Trương Văn Hiến, tài kiêm văn võ, tinh thông thao lược. Ông vốn người Hoan Châu (tức Nghệ An), vì lánh nạn phải lìa quê vào phủ Quy Nhơn, sống ở đất An Thái, rồi thành danh ở đây.
Năm 1765, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát mất. Quốc phó Trương Phúc Loan chuyên quyền, làm di chiếu giả, lập người em thứ mười sáu của Võ Vương là Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi. Quan đại thần Trương Văn Hạnh phản đối, liền bị Trương Phúc Loan bắt giết cả nhà. Trương Phúc Loan còn cho truy lùng người thân của Trương Văn Hạnh để hãm hại. Vì là chỗ họ hàng gần với Trương Văn Hạnh, Trương Văn Hiến sợ bị vạ lây bèn bỏ trốn.
Trương Văn Hiến đến trú tạm tại một ngôi chùa nhỏ ở chân đèo Hải Vân. Trí Viễn thiền sư, trụ trì ngôi chùa là bạn vong niên của Trương Văn Hiến. Là một người uyên thâm Dịch học, Trí Viễn thiền sư đã đàm đạo với Trương Văn Hiến về thời thế và khuyên ông vào phủ Quy Nhơn lập nghiệp. Theo lời khuyên ấy, Trương Văn Hiến vượt đèo vào Nam.
Đến phủ Quy Nhơn, Trương Văn Hiến đi khắp nơi, cuối cùng thả dọc sông Côn xem xét kỹ vùng Tuy Viễn và nhận thấy đất này núi sông hiểm trở, sẽ là đất dụng võ của các anh hùng có chí lớn nay mai. Ông thầm phục sự minh giác của sư Trí Viễn. Tuy nhiên, làm thế nào để có chỗ dung thân thì Trương chưa tính được.
Nguyên phía nam thành Quy Nhơn (*) có một phú gia tên Phan Nghĩa. Trương Văn Hiến nghe tiếng Phan Nghĩa hiếu khách, phóng khoáng, giao thiệp rộng rãi, tìm tới làm quen. Qua vài lần thù tiếp, Phan Nghĩa thấy Trương Văn Hiến kiến thức quảng bác, nói năng lưu loát thì đem lòng mến mộ, giữ làm khách trong nhà mấy tháng ròng.
Nhà Phan Nghĩa có mấy đội thuyền buôn, các phu chèo lái đều giỏi võ. Họ Phan còn nuôi một toán võ sĩ thượng thặng do võ sư Đặng Quan đứng đầu, áp tải đội thuyền đặc biệt chuyên mua bán các mặt hàng quan trọng như gốm, lụa, và các loại trầm hương, gỗ quý. Một hôm, nắm được nguồn tin các hãng Hoa kiều ở An Thái có các loại vải vóc và gốm sứ cổ Phúc Kiến và Giang Tây chở sang, Phan Nghĩa cần người thông thạo chữ Hán để thẩm định các mặt hàng, bèn ngỏ lời nhờ Trương Văn Hiến giúp. Trương liền nhận lời tháp tùng đội thuyền Đặng Quan.
Chuyến đi hết sức thuận lợi. Đặng Quan vốn đã kính trọng Trương Văn Hiến qua cách đối đãi của Phan gia, đến khi tận mắt chứng kiến Trương đối đáp với các tay thương gia người Hoa lại càng bội phục. Riêng Trương Văn Hiến, đã nhiều lần ghé An Thái, quan sát rất kỹ địa lý, nhân văn, nhận thấy với địa thế nằm ngay bên bờ sông Côn, đất này trên bến dưới thuyền, quả là trọng điểm của các tuyến đường huyết mạch từ Tây Sơn Thượng xuống Quy Nhơn. Lần này trở lại, ngoài phong cảnh hữu tình, còn được thấy các mối giao thương phồn thịnh, Trương càng quyết chí sẽ đến đây lập nghiệp.
Sau khi giao tiền, chất hàng cẩn thận, Đặng cho thuyền rời An Thái, thầm tính sẽ về đến nơi trước khi trời tối.
Hồi bấy giờ ở An Thái có đảng cướp Song Tiên khét tiếng hung tàn. Song Tiên là biệt danh chúa đảng. Tên này sở trường môn đánh roi, vũ khí của hắn là một cặp roi rất đẹp, và hễ ai trúng roi của hắn là khó có đường sống. Lần này đảng Song Tiên biết chắc là thuyền nhà họ Phan đi cất hàng quan trọng, chúng quyết chí đón lõng dọc đường để ăn hàng.
