Trước đây, cứ đến vụ hè thu, tuy diện tích ruộng nhà tôi chẳng nhiều nhặn gì cho lắm nhưng cha tôi cũng nhín lại vài sào để cấy lúa nếp. Cha tôi cắc ca cắc củm gìn giữ cái giống nếp này. Ông bảo đó là nếp Huế, ngày xưa trồng để dâng vua nên gọi là nếp tiến, hạt tròn, dẻo và thơm lắm; tuy năng suất thấp nhưng giống nếp địa phương mình không thể nào ngon bằng; nấu xôi, gói bánh tét, làm bánh in… đều ngon, nhất là rang cốm thì ngon tuyệt. Năm nào cũng vậy, khi hạt nếp còn xanh nhưng đã mẩy lên, cơm nếp bên trong có màu trắng như sữa thì mẹ tôi ra đồng cắt về một ít bông lúa nếp để rang cốm ăn chơi. Bây giờ, đã vài chục năm tôi sống xa quê nhưng hương cốm quê nhà tưởng chừng như vẫn còn thơm ngát trong tôi. Có lẽ tôi chẳng thể nào quên được hạt cốm có màu xanh đến mơ màng, vừa giòn, vừa ngọt. Cái vị ngọt của hạt nếp non đầu mùa thật khó diễn tả, cứ đượm đượm trong cổ họng chứ không tan. Sau này, tôi cũng đã có dịp thưởng thức cốm làng Vòng nổi tiếng, nhưng với tôi thì nó không ngon bằng cốm quê mình, hương vị khác nhau và cách làm cũng khác.
Lâu lắm rồi, trong một lần đi công tác ở Huế, tôi gặp một cô gái gánh đôi bầu cốm nặng trĩu trên đôi vai gầy guộc. Nghe giọng nói nằng nặng, tôi biết ngay người quê mình. Tôi mua một gói cốm, mới biết rằng bây giờ quê mình còn sản xuất loại báng cốm làm bằng gạo, trộn với mật đường, tuy không ngon lắm nhưng cũng là món lạ miệng. Những ngày ở xứ Huế, chiều nào tôi cũng ngồi ở nhà khách số 2 Lê Lợi nhìn qua phía cầu Ga, nơi đó có mười mấy người phụ nữ - trung niên có, trẻ có - túm tụm nấu cơm, giặt giũ rồi lại gánh đôi bầu cốm tỏa đi khắp các ngõ đường khi đèn vừa bật sáng. Tự nhiên tôi thấy lòng mình nghèn nghẹn; dân quê mình thật chịu thương chịu khó và cũng còn vất vả quá. Rồi đi đến đâu tôi cũng gặp những bầu cốm quê mình, từ Lạng Sơn cho đến Đắc Lắc đến bến Ninh Kiều - Cần Thơ, đến tận đất mũi Cà Mau… Tôi còn nghe mấy người bà con nói rằng bầu cốm Bình Định còn đi đến tận Lào và Campuchia nữa kia…
Nhà tôi ở tận trong một con hẻm sâu của quận Phú Nhuận - thành phố Hồ Chí Minh, vài ngày lại có người gánh bầu cốm đi qua, lần nào tôi cũng mua một gói. Vợ tôi cứ cằn nhằn bảo mua chi mà lắm thế. Cô ấy là dân Nam bộ nên không biết rằng đôi bầu cốm kia thân thiết với tôi biết dường nào. Nghe tôi kể những kỷ niệm với quê hương mình, sau đó vợ tôi cũng mua cốm. Với những người xa quê như tôi, hình ảnh quê nhà cứ luôn đeo đẳng; và tôi chợt nghiệm ra rằng dù có đi đâu, ở đâu thì quê nhà vẫn là một nơi chốn bình yên nhất trong tận cùng sâu thẳm tâm hồn mình; cái câu nói cuống rốn chưa lìa ngẫm ra thật là sâu sắc!
Mỗi khi đưa các con về thăm quê nội, tôi thường cố ý chọn cái thời gian sau khi cây lúa nếp làm đòng (tôi xuất thân từ "dân gốc rạ" nên làm sao quên được cái thời điểm mùa vụ) để lũ trẻ có dịp được bà nội cho thưởng thức món cốm rang, giã trong chiếc cối đá Diêu Trì có tuổi gần cả trăm năm. Mà lạ, mấy đứa con tôi có vẻ không thích lắm, chỉ nhấm nháp vài hạt như để khỏi bỏ công bà nội rang cốm và ba nó xoay trần ra giã cốm. Chả bì với tôi hồi nhỏ, vốc nguyên cả hai tay rồi cho vào túi áo, ăn nhin nhín như sợ hương cốm bay đi mất. Lắm khi ngồi trong lớp học, thọc tay vào chiếc túi áo rỗng, chợt bắt gặp hạt cốm còn sót lại tự bao giờ, đã khô cứng, cũng lấy ra, cho vào miệng… Có lẽ vì vậy mà bao giờ hương cốm cũng ngan ngát trong tôi.
THÚY BÌNH
(Đường Thích Quảng Đức – TP Hồ Chí Minh)
|