Hằng năm ngư dân vùng biển Bình Định có rất nhiều lễ cúng, nhằm mục đích cầu quốc thái dân an, ra khơi vào lộng bình yên vô sự, thuyền cao sõng thấp cá về đầy khoang, đi khơi gặp đống, đi lộng gặp tía, cầu trời êm biển lặng để mọi người trong ao bổ lưới, ngoài dời giăng câu, ngày lặng nhiều hơn ngày động gió, lốc tan mau để ngư dân bám biển.
|
Thuyền neo trên đầm Đống Đa, Quy Nhơn (ảnh: Cát Hùng) |
Cũng như nông dân, họ cầu trời mưa thuận gió hòa, đồng xanh lúa tốt, được mùa quanh năm để cuộc sống ấm no hạnh phúc. Vì vậy các lễ cúng của bà con ngư dân ngày xưa rất đa dạng. Khi được thì cúng mừng, khi mất thì cúng cầu. Và đây cũng là đặc trưng của người làm cá trên biển khơi của cả ngư dân khắp nước. Họ quan niệm đây là cái nghề "sống ở dương gian làm nghề hà bá (âm phủ)" thường là nó không theo ý muốn và hành xử của con người. Sự rủi may cũng không nằm trong tầm tay con người, cho nên họ tin vào hên xui, thời vận và việc đó (họ nghĩ) có một mãnh lực vô hình sắp đặt ban cho.
Những lễ cúng nầy được cụ thể hóa sau đây:
* Lễ giỗ ông ở lăng vạn:
Ở biển, mỗi loại nghề hay vạn nghề đều có một lăng vạn (ví dụ: lăng vạn nghề lưới cao, nghề mành chà, nghề lưới chuồn...). Lăng vạn vừa là nơi nhóm họp trụ sở của các loại nghề, vừa là nơi thờ tự Ông Nam Hải và các vị thần phù giúp cho nghề đi biển. Vạn nào, làng nghề nào được cá Ông vào chết (tức Ông Lỵ) thì vạn ấy được ưu tiên tổ chức chôn cất và cúng giỗ vào ngày ấy theo lịch giỗ hàng năm. Có vạn làm ăn khá giả ngày giỗ Ông, ngoài chinh, cổ, nhã, nhạn còn có văn tế, có chánh tế và bầu tế, bốn học trò gia lễ cúc cung dâng hương, hoa, trà, tửu. Và cũng ngày này, có vạn rước đoàn chèo bá trạo, hay hát bội hát vài ba lớp tuồng, trước là cầu ngư hầu thần, sau đem lại sự vui vẻ, an lạc trong bổn vạn. Họ quan niệm, năm nào có hát có chèo bổn vạn, làng xóm mới trù phú, thanh bình, nhà nhà vui vẻ, người người ấm no.
* Lễ cúng xuống nghề đầu năm hay đầu mùa:
Các loại nghề, cuối năm hoặc mãn mùa năm qua, nay đã chỉnh trang sửa soạn xuống nước ra quân cho vụ mùa tới, lưới được giặt sạch nhuộm kỹ, xem ngày giờ đại lợi (tốt) chở xuống nghe, để ngày sau khởi sự đi làm. Thế thì chiều hôm trước, người ta biện một lễ cúng thật tươm tất, chủ thuyền là chủ lễ. Trong lễ cúng nầy có hai mâm cúng, một để cúng Bà Thủy, thường là bình bông đĩa quả, đĩa bánh, bốn chén chè, một đĩa xôi, một con gà giò luộc ở độ vùa chín (để sau cúng cắt riêng bộ giò đem biếu thầy đón thời vận), một xị rượu trắng, tất cả mâm cúng nầy được đặt trước mũi thuyền. Một mâm nữa được đặt ở giữa thuyền để cúng Quý Bác là những người đi biển chết sóng, chết gió, vì thiên tai nghề biển, bị mất hình, mất xác trôi sông lạc biển mời họ về thọ lễ cúng và phù hộ cho bổn chủ và đồng nghiệp được bình an, may mắn trong mùa vụ sắp ra quân. Lễ cúng thường là cặp gà trống luộc, thịt heo, chè xôi, bánh trái và không thiếu hương, hoa, trà rượu. Có chủ nghề cúng bộ thủ, vĩ heo (gồm đầu, nọng, bốn chân và đuôi heo). Cúng xong người chủ lễ lấy một cành bông nhỏ nhúng vào ly rượu cúng Bà rảy khắp cả ghe nghề, còn lại tưới trên sỏ mũi, để tẩy uế trước giờ ra khơi. Tất cả anh em chủ bạn cùng đi làm trên ghe xúm lại bày dọn và cùng nhau thụ tàn vui vẻ. Và sau đó phương án ăn làm cùng với cách chia chác được bàn kỹ để mọi người thuận thảo cho mùa làm ăn đi vào nề nếp.
* Lễ cúng tạ:
Sau một mùa biển, dù thế nào, hoặc những chuyến biển đạt nhiều kết quả, hoặc gặp sự khó khăn do trời biển gây nên mà họ về lại bến bờ an toàn, đều có lễ cúng tạ ông bà ngoài biển cùng các vong hồn uổng tử phù hộ. Nên lễ này thường cúng cả con gỏi (tức trọn một con heo). Sau cúng, họ sẽ mời những bạn đồng nghiệp ân nhân và bà con hàng xóm đến chia vui, chúc mừng.
* Cúng mở biển:
Thường thì trong thời gian trời động gió, dân biển phải nghỉ biển nhiều ngày, hoặc nghỉ vì trăng sáng quá (khoảng 12-19 âm lịch hàng tháng). Những ngày nghỉ này cũng là những ngày lo tu bổ lưới chài, sơn sửa ghe thuyền, để chuẩn bị tối trời lại ra khơi, nên ngày ra đi cũng lo làm lễ cúng mở biển đơn giản trước khi ra cửa biển.
