Nhân 280 năm sinh La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723-2003)
Nguyễn Thiếp - một ẩn sĩ tài cao, đức trọng
14:33', 29/9/ 2003 (GMT+7)

Thủ thư của Nguyễn Huệ gởi La Sơn Phu Tử

Năm 1775, Trần Văn Kỷ, một cận thần của Nguyễn Huệ - Quang Trung ra Thăng Long để chiêu mộ sĩ phu Bắc Hà về với nhà Tây Sơn. Khi Trần hỏi Nguyễn Nghiễm, một bậc nguyên lão khả kính về nhân tài của đất Việt thì được trả lời: "Đạo học sâu xa thì Lạp Phong Cư Sỹ, văn phong phép tắc thì Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, còn thiếu niên đa tài đa nghệ chỉ có Nguyễn Huy Tự". Nhân vật mà "đạo học sâu xa", có danh hiệu Lạp Phong Cư Sỹ chính là Nguyễn Thiếp, người đã có những đóng góp cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp của nhà Tây Sơn.

Nguyễn Thiếp (tự là Khải Xuyên) sinh ra và lớn lên ở làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, trấn Nghệ An (nay là Đức Thọ - Hà Tĩnh) vào năm Quý Mão (1723), cách đây vừa tròn 280 năm. So với những danh sĩ cùng thời, Nguyễn Thiếp là người có khá nhiều danh hiệu, trong đó tên hiệu được biết nhiều hơn cả là La Sơn Phu Tử, Hạnh Am và Lạp Phong Cư Sỹ. Năm 21 tuổi (1743), Nguyễn Thiếp thi đỗ Hương Cống nên được bổ làm Huấn Đạo rồi thăng Tri Huyện Thanh Chương (Nghệ An). Tuy chỉ đỗ Hương Cống nhưng Nguyễn Thiếp nổi tiếng là một danh sĩ tài cao, đức trọng. Ra làm quan giữa thời buổi nhiễu nhương, với cảnh tượng "chúa ác, vua hèn", giặc giã liên miên, càng ngày Nguyễn Thiếp càng chán ngán. Ông tâm sự: Nghĩa còn, đỉnh hoạc thơm tho/Đạo suy, ẩn với giang hồ cũng thanh. Năm 1786, Nguyễn Thiếp quyết định rũ áo, từ quan, lên núi Thiên Nhẫn lập trại và bắt đầu sống cuộc đời ẩn cư với danh hiệu La Sơn Phu Tử.

Mặc dù là một "ẩn sĩ" nhưng uy danh của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp vẫn lan tỏa khắp cả nước. Năm 1786, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ ra Thăng Long thực hiện kế hoạch "Phù Lê, diệt Trịnh". Ông được vua Lê phong làm Đại nguyên soái Phù chinh dực vũ Uy quốc công. Với mục đích thu phục nhân tâm, nhất là tầng lớp sĩ phu Bắc Hà, Nguyễn Huệ đã sử dụng Trần Văn Kỷ trong vai trò "tham mưu", làm cầu nối. Chính họ Trần đã tiến cử La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp với Nguyễn Huệ. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đồng ý ngay và quyết tâm "chiêu mộ" bằng được Nguyễn Thiếp về với nhà Tây Sơn.

