Những tục lễ, Tết ở Bình Định
14:20', 2/1/ 2004 (GMT+7)

* Bánh tráng trong ngày Tết

Trong ngày Tết nhất, cưới hỏi, giỗ kỵ của người dân Bình Định, trên mâm cỗ bao giờ cũng phải có món bánh tráng - cả bánh nướng và bánh khô mới là đủ cách thức.

Bánh nướng được đưa lên cỗ cúng và để khai vị, nhâm nhi trước. Khi bẻ bánh người ta kê lên đầu, dùng hai tay bẻ một cách thành kính chứ không tùy tiện. Còn bánh khô đem nhúng nước cho mềm, cuốn rau sống, dưa leo, khế, thịt, cá… chấm mắm ăn. Cỗ nhà nào dù to mấy mà không có món bánh tráng "coi như chưa có cỗ, chưa phải là Tết".

Người Bình Định trọng món bánh tráng như vậy là bắt nguồn từ cuộc hành quân của vua Quang Trung ra Bắc đánh quân Thanh năm Kỷ Dậu 1789. Để quân đi thần tốc gây bí mật bất ngờ theo chiến lược của chủ tướng, đô đốc Bùi Thị Xuân phụ trách hậu cần đã phát minh ra món lương khô tuyệt diệu là bánh tráng. Quân không cần nghỉ nấu cơm mà vẫn có cái ăn, vừa nhanh vừa tiện. Cùng với phát minh hành quân tổ "tam tam" - ba người một võng khiêng, thay nhau một người được nghỉ - bánh tráng đã góp công lớn vào chiến thắng xuân năm ấy.

Để ghi công bánh tráng, tưởng nhớ vua Quang Trung và vị nữ đô đốc tài ba của quê hương mình, nhân dân Bình Định thờ cúng bánh tráng trên mâm cỗ Tết, ngày cúng quải cho thêm phần long trọng. Có lẽ thứ bánh góp phần quan trọng vào chiến thắng mà tiêu biểu là ở trận Đống Đa, nên nhân dân miền Bắc gọi bánh tráng là bánh đa chăng?

* Mồng một đi chơi… nghĩa trang

Chẳng biết từ bao giờ và vì sao, nhưng cứ ngày mồng một Tết hàng năm, người dân Quy Nhơn thường kiêng không đi chúc Tết người thân, thăm bạn bè, mà lại kéo nhau thăm… nghĩa địa.

Từ sáng sớm đến chiều tối, mấy nghĩa địa ở phía nam Quy Nhơn như nghĩa trang Liệt sĩ, nghĩa địa Phật giáo, nghĩa địa Minh Hương, nghĩa địa Nhân dân đều chật ních người đi như trảy hội. Xe cộ đầy trên đường. Người chen chân không nổi. Người ta vào thắp nhang cho các ngôi mộ. Mỗi nhà không phải đi 1-2 người mà cả vợ chồng, con cái dắt díu nhau. Hàng quán mọc theo để phục vụ.

Xong đâu đó, ngày mồng 2 người ta mới đi chúc tết. Có lẽ những người đang sống không muốn cho người đã khuất bị lạnh lẽo tủi buồn trong ngày mở đầu năm mới chăng?

* Lễ hội chiến thắng Đống Đa

Từ khi nhà Tây Sơn bị diệt, mặc dù nhà Nguyễn ra sức đàn áp khủng bố để xóa mọi ảnh hưởng của Tây Sơn trong lòng dân, nhưng ngày chiến thắng Đống Đa mùng 5 Tết vẫn được nhân dân Tây Sơn, nhân dân Bình Định kỷ niệm. Người ta đến đình Kiên Mỹ (ở làng quê Quang Trung) thắp hương tế lễ, cúng bái đầy nghi thức trang trọng, thành kính nhưng được ngụy trang bằng tết cúng cơm mới. Thời Mỹ ngụy chiếm đóng cũng vậy. Dân Tây Sơn xây miếu thờ "Ba ngài Tây Sơn" ngay trên nền nhà cũ của gia đình Nguyễn Huệ, làm giỗ trận Đống Đa công khai hơn, có đọc văn tế ca ngợi công lao sự nghiệp của vua Quang Trung và cuộc khởi nghĩa Tây Sơn một cách đàng hoàng.

Sau ngày giải phóng, Bảo tàng Quang Trung được xây dựng, lễ hội Đống Đa ở Tây Sơn cũng như ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Tiền Giang và một số nơi được Đảng, Nhà nước tổ chức trọng thể, có nhiều hình thức hoạt động phong phú với các trò vui cổ truyền: đấu võ, đánh vật, kéo co, đua thuyền, cờ tướng, hát bội, hát bài chòi… Lễ hội Đống Đa Tây Sơn là lễ hội lớn nhất của người Bình Định trong một năm.

* Lễ hội chiến thắng Đèo Nhông

Cũng vào ngày mồng 5 Tết, nhân dân huyện Phù Mỹ tổ chức lễ hội chiến thắng Đèo Nhông tại địa phương mình.

Đèo Nhông nằm trên quốc lộ 1, cách Phù Mỹ 4 km về phía bắc. Mùng 5 Tết năm 1965 quân dân ta đã đánh bại "chiến tranh đặc biệt" của địch, tiêu diệt 2 tiểu đoàn và 10 xe bọc thép Mỹ ngụy tại nơi này.

Hiện nay trên đỉnh Đèo Nhông có xây dựng tượng đài chiến thắng. Lễ hội tổ chức quanh tượng đài, thu hút hàng ngàn dân phía bắc tỉnh. Các trò vui chơi truyền thống được tổ chức khá phong phú. Trên đầm Châu Trúc cách đó không xa có đua thuyền, bơi lội, bắt vịt rất hấp dẫn.

Những tục lễ Tết ở Bình Định như trên thật đáng trân trọng. Nó ngày càng được phát huy với những nội dung mới để ngày càng vui, hấp dẫn và nhiều ý nghĩa.

NGUYỄN VĂN CHƯƠNG

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định trong Đại Nam Nhất thống chí   (01/01/2004)
Chả cuốn Gò Bồi  (30/12/2003)
Trủ ngao và cá móm  (29/12/2003)
Bưởi Bồng Sơn  (28/12/2003)
9 nhân vật thời Tây Sơn được đúc tượng thờ tại Tây Sơn điện (tiếp theo và hết)  (25/12/2003)
9 nhân vật thời Tây Sơn được đúc tượng thờ tại Tây Sơn điện  (24/12/2003)
Cá kho, chả cá Bình Định  (23/12/2003)
Nỗi nhớ trống chầu  (16/12/2003)
Nước mắm Gò Bồi  (15/12/2003)
Mắm cua đồng Bình Định  (14/12/2003)
Miếng ngon Bình Định  (11/12/2003)
Hương vị Bình Định  (10/12/2003)
Phật giáo trong điêu khắc Chămpa Bình Định  (09/12/2003)
Du lịch biển Cù Mông  (09/12/2003)
Bún Song Thần  (07/12/2003)