Cuối thế kỷ XIX, ở Bình Định có hai người tuổi trẻ tài cao nhưng tính tình lập dị. Dân trong vùng gọi họ là Bình Định song cuồng.
Một là Phạm Trường Phát ở Phù Cát. Ông này mỗi bận đi thi thì lấy khăn bịt kín cả đầu lẫn tai vì lo nổ óc, chữ văng hết vào quan trường.
Người thứ hai, sánh với Phạm Trường Phát trong danh tánh song cuồng là Nguyễn Bá Huân, tự Ôn Thanh, hiệu Mộ Chân sơn nhân, sau lấy thêm hiệu nữa là Ái Cúc ẩn sĩ, người làng Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Tiếng rằng sánh với nhau, nhưng cũng như "Kiều càng sắc sảo mặn mà" trước Vân, Nguyễn Bá Huân vượt hẳn Phạm Trường Phát về chữ nghĩa tài hoa lẫn sự gàn ngạo phải kể đến mấy bậc.
Là con trưởng của cụ tú Nguyễn Khuê- một thầy đồ nổi tiếng đương thời, Nguyễn Bá Huân sớm lĩnh hội sở học do cha truyền dạy. Lại thêm tư chất thông minh, ông biết cách rút tỉa những tinh hoa từ sách vở. Ba người em của ông đều văn chương lỗi lạc. Không khí thi phú của gia đình đã thúc đẩy văn tài Nguyễn Bá Huân phát triển. Thân hữu bạn bằng đặt nơi ông nhiều kỳ vọng công danh khoa cử. Thế nhưng trái với dự ước của nhiều người, Nguyễn Bá Huân thi đâu trượt đấy. Ông không lấy hai chữ khoa danh làm trọng. Người ta đi thi thì lều chõng, Nguyễn đi thi với một bầu rượu đầy. Làm bài đến đâu, rót rượu tự thưởng tài đến đó, khuyên son kín giấy. Thi xong say mèm lăn ra ngủ. Trong đôi mắt của con người thanh tú rất yêu thơ và yêu hoa cúc này, chốn quan trường không còn là nơi lý tưởng một khi triều đình Huế đã cam tâm bán nước. Nguyễn Đôn Phục, bạn thân ông, thi đậu, được bổ làm quan huyện. Hay tin, Nguyễn Bá Huân chép miệng than: "Tài như thế mà mang vào cửa quan lúc này thật là uổng phí".
Nguyễn Đôn Phục không được lòng Tổng đốc Bình Định, ít lâu sau bị cách chức. Bạn hữu ghé thăm, nhiều người tỏ ý tiếc cho Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Bá Huân gạt đi: "Ai chưa nhắm mắt về cùng chín đất mười trời/ Thời phải cắn răng chịu với năm cha bảy mẹ. Chẳng phải chính ông đã viết như vậy trong bài phú Bằng hữu kim ký hay sao! Tôi thì tôi mừng cho ông từ nay hết bị cân đai bó buộc, ngòi bút mặc sức tung hoành".
Vì sao Nguyễn Bá Huân có ý nghĩ cực đoan như vậy? Ấy là vì thời bấy giờ tình trạng mua quan bán tước khá phổ biến khiến vàng thau lẫn lộn. Không đâu xa, ở tại làng Vân Sơn của ông, có một anh nhà giàu tên Bùi Huệ đem nộp tỉnh hơn nghìn quan tiền để tỉnh tâu về bộ xin chức cửu phẩm bá hộ. Được chức, Bùi Huệ mở tiệc mừng. Trong hàng khách mời có Nguyễn Bá Huân. Hôm ấy, Huệ mặc áo thụng thêu hình con trâu, áo này vua ban kèm với mũ lễ sinh. Khi Huệ đến bàn khẩn khoản xin cho vài chữ kỷ niệm, Nguyễn Bá Huân liếc qua áo mão của Huệ, rồi viết:
Tiền ngàn tới tỉnh khom lưng cóc
Phẩm chín về làng hỉnh mũi trâu.
