Vì sao nhà Tây Sơn không khôi phục lại sự nghiệp?
15:50', 25/9/ 2003 (GMT+7)

Đến giữa năm 1802 nhà Tây Sơn sụp đổ hoàn toàn, ngày 2-7 năm Nhâm Tuất (1802) Nguyễn Phúc Ánh xưng Đế, niên hiệu Gia Long và bắt đầu cuộc trả thù tàn khốc đối với nhà Tây Sơn. Các tướng lãnh nhà Tây Sơn nhiều người bị chết trong cuộc chiến, người tự vẫn, người bị bắt cùng với gia quyến nhà vua và bị Gia Long xử chết bằng nhiều hình thức dã man. Gia Long cố tiêu diệt, xóa sạch những gì có liên quan đến nhà Tây Sơn, hòng "nhổ cỏ tận gốc". Tuy nhiên, dù bị truy diệt đến đâu, cũng không thể nào xóa được ảnh hưởng của Tây Sơn, nhất là những vị tướng tài thì không dễ dàng rơi vào tay Nguyễn Phúc Ánh và bị khuất phục, mà họ trốn tránh ẩn náu đâu đó. Trong số này có Võ Văn Dũng, Đặng Văn Long, Đặng Xuân Phong, Phan Văn Lân, Phạm Công Chánh, Lê Sĩ Hoàng, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Văn Lộc... Có thể họ đủ tài sức tập hợp một cuộc khởi nghĩa mới, nhưng điều này đã không xảy ra bởi một số lý do, trong đó có lý do về tư tưởng.

Vì sao lại là tư tưởng, chẳng phải họ là những người tài đức theo ba anh em Tây Sơn mong dựng lên nghiệp lớn đó sao? Theo một số tài liệu thì sau khi lẩn tránh nanh vuốt của Gia Long, Võ Văn Dũng trở về Phú Phong rồi lên vùng An Khê chiêu mộ những người thiểu số và xây dựng căn cứ quân sự và chuẩn bị việc phục thù. Lúc này ông Dũng nghe tin Đặng Văn Long vẫn còn ẩn náu ở An Nhơn, bèn tìm đến bàn đại sự. Với Đặng Văn Long, sau trận Đống Đa tiếp tục dốc sức giúp vua Quang Trung, nhưng đến khi Cảnh Thịnh lên ngôi, quyền thần lộng hành, thì ông từ chức trở về An Nhơn mở trường dạy võ. Song thấy kẻ học võ lúc này không có chí lớn, mà chỉ lo lợi riêng, nên Đặng bỏ lên núi làm rẫy. Khi Võ Văn Dũng tìm đến Đặng rất mừng, nhưng khi nghe Võ bàn chuyện khôi phục lại nhà Tây Sơn, Đặng lắc đầu: "Tôi ra giúp nhà Tây Sơn đâu phải vì nhà Tây Sơn, mà vì Tổ quốc. Nếu giặc Thanh không mang quân sang lấn nước ta, thì tôi mãi là con hạc nội, máu đâu dính đến tay". Võ tiếp tục thuyết phục nhưng Đặng khẳng khái: "Tranh cho ai? Cho nhà Tây Sơn hay cho chính mình? Thôi, trên ba mươi năm trời đánh nhau, nhân dân đã điêu đứng rồi, không nên gieo rắc thêm tang tóc…".

Không lôi kéo được Đặng Văn Long, Võ Văn Dũng trở về Bình Khê, tiếp tục xây dựng lực lượng chiến đấu. Nhưng ít lâu sau Nguyễn Phúc Ánh hay được đã đem quân vây bắt ráo riết, Võ công phải bỏ hết cơ sở, cùng ba người cháu lên ẩn tận trên núi cao xanh. Có lẽ từ câu chuyện này, người dân địa phương có câu ca:

Củ lang Đồng Phó, đậu phộng Hà Nhung

Chàng bòn thiếp mót để chung một gùi

Chẳng qua duyên nợ sụt sùi

Chàng giận chàng đá cái gùi chàng đi…

Và:

Chim kêu dưới gốc Từ Bi

Nghĩa quân còn bỏ huống chi cái gùi

Sau đó, những người cháu của Võ công bị nhà Nguyễn bắt, Võ chỉ còn lại một mình nhưng vẫn sống tự tại trên núi cao, cho đến trên chín mươi tuổi mới mất. Đến thời vua Đồng Khánh, Thành Thái (1885-1907) con cháu mới lấy cốt đem về chôn ở Phú Phong.

Không chỉ có Đặng Văn Long, nhiều vị tướng tài của nhà Tây Sơn sau khi nghe tin triều Tây Sơn không còn, đã giải tán quân ngũ, cho binh sĩ về quê quán làm ăn. Bản thân các tướng phần lớn tự mỗi người tìm một hướng đi để tránh nhà Nguyễn phục thù, về sau này ít ai biết được tông tích. Khi đến với nhà Tây Sơn, phần lớn các tướng đều tận trung, tận nghĩa với người đứng đầu cuộc khởi nghĩa, nhưng khi sự nghiệp sụp đổ, hầu như không ai muốn nuôi chí phục thù. Đây cũng là nét khác biệt giữa nhà Tây Sơn với nhà Nguyễn - Nguyễn Phúc Ánh. Đó là điều đáng chú ý khi nói về nhà Tây Sơn, bởi nó khác với điều thường xảy ra đối với các triều đại phong kiến. Phải chăng những vị tướng của nhà Tây Sơn đã thấy được mọi cuộc chiến tranh đều đem lại thiệt hại cho nhân dân, thấy cảnh "huynh đệ tương tàn" nên họ đã tự giác không nuôi chí phục thù?

. Hữu Vinh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Gió biển Quy Nhơn   (23/09/2003)
Thầy giáo Hiến   (19/09/2003)
Di tích Núi Bà   (12/09/2003)
Nguyễn Bá Huân (1853 – 1915)   (09/09/2003)
Tản mạn xung quanh thành Hoàng Đế   (07/09/2003)
Phong tục Tết Trung thu ở nước ta   (05/09/2003)
Những ngôi cổ tháp ở Bình Định   (03/09/2003)
Lên vùng cao uống rượu cần   (02/09/2003)
Vùng đất võ An Thái   (31/08/2003)
Nguyễn Khuê (1825-1896)   (29/08/2003)
Hò giã gạo ở Bình Định  (27/08/2003)
Lễ cưới của Hơre Bình Định   (26/08/2003)
Đặng Văn Long   (22/08/2003)
Mắm Nhum   (19/08/2003)
Hòn Chùa, nơi thành lập Chi bộ Hồng Lĩnh  (14/08/2003)