Đầu năm du lịch đất Tây Sơn
22:5', 21/1/ 2004 (GMT+7)

 

Lễ hội Đống Đa (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Hàng năm, cứ đến mùng 5 Tết âm lịch, hàng vạn người dân đất Bình Định và khách thập phương lại kéo về Tây Sơn, quê hương người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ để dự lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Đất Tây Sơn chẳng những là một vùng đất lịch sử mà còn là điểm du lịch văn hóa của cả nước.

Nằm trên quốc lộ 19, cách Quy Nhơn về phía tây hơn 40 km, mảnh đất Tây Sơn từng là ngọn nguồn của một triều đại thịnh trị, nhiều vẻ vang trong lịch sử dân tộc. Những di tích của phong trào Tây Sơn, của Mai Xuân Thưởng hoặc của cả thời kỳ kháng chiến hào hùng cho độc lập tự do của dân tộc vẫn lặng lẽ hiên ngang, mặc cho thời gian phủ lớp hoang phai. Cây me vẫn đứng đó, bến trầu vẫn còn đây, và người dân Bình Định không thể nào quên được câu ca đã đi vào truyền thuyết:

Cây me cũ, Bến Trầu xưa

Không nên tình nghĩa thì cũng đón đưa cho trọn niềm...

Dự lễ hội Đống Đa, du khách thường sẽ được thưởng thức 3 hồi trống trận Quang Trung do một cô gái đánh bằng 12 chiếc trống trong sắc phục thời Tây Sơn. Hòa cùng tiếng trống rộn rã là những đường võ cổ truyền đẹp và chắc do các môn sinh giỏi nhất đất Tây Sơn biểu diễn. Không khí gợi lại cả một thời kỳ hào hùng chinh Nam phạt Bắc của vị anh hùng áo vải. Khi đến từ đường Bùi Thị Xuân, hoặc ghé thăm vườn Dinh, Trường Võ... hình ảnh bà đô đốc:

Hoa đào đôi má thắm tươi

Lưng cài song kiếm tay thời cầm thương

Rúc còi, thét vỡ màn sương

Một đoàn chiến tượng thẳng đường xông pha

như lại hiện về trong bóng lá tươi xanh và mùi khói hương nghi ngút. Trường võ là trường tập của Bùi Thị Xuân nằm trên một khu đất cao, rộng gần hai mẫu. Nơi đây nữ đô đốc Bùi Thị Xuân đã tập luyện hàng đoàn chiến tượng, tạo sự kinh hoàng cho quân giặc vào mùa xuân năm Kỷ Dậu.

Ngược về thượng nguồn sông Kôn là lăng mộ Mai Xuân Thưởng nằm uy nghi trên đồi cao, vững chãi và trầm mặc như khí tiết vị anh hùng kháng Pháp họ Mai.

Ngó vô Linh Đổng mây mờ

Nhớ Mai nguyên soái dựng cờ đánh Tây

Hầm Hô cử nước còn đây

Khí thiêng đất nước, nơi này vẫn thiêng

(Ca dao Bình Định)

Vào sâu theo đường núi, chúng ta sẽ được tận hưởng một phong cảnh tuyệt vời của khu du lịch Hầm Hô. Với đá núi mấp mô và dòng suối trong vắt cùng những hang nông, nhiều hình nhiều vẻ, khí hậu mát lành, Hầm Hô là điểm du lịch độc đáo cho nam thanh nữ tú. Vào những mùa trăng thuận lợi, đây còn là điểm dã ngoại của nhiều câu lạc bộ văn nghệ và anh chị em văn nghệ sĩ trong tỉnh. Không khí, trăng sao thanh ảo và biết bao huyền thoại về các võ tướng Tây Sơn đã trở thành nguồn cảm tác cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ Bình Định.

Rời Hầm Hô, chúng ta về khu di tích Gò Lăng ở thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, Tây Sơn. Đây là vườn nhà cũ của ông bà Hồ Phi Phúc, thân sinh ba anh em Tây Sơn. Gần đấy, dưới chân núi ngang có hai hố huyệt là dấu tích mộ của cha mẹ Nguyễn Huệ bị vua quan nhà Nguyễn quật phá vào đầu thế kỷ 19.

Trên đường về thị trấn Phú Phong, qua cần Kiên Mỹ, dọc sông Kôn về phía đông 500m là di tích bến Trường Trầu, nơi gắn liền với hoạt động sông nước của ba anh em Tây Sơn. Nguyễn Nhạc, với tên gọi anh Hai Trầu trên chiếc đò nan, dọc ngang sông nước để mua bán trầu cau và tuyển mộ binh sĩ giữa hai miền Kinh - Thượng. Chính cuộc sống lênh đênh sông nước, cảnh hùng vĩ của núi sông đã tạo nhiều thuận lợi cho ba anh em Tây Sơn trong việc chiêu binh dấy nghĩa, tạo dựng cơ nghiệp sau này.

Sau khi thăm thú các di tích đất Tây Sơn, trên đường về lại Quy Nhơn qua đường 19, du khách có thể ghé thăm thành Cha ở địa phận xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn. Thành Cha là kinh đô của vương quốc Champa trong các thế kỷ 11-13, di tích này vừa được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Nơi đây còn nhiều địa danh gắn liền với đời sống xã hội của cả một triều đại, như: Khu trường võ An Thành, khu Gò Gạch, Bàu Thi, Bàu Rục, Bàu Tròn, Gò Cây Me…

Có thể nói, mỗi miền du lịch ở Tây Sơn là một chứng tích lịch sử hào hùng của dân tộc. Chỉ có tận mắt chứng kiến mới thấy hết vẻ đẹp hùng vĩ, cảm nhận được thế núi thế sông và những cảnh trí tuyệt vời mà thiên nhiên đã tạo nên cho quê hương người anh hùng áo vải.

MAI THÌN

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hội bài chòi ngày xuân ở Bình Định  (20/01/2004)
Món "thưng" Bình Ðịnh   (19/01/2004)
Chùa cổ ở Bình Định   (18/01/2004)
Bức tranh thiên nhiên hoành tráng   (16/01/2004)
Nhớ cốm   (15/01/2004)
Xa xôi chớ vội phẩm bình mà sai  (14/01/2004)
Vua Quang Trung nhận lỗi trước dân  (13/01/2004)
Bánh tráng Bình Định  (12/01/2004)
Chùa Hang huyền bí  (11/01/2004)
Vài nét về ca dao, tục ngữ Chăm H'roi trong ngày cưới   (08/01/2004)
Những con đường hành quân của Quang Trung Nguyễn Huệ   (07/01/2004)
Đến Bok Tới nghe đàn Pơlơnkhơn  (06/01/2004)
Luật pháp nhà Tây Sơn   (04/01/2004)
Những tục lễ, Tết ở Bình Định   (02/01/2004)
Bình Định trong Đại Nam Nhất thống chí   (01/01/2004)