Thuyền hàng vừa đến đoạn sông ngang phế thành Phật Thệ thì bị hư bánh lái, Đặng Quan cho neo lại để sửa. Trong khi chờ phu lái sửa thuyền, các võ sĩ lên bờ mua sắm thức ăn. Đảng cướp được tin, tức tốc kéo xuống. Thấy hành trạng của toán người lạ, Đặng Quan đoán biết, vội tri hô cho những người phu thuyền chuẩn bị, còn mình nhảy lên bờ chận cướp. Theo kế hoạch của Song Tiên, đảng cướp chia đôi, toán trên bờ vây đánh Đặng Quan, toán nhảy xuống thuyền để cướp hàng. Đặng Quan vội tung đòn hiểm, đánh dạt được bọn cướp quanh mình. Ông tung mình định về thuyền bảo vệ hàng, nào ngờ Song Tiên giơ roi đón đường, phải dừng lại đỡ. Hai bên đang đấu bất phân thắng bại, bỗng nghe tiếng la oai oái. Thì ra toán cướp vừa leo lên thuyền bị Trương Văn Hiến dùng sào tre đánh rớt hết xuống sông. Toán cướp trên bờ giương cung bắn xuống. Trương dùng sào gạt loạt tên đầu rồi vung sào múa tít không còn rõ thân người, chỉ nghe tên rụng rào rào như mưa. Song Tiên nổi giận, lao vút xuống thuyền, Đặng Quan sợ Trương Văn Hiến đương không lại, vội nhảy theo thì trúng tên rớt xuống nước. Bấy giờ các võ sĩ áp tải thuyền đã trở lại, xông vào đánh đuổi bọn cướp. Trên thuyền, qua vài hiệp đo lường, biết đối thủ không phải hạng xoàng, Song Tiên liền giở ngón hiểm quyết giết Trương Văn Hiến. Đoán được dã tâm của tên tướng cướp và nóng lòng cứu Đặng Quan, Trương Văn Hiến dùng một đòn quyết định đâm Song Tiên ngã ngửa. Bọn cướp thấy chủ tướng mạng vong, lo chạy tháo thân. Trương Văn Hiến vớt võ sư Đặng Quan lên thuyền. Toán võ sĩ lớp lo nhổ tên băng bó vết thương, lớp lo dọn thuyền rồi đi tiếp.
Nghe chuyện, Phan Nghĩa vô cùng cảm kích, mời Trương Văn Hiến đến cảm tạ và gạn hỏi gia cảnh trước sau. Bấy giờ Trương mới thưa thật rằng mình đã lâu là kẻ không nhà, đang tìm nơi lập nghiệp. Phan Nghĩa bèn xuất tiền mua một khu đất gò rộng rãi gần sông Côn tặng Trương Văn Hiến. Từ ấy, Trương Văn Hiến ở lại An Thái, lập gia đình, mở trường dạy học. Dân quanh vùng gọi ông là Thầy giáo Hiến.
Thầy giáo Hiến kén học trò rất kỹ, ông chỉ nhận những trò có tư chất thông minh và tính tình nhân ái. Ông quan niệm: "Có võ mà không có văn thường hay cường bạo, có văn mà không có võ thường hay nhu nhược. Văn võ phải nương nhau thì đạo làm người mới giữ được vững". Do vậy, ông đào tạo cả văn lẫn võ.
*
Nguyễn Nhạc trong thời gian buôn trầu qua lại vùng An Thái, từng nghe vang danh thầy giáo Hiến. Ông bèn thu xếp rồi đưa cả hai em là Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đến xin học.
Nguyễn Nhạc học được ít lâu thì tạm biệt thầy lên Tây Sơn thượng chuẩn bị khởi nghĩa. Khi Nguyễn Huệ thành tài, Trương Văn Hiến tiễn người học trò yêu với lời dặn: "Tây khởi nghĩa, Bắc thu công". Và hầu hết chiến công xuất sắc trong đời Nguyễn Huệ (trừ trận Rạch Gầm – Xoài Mút) là minh chứng hùng hồn của lời dặn trên. Tương truyền, những chuyện gây thanh thế cho Nhà Tây Sơn như chuyện Nguyễn Nhạc được ấn kiếm trời ban, chuyện Nguyễn Huệ xuất quân chém rắn ở gò cây Ké đều là do Trương Văn Hiến bày mưu.