Lễ cúng gồm có hương hoa, trầm trà, rượu, 2 con gà giò luộc, chè, xôi, y áo, vàng bạc, giấy tiền (đồ vàng mã). Hai con gà luộc, một để cúng bà thủy, một để cúng bà mộc (ghe thuyền), cúng xong mới lấy neo khởi hành.
Các điều kiêng kị khi mở biển như: mọi việc phải làm thông suốt, không để quên và vướng vấp điều gì, không để một ghe xuồng nào khác chạy qua mũi, nhất là ghe đò, tránh nói những từ bất lành như: lỗ, hao, mất, tuốt; không lo âu buồn bã và khi neo lần đầu phải neo cho ăn chắc một một lần là được.
* Lễ cúng nhuộm lưới và sương lưới:
Sau khi từ những thớt lưới lẻ tẻ kết lại đã thành vàn lưới, mành, có thể đưa ra biển đánh bắt, được người ta gọi là sương lưới. Trong việc nhuộm và sương lưới, ngư dân thường chọn ngày tốt, tránh các ngày sát chủ, đại hao, phục đoạn, tam nương. Tối kị những người có tang và mang khăn tang. Và cũng như sau khi đã nhuộm xong một vàn lưới hay vàn mành, người ta thường tổ chức lễ cúng tạ để mừng, coi như hoàn thành một công việc lớn (khánh thành). Sau đó, những người có công giúp việc cùng chung vui hầu tàn. Vật cúng, ngoài hương hoa, trà rượu ra, có đầu heo, chè xôi, bánh, trái cây, còn có con gà giò luộc để sau khi cúng đem bộ giò ra thầy đoán những điều báo trước.
* Lễ cúng dựng sỏ ghe:
Khi đóng ghe thuyền đi làm biển, quan trọng nhất là chọn ngày giờ dựng sỏ, cũng như khi làm nhà thì ngày giờ gác đòn dông rất quan trọng vậy. Người chủ ngoài việc chuẩn bị mọi thứ cho việc đóng ghe, còn phải đến tìm thầy xem chọn ngày giờ, để dựng sỏ ghe, rồi sau đó mọi việc mới tiếp tục làm. Ngày dựng sỏ còn tính đến hai ngày tối tối kị của nghề biển là: long thần hành và bát phong. Vật phẩm để cúng thì đơn giản, chỉ có hương hoa, trà qua, bình rượu trắng, bộ y áo cúng bà mộc. Người thợ cả, không vướng vào việc tang chế, được chít khăn đỏ trên đầu, cầm rìu vạt miếng dăm đầu tiên trên cây sỏ, đúng vào giờ trong ngày đã quy định. Khi sỏ được dựng, trên đầu sỏ được phủ tấm vải đỏ cột chặt cho đến khi xong ghe.
* Lễ cúng mừng ghe (hay lễ hạ thuyền):
Khi ghe thuyền đóng xong, chủ ghe chọn ngày giờ đẩy xuống nước, và ngày ấy cũng là ngày làm lễ cúng mừng ghe mới (khánh thành). Lễ này rườm rà hơn vì phải trước cúng cô bác đã phù hộ, gọi là trả lễ, sau nhờ bà con trong làng xóm giúp đẩy với chủ để đưa ghe xuống nước, nên có hai món phải sắm hơi nhiều là: thịt và rượu. Mâm cỗ càng lớn thì lực đẩy càng mạnh, nên người đóng ghe lớn rất quan tâm đến điều ấy. Lễ cúng này ngày trước người ta đốt rất nhiều pháo, và khi pháo nổ càng giòn giã là sức đẩy càng mạnh, và mọi người vui mừng khen ngợi chủ thuyền gặp nhiều sự may mắn.
* Lễ cúng bãi:
Lễ cúng này thường tổ chức vào cuối vụ mùa, cho dù làm ăn trong mùa có khấm khá hay thất thu, người ta cũng lo cỗ cúng trên bãi biển, nơi mà họ thường làm chỗ sương lưới, nhuộm lưới và phơi lưới hằng ngày. Đây là lẽ cúng để trả lễ các cô hồn các đẳng là những người đã chết vì tai trời ách nước ngoài biển, có người không còn thây xác về lại quê nhà, rất linh, nên khi có chuyện gì cầu khẩn, dân biển đều van vái các vị này. Tùy theo sự thu nhập trong vụ mùa mà lễ cúng nhiều hay ít. Nếu thu nhập khá thì cỗ cúng có cả heo luộc chín và làm các món, chỉ luộc để nguyên bộ thủ vĩ (đầu đuôi và 4 chân). Còn thu hoạch vừa thì đôi ba chú gà và ít thịt heo (và cũng tùy theo giàn bạn đông hay ít). Và thu nhập thấp thì cũng có khi ngồi bãi với người ta bằng cỗ cúng đơn giản với hương hoa, trà quả, chè xanh.
Hằng năm, các loại nghề đều cúng vào thời điểm cuối mùa, khi trời bắt đầu trở gió, dân biển chỉ ngồi nhà ngó ra ngoài khơi mà thôi.
Điều cần nói thêm là các lễ cúng của ngư dân vùng biển Bình Định đều không sử dụng phụ nữ trong các việc nấu nướng, sắp dọn và ăn uống, trừ trường hợp đồ nấu ấy nấu tại nhà, nhưng đến khi bưng gánh xuống ghe thuyền thì cũng phải đàn ông lo hết các việc.
. Trần Xuân Toàn |