Có thể nói cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Huệ và La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp là một cuộc gặp hiếm có trong lịch sử. Ngày mồng 4 tháng giêng năm 1787, Nguyễn Huệ sai 2 viên quan cao cấp ở bộ Binh và bộ Hình mang thư đến mời Nguyễn Thiếp. Bức thư có đoạn: "Đã lâu nay nghe tiếng Phu tử, đức tuổi đều cao, kinh luân sẵn có. Chính tôi muốn tới nhà gặp mặt, để thỏa lòng tìm kiếm khó nhọc…". Vốn là một ẩn sĩ, lại chưa hiểu Nguyễn Huệ, nên lần đầu nhận thư, Nguyễn Thiếp đã khéo léo đưa ra 3 lý do để từ chối. Tháng 8 năm 1787, Nguyễn Huệ lại cử quan Lưu Thủ là Nguyễn Văn Phương đưa thư mời La Sơn Phu Tử. Lời lẽ trong thư lần này thống thiết, chân tình: "Phu tử là danh sĩ hơn đời: vì định bụng không chịu cùng quả đức chứng khởi thiên hạ, nên mới nêu ba lẽ không ra. Nhưng nay thiên hạ loạn như thế này, sinh dân khổ như thế này, mà Phu tử nhất định ẩn không ra, thì sinh dân thiên hạ làm sao… Mong Phu tử nghĩ đến thiên hạ với sinh dân, vụt dậy đi ra, để cho quả đức có thầy mà thờ, cho đời này có thầy mà cậy. Như thế mới ngõ hầu khỏi phụ ý trời sinh ra kẻ giỏi". La Sơn Phu Tử lại từ chối. Ngày 13 tháng 9 năm Thái Đức thứ 10 (1787), Nguyễn Huệ lại sai quan Thượng thư bộ Hình là Hồ Công Thuyên dâng lá thư thứ ba lên Nguyễn Thiếp. Phần kết của lá thư có đoạn: "Mong Phu tử soi xét đến tấm lòng thành, vụt dậy mà đổi bụng; lấy lòng vì Nghiêu Thuấn quân dân mà ra dạy bảo, giúp đỡ. Quả đức xin im nghe lời dạy bảo, khiến cho quả đức thỏa được lòng ao ước tìm thầy, và đời này được nhờ khuôn phép của kẻ tiên giáo. Thế thì may lắm lắm". Nhưng, một lần nữa La Sơn Phu Tử vẫn chối từ.

Song, Nguyễn Huệ không nản lòng. Cuối năm 1787, ở ngoài Bắc Hà, Vũ Văn Nhậm cậy thế lộng quyền. Trên đường kéo quân ra Bắc trị tội Nhậm, Nguyễn Huệ nghỉ lại tại Nghệ An, đồng thời cho người đưa thư mời và rước La Sơn Phu Tử tới. Đây là lần đầu tiên Nguyễn Huệ và Nguyễn Thiếp gặp nhau. Theo sách Lê mạt tiết nghĩa lục, trước khi chia tay La Sơn Phu Tử, Nguyễn Huệ đã phải thốt lên: "Người ta đồn rằng Tiên sinh là kẻ sĩ của thiên hạ. Tiếng ấy thật không ngoa".

Thế nhưng, La Sơn Phu Tử vẫn chưa đồng ý ra giúp Nguyễn Huệ, phụng sự nhà Tây Sơn. Mãi đến khoảng cuối năm 1788 Nguyễn Thiếp mới bắt đầu trở thành "quân sư" cho Nguyễn Huệ - Quang Trung. Sau khi lên ngôi Hoàng đế, Nguyễn Huệ kéo đại quân Tây Sơn ra Bắc quyết chiến với quan xâm lược Mãn Thanh. Trên đường hành quân, Quang Trung ghé lại Nghệ An thăm hỏi La Sơn Phu Tử. Nhà vua hỏi: "Quân Thanh sang đánh, nay ta đem quân chống cự, về kế công thủ và số được thua, tiên sinh cho biết thế nào?". Nguyễn Thiếp bình thản: "Nay trong nước trống không, lòng người ly tán. Quân Thanh ở xa lại, tình hình quân ta sức mạnh sức yếu không biết, thế công thế thủ không hay. Chúa công ra chuyến này chẳng qua mươi ngày là giặc Thanh sẽ tan". Nhận định của La Sơn Phu Tử thật sâu sắc. Dựa vào sự phân tích này vua Quang Trung đã không ngần ngại tuyên bố trước ba quân, tướng sĩ: "Nay ta tới dây thân đốc việc binh, kế chiến thủ ra sao đều đã có phương lược định sẵn. Chỉ nội mười ngày nữa, thế nào ta cũng quét sạch giặc Thanh". Đồng thời, đức vua quả quyết: "Nay hãy ăn Tết Nguyên đán trước, đợi đến mồng bảy tháng giêng, vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lấy lời ta nói xem có đúng như vậy không".

Quả nhiên, nhận định của La Sơn Phu Tử giống như lời tiên tri. Đúng vào ngày mồng 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789), quân Tây Sơn đã đập tan 29 vạn quân Mãn Thanh, tiến vào giải phóng Thăng Long. Sau ngày đại thắng, Quang Trung không quên ơn La Sơn Phu Tử. Trong bức thư gửi Nguyễn Thiếp, nhà vua thổ lộ: "Trẫm ba lần xa giá Bắc thành, Tiên sinh đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời Tiên sinh hẳn có thế thật". Đồng thời, ngài ban chiếu cấp cho Nguyễn Thiếp thuế xã Nguyệt Ao để làm tuế bổng và ban lộc dưỡng lão cho ông.