Bùi Huệ chẳng những không giận mà còn mang tạ trăm quan tiền giữa lúc cảnh nhà Nguyễn Bá Huân đang túng thiếu. Cũng cần nói rõ, Bùi Huệ vốn trọng người có học. Nguyễn Bá Huân chẳng ghét bỏ gì Bùi Huệ, chẳng qua ông độc mồm độc miệng thế thôi. Tuy không tri kỷ tri âm, nhưng cũng là biết nhau ở những điều cốt lõi…
Tuổi trẻ của Nguyễn Bá Huân không tìm ra một lý tưởng để tôn phò. Sự rối ren của xã hội đương thời làm ông ngao ngán bao nhiêu thì hùng khí Tây Sơn chưa tắt trong nhân dân lại khiến ông nung nấu ước mơ được thắp lên ngọn lửa làm rạng danh nòi giống. Song Nguyễn không hề ảo tưởng. Trong tay không một tấc sắt, chỉ với ngọn bút lông, nên làm gì là có ích? Ông dạy học, viết văn, làm thơ. Loạt truyện về Tây Sơn của ông ra đời giữa lúc xã hội còn ám ảnh nặng nề về sự trả thù tàn khốc của triều đình nhà Nguyễn đối với nhà Tây Sơn và sự trừng trị không gớm tay đối với những ai còn tỏ lòng thương nhớ triều vua cũ.
Qua Tây Sơn tiềm long lục, Cân quắc anh hùng truyện, Tây Sơn danh tướng chinh Nam truyện, Tây Sơn văn thần liệt truyện, … Nguyễn Bá Huân đã thể hiện một cách nhìn đúng đắn, có chiều sâu lịch sử về một triều đại oai hùng. Lòng khao khát công bằng và chính nghĩa là động lực thôi thúc Nguyễn Bá Huân đặt vấn đề nhìn nhận Tây Sơn ngay trong lòng chế độ thù địch Tây Sơn. Việc làm này không chỉ bộc lộ một khí phách hơn người, mà còn cho thấy cái lớn về mặt tư tưởng của ông.
Nếu loạt truyện về Tây Sơn của Nguyễn Bá Huân là di sản đáng giá về triều đại Tây Sơn thì Mộ chân sơn nhân từ tập là tấc lòng thành ông ký thác cho đời. Tập từ khúc này đã ghi lại những rung động tinh tế của tâm hồn nhà thơ trước thời cuộc và thế thái nhân tình.
Tình hình mỗi lúc một xấu đi, thực dân Pháp không cần che đậy âm mưu xâm lược dưới chiêu bài khai trí nữa mà trắng trợn ra mặt cướp nước ta. Triều đình Huế ký hòa ước giao Nam kỳ, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng cho Pháp. Khắp Bắc, Trung, Nam nhan nhản bọn mắt xanh mũi lõ. Nguyễn Bá Huân như ngồi trên lửa, bồn chồn không yên. Bài thơ Chê gái lấy thằng chăn voi Nguyễn làm nhân chuyện một thầy đồ ham của gả con cho một anh quản tượng hung dữ, là để ngầm lên án triều đình ươn hèn rứt từng mảnh thiêng liêng của Tổ quốc đưa vào mồm giặc.
Tiếp đến Kinh đô thất thủ (23-5-1885).
Tin vua Hàm Nghi bỏ kinh thành xuất bôn ra Quảng Trị hạ chiếu Cần vương làm nức lòng nhân sĩ. Đào Doãn Địch, người Bình Định, vâng chiếu về quê tụ nghĩa. Sau trận Cần Úc, Đào lâm trọng bệnh, giao binh quyền cho Mai Xuân Thưởng. Anh hùng hào kiệt Bình Định theo Mai rất đông. Mấy anh em họ Nguyễn quyết định để Nguyễn Thúc Mân ở nhà phụng dưỡng cha già, còn Nguyễn Bá Huân và hai người em khác là Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Quý Luân lên Bình Khê ứng nghĩa.
Mai Xuân Thưởng phong Nguyễn Bá Huân làm tham tán quân vụ, giao ông cùng Nguyễn Hóa trấn thủ mật khu Linh Đổng và điều hành kinh tế ở Nam trại (trại phía nam Bình Khê). Bấy lâu sống trong mòn mỏi, uất hận, giờ đây ông khác nào cánh chim bằng đã tìm thấy bầu trời của mình. Với ông đây là quãng đời đẹp, đắc chí nhất.
Không cùng bạch quỷ đội trời chung
Ngọn bút thanh gươm quyết vẫy vùng
Chỉ thắm tình dân thêu gấm nghĩa
Đá gìn thế nước chất gan trung
Trời Nam phất gió cờ Trương Định
Ải Bắc ngời trăng kiếm Đặng Dung
Linh Đổng bá tùng muôn gốc dụm
Mây tuôn anh khí khí thêm hùng.
