo vợ. Trước lầu làm cung Quyển Bồng, hai dãy hành lang vòng hai bên là nơi thị sự. Di tích này, cộng với sự hiện diện của các gò Chùa, gò Cửa Chùa, gò Tháp Mẫm trong khu vực thành chứng tỏ rằng Nguyễn Nhạc đã chăm lo xây dựng thành quách với mục đích củng cố căn cứ địa trung ương, tăng cường trang bị luyện tập và phòng quản trị quân sự ngày càng cao, không xao nhãng với sự nghiệp giải phóng dân tộc mới giành được thắng lợi bước đầu. Mặc dù sau này, vai trò trung tâm của lịch sử chuyển sang Nguyễn Huệ, nhưng những dự tích của tầm nhìn xa rộng của Nguyễn Nhạc không phải là không quan trọng. Chính thành Hoàng đế trong vòng 10 năm (1776-1786) là "đại bản doanh của bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn". Từ đây, xuất phát hàng loạt đợt tiến công dũng mãnh, quân Tây Sơn lật đổ chế độ thống trị của chúa Nguyễn Đàng trong, vượt biển vào Nam lập chiến công Rạch Gầm – Xoài Mút. Rồi sau đó cũng từ thành Hoàng Đế, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến ra Bắc lật đổ chúa Trinh, lập lại thống nhất nước nhà.
Sau này, vào giai đoạn Tây Sơn suy vong (1793-1802) thành Hoàng Đế trong những trận chiến quyết liệt giữa các quân đội đối địch, vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt". Những tưởng các vết tích của chiến tranh chỉ để lại trên chân dung hoàng thành nét dày dạn phong sương chứ không thể nào tiêu hủy nổi. Vậy mà, cùng với sự sụp đổ của nhà Tây Sơn, cái tên Hoàng Đế Thành cũng lập tức bị Nguyễn Ánh tước bỏ, thay vào là tên gọi thành Bình Định (1799 – Khi Nguyễn Ánh chiếm thành Hoàng Đế lần thứ nhất). Và lần lượt, khi vương triều Nhà Nguyễn định vị, thì Hoàng Đế Thành bị phá dỡ không thương tiếc để người dân thấm thía hơn thế nào là chuyện bể dâu.
2. Thành Bình Định mới – sự hóa thân của đá ong thành Hoàng Đế?
Thành Hoàng Đế đổi tên là thành Bình Định từ năm 1799 đến năm 1813 thì bị phá. Triều Nguyễn Gia Long ra lệnh phế bỏ thành Bình Định cũ, lấy đá ong về xây dựng thành mới ở hai thôn Kim Châu và An Ngãi (nay là thị trấn Bình Định )
Về sự kiện này, thiên "Ghi chép về thành Đồ Bàn" (tài liệu đã dẫn) viết:
Thành mới xây bằng đá ong, bên trong đắp lũy đất, cao 1 trượng 1 thước, chu vi 612 trượng 1 thước 8 tấc... Ba mặt đông tây nam đều có cửa…Các sảnh đường đều theo quy chế cung điện xưa của Tây Sơn, cho nên về mặt to đẹp thì hơn hẳn các tỉnh khác.
Chính vì có sự giống nhau trong chất liệu xây thành và hình dáng các sảnh đường, lại vẫn mang tên thành Bình Định nên mới gây sự nhầm lẫn dẫn đến chỗ xuất hiện các phụ danh thành Mới thành Cũ để phân biệt. Xem ra nhà Nguyễn quá câu nệ vào hai chữ "Bình Định" để giương uy mà làm cho cả trăm năm sau thỉnh thoảng lại... nhầm. Nhưng mà rốt cuộc lịch sử và nhân dân vẫn không quên được ba tiếng "Thành Hoàng Đế". Chính ba tiếng đó làm nên cái lung linh đẹp đẽ cho Đất vua An Nhơn, để du khách và chúng ta, dù không phải là du khách vẫn tha thiết tìm về, nghiêng mình kính cẩn trước mấy đoạn thành còn sót lại, nghe trái tim mình đập bồi hồi dưới một hoàng hôn:
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu dài bóng tịch dương
(Thơ Bà Huyện Thanh Quan)
. Trần Thị Huyền Trang
|