La Sơn Phu Tử chính thức hợp tác với nhà Tây Sơn vào năm 1791. Tháng 8 năm ấy, vua Quang Trung ban chiếu lập Viện Sùng Chính và cử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng. Kể từ đó, La Sơn Phu Tử đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với nhà Tây Sơn và Quang Trung nói riêng. Với cương vị Viện trưởng Viện Sùng Chính, Nguyễn Thiếp đã đề ra những cải cách về văn hóa, giáo dục của nước nhà cuối thế kỷ thứ XVIII. Trong đó, công lao lớn nhất của Nguyễn Thiếp là thực hiện chủ trương của Quang Trung: chấn hưng, đề cao chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của nước Việt. Cùng với các đồng sự ở Viện Sùng Chính, La Sơn Phu Tử đã dịch nhiều bộ sách quan trọng từ Hán tự sang Nôm, như các bộ: Tiểu Học, Tứ Thư (gồm 32 tập) và các bộ Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch… Đồng thời, La Sơn Phu Tử còn là một nhà giáo có công lớn đối với nền giáo dục nước nhà. Ngay tại khoa thi Hương đầu tiên dưới triều đại Quang Trung (tổ chức ở Nghệ An vào năm 1789), Nguyễn Thiếp được cử làm Chánh Chủ khảo. Đáng lưu ý, La Sơn Phu Tử đã được Quang Trung tin tưởng giao cho việc thẩm định đức độ và tài năng của những người mới ra hợp tác với nhà Tây Sơn. Đặc biệt, ngoài Viện Sùng Chính, La Sơn Phu Tử còn được vua Quang Trung giao phó một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng. Đó là việc chọn địa điểm để xây dựng kinh đô mới của triều đại nhà Tây Sơn tại khu vực giữa núi Kỳ Lân và núi Phượng Hoàng (Nghệ An). Kinh đô mới được đặt tên Phượng Hoàng Trung Đô. Tiếc rằng công việc đang tiến hành dang dở thì vua Quang Trung đột ngột băng hà.

Quang Trung qua đời, Cảnh Thịnh còn nhỏ tuổi, mọi quyền bính rơi vào tay Bùi Đắc Tuyên. Đáng lo ngại là nội bộ của triều đại nhà Tây Sơn ngày càng rạn nứt, "chia 5 xẻ 7". Trước bối cảnh đó La Sơn Phu Tử quyết định xin trả lại lộc dưỡng lão mà Quang Trung ban cho trước đây. Chuyện kể rằng, sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh - Gia Long có cho người mời La Sơn Phu Tử đến và hỏi: "Ngụy Tây Sơn mời Tiên sinh làm thầy, Vậy Tiên sinh dạy nó ra sao?". Nguyễn Thiếp ung dung trả lời: "Có tám điều trong sách Đại Học, có chín điều trong sách Trung Dung, người giỏi thì làm được, người không giỏi thì không làm được". Thế rồi, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp lại trở về vùng núi Thiên Nhẫn làm một ẩn sĩ. Gia phả họ Nguyễn ở Mật Thôn - Nguyệt Ao, chép rằng: "Cụ ở lại trên núi, tự lấy làm vui, không bận lòng đến việc trần ai nữa".

. Viết Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Xu-xoa ơi! Xu xoa   (28/09/2003)
Vì sao nhà Tây Sơn không khôi phục lại sự nghiệp?   (25/09/2003)
Gió biển Quy Nhơn   (23/09/2003)
Thầy giáo Hiến   (19/09/2003)
Di tích Núi Bà   (12/09/2003)
Nguyễn Bá Huân (1853 – 1915)   (09/09/2003)
Tản mạn xung quanh thành Hoàng Đế   (07/09/2003)
Phong tục Tết Trung thu ở nước ta   (05/09/2003)
Những ngôi cổ tháp ở Bình Định   (03/09/2003)
Lên vùng cao uống rượu cần   (02/09/2003)
Vùng đất võ An Thái   (31/08/2003)
Nguyễn Khuê (1825-1896)   (29/08/2003)
Hò giã gạo ở Bình Định  (27/08/2003)
Lễ cưới của Hơre Bình Định   (26/08/2003)
Đặng Văn Long   (22/08/2003)