Nguyễn Bá Huân (1853-1915) là con trưởng của cụ Nguyễn Khuê (1825-1896). Học giỏi nhưng không muốn làm quan, không nuôi chí khoa bảng. Ông về làng mở trường dạy học. Hai người em là Nguyễn Thúc Mân, Nguyễn Quý Luân cũng có học ông. Ông ở nhà mở trường dạy học để tránh tiếng "nhàn cư" mà thôi. Học trò chỉ vài mươi trẻ em trong thôn và quanh vùng lân cận. Tuy vậy cũng như cụ tú khi trước, trường ông nổi tiếng khắp vùng. Những người biết chữ ở miền trong miền ngoài đến Bình Định đều ghé thăm trường ông, nhất là các ông đồ ở Huế, ở Thanh, Nghệ, Tĩnh thường đến nói chuyện văn thơ cùng ông.
Thời bấy giờ, học giả hay bảo nhau:
- Người Bình Định giọng nói nặng nên lời thơ, nhất là thơ Nôm, không thanh nhã, thua thơ Huế thơ Bắc.
Ông bác đi, nói: Người nào đã đọc hết thơ Bình Định và người nào đủ học lực đủ tài năng để cầm cân nắm thước? Cam Xã Đoàn, quýt Thanh Cần, xoài tượng Xuân Quang… mỗi giống có mỗi khí vị riêng, dẫu người rành các vị ngon trong đời chưa chắc đã phân biệt vị nào hơn vị nào, huống chi đám người "thực bất tri kỳ vị".
Một hôm, một ông đồ ở Bắc vào, đọc cho ông nghe bài Vịnh cây vông của Nguyễn Công Trứ:
Miền Nam chung tử chẳng ai trồng
Cao lớn làm chi thế hỡi vông
Tài cán không già già phốp pháp
Ruột gan chẳng có có gai chông
So tài lương đống chưa nên mặt
Dựa chốn phiêu ly phải cậy lòng
Mới biết cây nào sanh trái nấy
Xuân về thì cũng trỗ ra bông.
Ông đồ cho biết nguyên nhân sáng tác: Một viên quan võ mở tiệc mừng người con trai đậu cử nhân. Tân khách đông đảo trong đó có cụ Nguyễn Công Trứ. Chủ nhà xin Nguyễn Công một bài thơ làm kỷ niệm. Nhân thấy nơi rào trước nhà có cây vông bông đầy cả nhánh, Nguyễn Công liền ứng khẩu… tân khách đều tán thưởng.
Nói đoạn ông đồ hỏi: Thầy có chịu rằng hay chăng?
Ông Nguyễn đáp: Uy Viễn Tướng công là một đại gia văn chương, thơ ngài ai dám chê rằng dở. Nhưng "văn hoành công khí", như bài này, tứ tốt mà lời không được nhã cho lắm.
Ông đồ có ý bất mãn, hỏi:
- Đủ sức nhuận sắc chăng?
Ông Nguyễn cười:
- Gỗ tạp mà bào không trơn thì khó đánh láng, chớ gỗ trắc, gỗ mun thì có khó khăn gì.
Không đợi ông đồ yêu cầu, ông Nguyễn liền đọc:
Uổng sanh trong thế mấy thu đông
Cao lớn làm chi vông hỡi vông
Tài cán không già già khúc mắc
Ruột gan chẳng có có gai chông
Rường xoi cột xỉa không nên mặt
Giậu lỏng rào thưa phải lấy lòng
Mới biết cây nào sanh trái nấy
Ba xuân bớn lớn cũng đơn bông.
Ông đồ đứng lên tạ tội:
- Ai bảo lời thơ Bình Định cũng nặng và quê như giọng người Bình Định?
Đoạn xin cáo biệt vừa đi vừa ngâm:
Sông một dòng có khúc trong khúc đục
Người một miền có kẻ tục người thanh
Tiếng chuông đánh khẻ bên thành
Xa xôi chớ vội phẩm bình mà sai.
B.P (St) |