Năm 1773, Tây Sơn khởi nghĩa. Trại chủ Nguyễn Nhạc mời Trương Văn Hiến lên căn cứ bái làm quân sư. Quân Tây Sơn kéo xuống đánh huyện thành Quy Nhơn, Trương Văn Hiến lúc bấy giờ có mặt tại quân doanh để bày mưu tính kế. Mấy trận liền quân Tây Sơn thắng lớn khiến tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên hoảng loạn. Trương Văn Hiến rất đỗi vui mừng, song luôn luôn nhắc Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ lưu ý thu phục nhân tâm. Trong một buổi cùng Nguyễn Nhạc duyệt quân, Trương quân sư đang đi thì thình lình bị trúng gió độc ngã ngất đi, tướng sĩ thất kinh vội đỡ vào trướng lo thuốc thang. Khi tỉnh lại, ông cầm tay Nguyễn Huệ dặn dò:
Âm dương nay sắp sang đò
Hiếu trung cố giữ sao cho vẹn toàn
Mong con thu đoạt giang san
Bao nhiêu hiểm chướng phải ban cho bằng
Thương dân, chuộng đức, con hằng minh tâm
Hồn thầy dù xuống cõi âm
Ngậm cười chín suối cũng thầm ngợi khen
(Tây Sơn tiềm long lục – Nguyễn Bá Huân)
Con trai ông, Trương Văn Đa, là một tướng giỏi của Tây Sơn, được Nguyễn Nhạc chọn làm phò mã. Tiếp thu tư tưởng nhân ái của cha, trong thời gian làm trấn thủ Gia Định, Trương Văn Đa đã thực thi chính sách khoan dân rất có hiệu quả.
*
Học trò của thầy giáo Hiến hầu hết trở thành tướng lĩnh hàng đầu của nhà Tây Sơn. Ngoài ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, còn có thể kể:
- Võ Văn Dũng quê Phú Lạc, Tây Sơn, Bình Định - Đại đô đốc triều Quang Trung, một trong tứ trụ triều đình thời Cảnh Thịnh.
- Đặng Văn Long quê Nhơn Mỹ, An Nhơn, Bình Định - Đại đô đốc, có công đánh giặc Thanh.
- Phan Văn Lân quê Nhơn Hưng, An Nhơn, Bình Định - Đô đốc, có công đánh giặc Thanh.
- Nguyễn Văn Huấn và Nguyễn Văn Danh ở Bình Sơn, Quảng Ngãi, làm quan triều Tây Sơn, tác giả bộ sử Tây Sơn thư hùng ký.
- Huỳnh Văn Thuận ở Mộ Đức, Quảng Ngãi - Tướng Tây Sơn đã tham chước hai bộ Binh Ngô tôn pháp và Hưng Đạo binh pháp, soạn ra bộ Binh pháp Tây Sơn.
- Trương Văn Đa, sinh tại An Thái, Nhơn Phúc, Bình Định, (là con trai và cũng là học trò Trương Văn Hiến, con rể Nguyễn Nhạc) – Tướng Tây Sơn, có công đánh quân Xiêm, làm trấn thủ Gia Định rất được lòng dân, sau là thầy dạy thái tử Bảo.
Đối với Trương Văn Hiến, An Thái là quê hương thứ hai, nơi ông thực hiện hoài bão cứu đời giúp nước. Với công lao đào tạo nên những anh hùng tiêu biểu của triều đại Tây Sơn, Trương Văn Hiến được nhân dân yêu mến như một người Bình Định thật sự, một người đã làm rạng danh quê hương Bình Định bằng cách khai sáng cho một thế hệ về đạo làm người giữa thời ly loạn – học trò và con cái ông đã vâng theo tiếng gọi của lịch sử, làm tướng tiên phong trong đội quân của nhân dân, đập đổ ách thống trị thối nát, giữ cho quốc thái dân an. Sứ mệnh của ông là một Người Thầy, và ông đã thực hiện sứ mệnh đó một cách toàn tâm toàn ý.
. Trần Thị Huyền Trang
(*) Trước thuộc Nhơn Hưng, nay thuộc thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn.
|