(Cảm tác)
Nghĩa quân chống Pháp không nề gian khổ, song so sánh lực lượng địch ta không đều, gươm giáo đương sao nổi súng đạn, cuộc khởi nghĩa bị dìm trong bể máu. Mai Xuân Thưởng và nhiều tướng bị giặc đưa lên đoạn đầu đài. Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Quý Luân ở hậu cứ, thoát được nanh vuốt kẻ thù. Trước thảm trạng gươm rơi giáo gãy, hai anh em ông tìm nơi lánh nạn chứ không ra hàng giặc. Hai ông vẫn nuôi hy vọng có ngày khôi phục lại quân ngũ, đuổi Tây cứu nước, rửa hận cho đồng bào đồng chí. Niềm hy vọng ấy Nguyễn Bá Huân gửi vào những vần thơ tha thiết:
Khí thiêng sông núi lưỡi gươm thần
Dốc sức bình sinh trả quốc ân
Giận chẳng phanh thây phường bạch quỷ
Nghĩ thêm hổ mặt đám hồng quần
Thiết tha cuốc gọi lòng phò Tống
Lạnh lẽo hoa trôi nẻo tỵ Tần
Chớ đến Tân Đình rơi lệ thảm
Còn trời, còn đất, hãy còn dân
Giữa nơi suối thẳm rừng sâu, Nguyễn canh cánh bên lòng giấc mộng đoàn viên hưng quốc. Ngày lại ngày, niềm tin sắt đá bị thời gian bào cứa, thay vào đó là niềm hoài nhớ quê nhà, là nỗi tiếc nuối đớn đau về những ngày oanh liệt:
Chen vùng cây đá túp lều tranh
Vững nắng bền mưa em với anh
Quyết chí hưng Chu ngòi kiếm bút
Không lòng phục Sở dặm tần kinh
Gió về cố lý cơn cơn nhẹ
Non kết đồng tâm giải giải xanh
Chớ tưởng đã yên trời một góc
Gọi đàn tiếng vượn rúng trăng thanh.
Nguyễn Bá Huân đi vào cuộc kháng chiến khi không còn trẻ nữa, giờ thêm cảnh sống lay lắt dãi dầu, "tóc sương đã trổ trên đầu hùng anh". Niềm ưu quốc trong ông chuyển thành nỗi buồn thương phảng phất mỗi vần thơ bi tráng:
Chùy trót sa tay miền Bát Lãng
Lau đành trổ tóc dặm Giang Nam
Đến năm Ất Mùi 1895, triều Thành Thái bãi lệnh tầm nã các chiến sĩ Cần Vương. Anh em Nguyễn Bá Huân trở về quê cũ. Gia cảnh sa sút. Em ông (Nguyễn Thúc Mân) rồi cha ông lần lượt qua đời. Nguyễn Bá Huân chán nản mượn rượu giải sầu. Tính tình ông trở nên u uất. Nhiều đêm ông thắp đèn ngâm thơ một mình rồi khóc rống lên vô cùng bi thiết.
Buồn đau nguôi dần, Nguyễn Bá Huân tìm đọc sách thuốc. "Không cứu được nước thì cứu lấy dân" – đó là tâm nguyện của ông lúc về già.
Sau khi đàn áp các cuộc khởi nghĩa, bọn quan lại thối nát càng hoành hành rối rắm dân tình. Bất chấp ngục văn tự và bọn chỉ điểm, ông làm thơ vạch trần tội ác của bọn tay sai bán nước. Những bài Tức sự, Vịnh rận, Vịnh chim cú của ông là những bản cáo trạng đanh thép tố cáo bọn thực dân và tay sai đang làm đảo lộn xã hội, đục khoét nhân dân.
Một đêm năm Ất Mão, trong cơn bi hứng, Nguyễn Bá Huân mang tuồng Diễn võ đình của Đào Tấn ra hát một mình. Tên Bàng Hồng trong vở, ông đổi ra tên Nguyễn Thân mà chửi. Nguyễn Thân bấy giờ là tổng đốc Bình Định, hai tay đẫm máu dân lành và các nghĩa sĩ Cần Vương. Bùi Huệ cũng bị Nguyễn Thân bức giết. Nguyễn Bá Huân căm hận tên Việt gian này không sao kể xiết. Chửi Nguyễn Thân xong, ông đem ghế nghi, hương và rượu ra một khu gò cạnh nhà, đốt hương tế danh tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu. Tế xong, Nguyễn Bá Huân nhảy lên ghế nghi nằm ngủ. Nửa khuya, ông vùng dậy thét to một tiếng rồi ngã chết giữa trời.
. Trần Thị Huyền Trang
|