Luật pháp nhà Tây Sơn
16:46', 4/1/ 2004 (GMT+7)

Quang Trung Nguyễn Huệ tuy là ông vua áo vải, không được học hành nhiều, không đỗ đạt bằng cấp gì. Ông chỉ học thầy Trương Văn Hiến và một vài thầy khác, nhưng nhờ thông minh, không tự ti và biết tiếp thu cái mới nhanh nhạy nên tư tưởng khá tiến bộ.

Khi Nhà Tây Sơn mới dựng cờ khởi nghĩa, Nguyễn Huệ còn làm "phụ tá" cho ông anh Nguyễn Nhạc, đã cùng đề xuất chủ trương "lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo". Với hành vi thực hiện công bằng xã hội này, bọn nhà giàu và quan lại của chúa Nguyễn gọi quân Tây Sơn là bọn cướp, nhưng nhân dân thì nức lòng ca ngợi và ủng hộ.

Khi kéo quân ra Bắc hỏi tội chúa Trịnh, tôn phò vua Lê, Nguyễn Huệ đã áp dụng việc xử án rất nghiêm khắc, nhất là tội trộm cắp. Hễ bắt được tên trộm cắp hoặc tên lính của mình cướp bóc hà hiếp dân lành là ông lập tức cho chém đầu mà không cần xét xử. Dân chúng rất thích sự liêm khiết của quân Tây Sơn và nhờ vậy, xã hội dưới sự cai trị của anh em Nguyễn Nhạc rất yên ổn, "quân trộm cướp không dám hành nghề", như giáo sĩ Le Roy ở Nam Định hồi đó nhận xét.

Buổi đầu chưa có bộ luật nên Quang Trung cai trị bằng chế độ quân chính, không lập pháp lệnh, điều ước. Việc xử kiện do Quang Trung phân xử bằng… miệng. Ai có tội đều dùng đòn mà trị. Kẻ nào can tội hối lộ đều bị phạt nặng. Ngay cả đối với công chúa Ngọc Hân, vị hoàng hậu được cưng chiều nhất cũng bị Quang Trung ra lệnh đánh 20 roi về tội bao che cho mẹ, vì bà Chiêu Nghi đã nhận hối lộ 100 thỏi vàng của viên quan nhà Lê đút lót, nhờ xin Quang Trung tha tội chống lại Tây Sơn (chắc chỉ như Tào Tháo chặt đầu mình bằng cách… cắt tóc làm gương, chứ bị đánh thật 20 roi thì còn gì "cành vàng lá ngọc" nữa!).

Ngay các giáo sĩ phương Tây rất ghét quân Tây Sơn cũng phải công nhận: "Dưới triều đại này, chúng tôi có bị phiền nhiễu thật. Nhưng ngược lại, chúng tôi được che chở khỏi bị lũ cướp phá phách". (Giáo sĩ La Mothe gửi thư cho ông Letondal năm 1790).

Từ cuối năm 1788, Quang Trung đã thấy rằng nhà nước thì phải có pháp luật để cai trị chứ không thể tùy tiện mãi, nên ông đã ra sắc lệnh: "Đánh dấu ngày khởi đầu triều đại ta bằng cách soạn ra bộ luật để dân chúng sống trên đất đai ta nghiêm ngặt tuân theo…". Lệnh trong một, hai tháng phải soạn xong bộ luật. Vì thời gian gấp nên bộ luật còn rất sơ lược. Nhưng trong quá trình thi hành, Bộ luật ấy được bổ sung, hoàn chỉnh về sau.

Năm 1792, một linh mục người Việt đã soạn thảo Bộ luật hoàn chỉnh cho triều đại Tây Sơn, được dịch một phần ra tiếng Pháp, nhưng sau này không ai thấy bộ luật ấy đâu. Có lẽ nó đã bị các cố đạo người Pháp lấy mất.

Tuy vậy, pháp luật thi hành trên vùng đất Nhà Tây Sơn cai trị ngày càng đúng "luật" hơn, nhất là từ sau ngày giải phóng Thăng Long, thống nhất đất nước. Một người Anh tên là Crawturd đến Việt Nam năm1822, viết: "Tôi đã gặp những thương nhân Hoa kiều ở Huế. Họ đã sống dưới chế độ Tây Sơn và chế độ nhà Nguyễn. Họ nói chắc chắn rằng triều đại Tây Sơn cai trị công bằng và ôn hòa hơn nhà vua hiện tại (Minh Mạng) hay cha nhà Vua ấy (Gia Long)".

Đến khi Quang Toản lên ngôi lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh (1792-1802), ông Lê Công Miễn (1740-1800), là Thượng thư Bộ Hình được lệnh soạn một bộ luật cho triều đại Tây Sơn, gọi là Hình thư. Bộ luật gồm 3 quyển, đóng bìa giấy bồi cẩn thận. Nhưng bộ luật này chưa kịp thi hành thì Nhà Tây Sơn đã sụp đổ. Do loạn lạc, bộ Hình thư đã bị tiêu hủy mất. Hình thư chủ yếu được soạn trên cơ sở bộ luật Hồng Đức (1470-1497) để khắc phục tình trạng chính sự không thống nhất.

Triều đại Tây Sơn tuy rất ngắn ngủi nhưng đã để lại những dấu son chói lọi trong lịch sử. Về lập pháp cũng thật đáng ghi nhận.

NGUYỄN VĂN CHƯƠNG

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những tục lễ, Tết ở Bình Định   (02/01/2004)
Bình Định trong Đại Nam Nhất thống chí   (01/01/2004)
Chả cuốn Gò Bồi  (30/12/2003)
Trủ ngao và cá móm  (29/12/2003)
Bưởi Bồng Sơn  (28/12/2003)
9 nhân vật thời Tây Sơn được đúc tượng thờ tại Tây Sơn điện (tiếp theo và hết)  (25/12/2003)
9 nhân vật thời Tây Sơn được đúc tượng thờ tại Tây Sơn điện  (24/12/2003)
Cá kho, chả cá Bình Định  (23/12/2003)
Nỗi nhớ trống chầu  (16/12/2003)
Nước mắm Gò Bồi  (15/12/2003)
Mắm cua đồng Bình Định  (14/12/2003)
Miếng ngon Bình Định  (11/12/2003)
Hương vị Bình Định  (10/12/2003)
Phật giáo trong điêu khắc Chămpa Bình Định  (09/12/2003)
Du lịch biển Cù Mông  (09/12/2003)