Bánh tráng (hay bánh đa) thì trên đất nước ta từ Bắc đến Nam nơi nào chẳng có. Từ miền Trung trở vào kêu là bánh tráng. Còn nhân dân miền Bắc lại gọi là bánh đa. Vì sao có tên bánh đa? Đa có phải là nhiều theo từ Hán Việt, vì đất Bắc ảnh hưởng nặng của Trung Quốc? Tôi chắc không phải, bởi mỗi chiếc bánh mong mỏng nho nhỏ, đường kính chỉ độ gang tay rưỡi có gì là nhiều. Hẳn phải có lý do khác.
Theo truyền thuyết và dã sử, khi nghĩa quân Tây Sơn làm cuộc hành quân thần tốc ra tiêu diệt quân Thanh, giải phóng Thăng Long khỏi sự xâm lược của chúng, vua Quang Trung được một vị tướng giỏi việc hậu cần là Đô đốc Bùi Thị Xuân đảm trách lương thảo. Bà đã có sáng kiến dùng bánh tráng làm lương khô, vừa ăn vừa hành quân mà mang vác cũng gọn, đã không mất thời gian dừng nấu cơm lại không lộ bí mật. Bánh tráng đem vào đến tận lúc quân ta thắng trận Đống Đa. Nó còn góp vào bữa tiệc khao quân mừng chiến thắng trong Tết khai hạ như lời hứa của Quang Trung khi làm lễ xuất quân. Có lẽ vì vậy người Hà Nội, rộng ra là người miền Bắc, mới gọi là bánh Đống Đa, lâu dần thành bánh Đa cho gọn.
Người Bình Định coi bánh tráng là lương thực quí. Mâm cỗ Tết hay giỗ chạp, cưới hỏi… từ thành thị đến thôn quê đều phải cúng bánh tráng đã nướng giòn và bẻ ăn khai vị sau khi nâng ly rượu đầu tiên. Dù cỗ nhà nào to mấy mà thiếu món bánh tráng coi như chưa phải cỗ. "Phi bánh tráng bất thành cỗ".
Khi ăn, người ta bẻ bánh một cách rất trân trọng là đưa bánh lên đầu, dùng hai tay bẻ đôi, xong mới đưa xuống bẻ tiếp làm tư, bẻ thành miếng nhỏ để các góc mâm cho khách nhâm nhi.
Bánh chưa nướng thì ăn bằng cách nhúng nước cho mềm, cuộn với thịt, cá, tôm, nộm, xào kèm với các thứ rau sống, đỗ giá, hành, có thể cả lát khế hay lát chuối hột non… chấm nước mắm chanh tỏi nếu nhỡ bữa. Bánh nướng thông thường thì bẻ nhỏ rắc trộn với tiết canh, cho vào cháo lòng, bún giò, kẹp thịt kẹp xôi điểm tâm buổi sáng hoặc lai rai nhậu.
Bánh tráng Bình Định có nhiều thứ: bánh gạo, bánh mì (sắn)... Bánh có loại để không, có loại rắc vừng. Bánh mì dùng bột nhì, bột ba của củ sắn đã xát mịn, ngâm nước mấy ngày cho hết chất làm say người rồi tráng. Bánh tráng dừa thì trộn với nước dừa nạo ra. Khi tráng rắc vừng, hành phi dầu nên lúc nướng ăn rất ngon, vừa thơm bùi vừa béo ngậy. Nhưng phải nướng vàng mới thơm. Người đi tàu xe ra Bắc vào Nam, qua đất Bình Định ở các ga tàu, bến xe như Tam Quan, Bồng Sơn, Bình Định, Diêu Trì, Phú Tài… đều có thể dễ dàng mua dăm ba ràng bánh tráng nước dừa Bình Định làm quà.
Bánh tráng Bình Định không chỉ được ưa chuộng trong nước mà đến cả các nước Âu Tây, Bắc Mỹ, Phi châu, Ấn Độ, Trung Quốc cũng thích từ nhiều năm nay. Ở huyện An Nhơn mấy năm gần đây có một HTX chuyên sản xuất bánh tráng xuất khẩu làm ăn ngày càng khấm khá.
THÔN TRANG |