Hội bài chòi ngày xuân ở Bình Định
17:0', 20/1/ 2004 (GMT+7)

Cứ mỗi độ xuân về, Tết đến, người dân Bình Định khắp vùng xuôi ngược lại có nhiều hội vui. Ở miền biển có múa bả trạo, hội đua ghe, hội cầu ngư... người đồng bằng có hát bộ, đấu võ dân tộc, đá gà; miền núi thì có phóng lao, hội cơm mới... Tất cả đều góp phần tạo nên nét đẹp riêng của một vùng đất vốn đã có nhiều truyền thống văn hóa đặc sắc. Đặc biệt Bình Định còn có một hội vui xuân không kém phần độc đáo, đó là hội bài chòi.

Xuất hiện từ lâu, Hội bài chòi là thú vui cho mọi người dân trong mùa Tết đến. Đây là một cuộc chơi bài, nhưng không phải các tụ điểm đỏ đen như ngày nay. Người chơi bài không ngồi trên nhà hay trên chiếu mà ngồi lên các chòi cất lên giữa bãi đất rộng. Vì đặc điểm này nên cuộc chơi gọi là Hội bài chòi.

Theo các cụ cao niên và nhiều tài liệu để lại thì Hội bài chòi xuất hiện trong thời kỳ mới di dân lập ấp. Từ việc tổ chức các chòi canh để bảo vệ sản xuất, nhân dân đã nghĩ ra trò chơi Hội bài chòi ngày nay. Từ 30 tháng Chạp cho đến rằm tháng Giêng, trên nhiều vùng của Bình Định và các tỉnh duyên hải miền Trung thường có Hội bài chòi. Các chòi cất lên từ 29 đến 30 Tết để bắt đầu chơi từ mồng một hoặc mồng hai Tết. Hội gồm có chín chòi, nằm ở vị trí hình chữ U. Hai dãy hai bên và một chòi nằm giữa nối liền hai dãy này. Chòi giữa là chòi trung ương nằm đối diện với người xem và được trang bị bằng chiếc trống chầu. Hình thức của chín chòi này giống như chòi canh rẫy, nhưng được trang hoàng đẹp đẽ và mỗi chòi đều có một cái mõ. Bộ bài chòi gồm 30 lá chia làm 3 pho: Pho văn, pho vạn và pho sách. Mỗi pho có một lá cầm đầu màu đỏ và chín lá kia toàn màu đen, có tên gọi từ nhất (một) đến cửu (chín). Pho văn có 10 lá gồm: cửu điều, nhứt nọc, nhì nghèo, tam quăn, tứ móc, ngũ trượt, lục chang, thất vung, bát bông, cửu chùa. Pho vạn gồm 10 lá với tên gọi là: ông ầm, nhứt trò, nhì bí, ba gà, tứ sách, ngũ đụm, sáu miễn, bảy liễu, tám miễn, chín cu. Và mười lá pho sách có tên là: thái tử, bạch huê, tráng hai, ba bụng, tứ tượng, ngũ rún, sáu hột, bảy thưa, tám hội, chín gối.

Tên gọi các lá bài chòi rất nôm na. Bên cạnh những số từ (nhất, nhị, tam...) của âm Hán Việt là những danh từ thuần Việt như: chín gối, ba bụng, sáu hột... tất cả đều đượm tính hội hè, vui nhộn và ý lực phồn thực của lẽ sinh tồn. Đó là tên gọi, còn hình vẽ trên những lá bài vừa mang tính biểu trưng bằng thủ pháp cách điệu, vừa có ý tả thực.

Chơi bài chòi còn có một người mang vai trò quan trọng là anh hiệu. Anh có nhiệm vụ chia bài đem đến cho các chòi, rút bài trong các ống và hô tên nó lên cho các chòi nghe để đánh bài và đem tiền và cơ giao cho các chòi thắng cuộc trong mỗi ván. Anh hiệu là người quản trò, điều khiển cuộc chơi, làm cho cuộc chơi luôn sôi động, hấp dẫn bằng tài ứng khẩu lời hô đầy ngẫu hứng về tên lá bài mà mình đợi để được "ăn". Chẳng hạn gặp lá bài bạch huê, anh ta hô:

Bốn mùa đông hạ xuân thu

Khi búp khi nở khi xù khi tươi

Chúa xuân ngó thấy mỉm cười

Sắc hay vương vấn mấy người tài danh

Có bông có cuốn không cành

Ở trong có nụ bốn vành có tua

Nhà dân cho chí nhà vua

Ai ai có của cũng mua để dành

Tử tôn do thứ nhi sanh

Bạch huê mỹ hiệu xin phành ra coi.

Gặp lá nhì nghèo thì: "Ngày thường thiếu áo thiếu cơm, đêm nằm không chiếu lấy rơm làm giường...". Gặp bài ba gà thì: "Đi đâu bỏ cửa bỏ nhà, bỏ ba ông táo cho gà nó bươi. Uớ ba gà!...". Người hô bài chòi luôn vận dụng ngôn ngữ dân gian khi nói đến những "kiêng kỵ" của người ta hoặc lối "đố tục giang thanh" hết sức lý thú.

Ngày xuân cầm những lá bài chòi với nhiều sắc màu đỏ tươi, sống hồi hộp vui vẻ với bà con làng xóm trong không khí hội hè chính là một nét đẹp truyền thống của người dân Bình Định. Cũng theo nhiều nhà nghiên cứu về kịch hát bài chòi thì từ hội chơi này đã nảy sinh nền kịch hát bài chòi ngày nay với nhiều làn điệu xuân nữ, xàng xê... làm đắm say biết bao thế hệ.

Năm 1999, ngành văn hóa thông tin tỉnh Bình Định và NSƯT Phan Ngạn đã tổ chức phục hồi lại hội đánh bài chòi ngày Tết bên cạnh ao sen chùa Thập Tháp, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, thu hút khá đông nhân dân tham gia. Hoạt động này được duy trì vài năm ở một số địa phương khác rồi cũng không tồn tại được.

Ngày nay, Hội bài chòi chỉ có trong ký ức của người cao niên. Giới trẻ hiếm người có thể hình dung được một nét văn hóa truyền thống ngày Tết không thể thiếu của ông cha. Hy vọng với phong trào "Bảo tồn và chấn hưng văn hóa dân tộc", Hội bài chòi sẽ được hồi sinh trên quê hương Bình Định đúng theo qui luật của tự nhiên và cái đẹp.

MAI THÌN

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Món "thưng" Bình Ðịnh   (19/01/2004)
Chùa cổ ở Bình Định   (18/01/2004)
Bức tranh thiên nhiên hoành tráng   (16/01/2004)
Nhớ cốm   (15/01/2004)
Xa xôi chớ vội phẩm bình mà sai  (14/01/2004)
Vua Quang Trung nhận lỗi trước dân  (13/01/2004)
Bánh tráng Bình Định  (12/01/2004)
Chùa Hang huyền bí  (11/01/2004)
Vài nét về ca dao, tục ngữ Chăm H'roi trong ngày cưới   (08/01/2004)
Những con đường hành quân của Quang Trung Nguyễn Huệ   (07/01/2004)
Đến Bok Tới nghe đàn Pơlơnkhơn  (06/01/2004)
Luật pháp nhà Tây Sơn   (04/01/2004)
Những tục lễ, Tết ở Bình Định   (02/01/2004)
Bình Định trong Đại Nam Nhất thống chí   (01/01/2004)
Chả cuốn Gò Bồi  (30/12/2003)