Năm 1786 (Bính Ngọ) khi cất quân ra Bắc lần thứ nhất diệt Trịnh phù Lê, oai danh Quang Trung đã lừng lẫy lắm. Vào yết kiến vua Lê trong thành, Nguyễn Huệ vốn quen chiến trận vẫn mặc áo giáp, đeo gươm đến trước ngai vàng. Quần thần nhà Lê hèn nhát, sợ run cầm cập. Chỉ có quan hộ giá Phương Đình Giáp vừa cung kính, vừa cương quyết đã tiến ra tâu rằng:
- Xin Thượng công cởi áo giáp và cất gươm rồi hãy đến yết kiến Đức Kim thượng.
Nguyễn Huệ nhận lỗi, cởi áo chiến trao gươm cho viên tướng tùy tùng:
- Ta vốn quen như thế, nay xin theo đúng lễ.
Ba năm sau (1789), trận đại phá quân Thanh ở Đống Đa đã buộc bọn giặc ngoại xâm rút khỏi bờ cõi, nhưng việc nước còn bộn bề, từ việc triều chính đến việc kinh tế an dân. Thời gian này những nhóm chống đối Quang Trung thường ẩn nấp trong các đền chùa, miếu mạo. Văn Miếu ở kinh thành Thăng Long là một trong số nơi nghĩa quân thực hiện nhiều cuộc truy lùng các phần tử phản kháng. Vì vậy các lầu gác, bia tiến sĩ... ở đây bị hư hỏng nhiều.
Dân làng Văn Chương đã nhờ ông Hà Năng Ngôn, thường gọi là Tam Nông tiên sinh (quê ở Tam Nông, Duyên Hà, Thái Bình) viết bài sớ tâu lên vua Quang Trung:
Giữa năm Bính Ngọ
Ngài đem quân ra thú Bắc Hà
Oai trời sấm sét thoảng qua
Cơ đồ họ Trịnh bỗng ra tro tàn.
Bia tiến sĩ vô can, vô tội,
Mà vạ lây vì nỗi cháy thành:
Bia thì đạp đổ tung hoành
Nhà lá thì đốt tan tành ra tro...
Đọc xong bài sớ Quang Trung chẳng những không hề giận mà còn rất hài lòng trước sự hiếu học của dân đất Bắc:
- Ta không trách nông phu
Ta chỉ gớm thầy nho
Cả gan to mật dám kêu vua bằng ngài.
Câu cuối bài thơ độc đáo, bình dân như một câu đối thoại thông thường. Dân làng Văn Chương vô cùng thán phục vua Quang Trung dám đàng hoàng nhận lỗi và hứa sẽ "dựng lại bia nghè" để lấy lại lòng tin của nhân dân và sĩ phu Bắc Hà hồi đó.
. Thùy Dung (St) |