Quá đỉnh đèo Vĩnh Hội một chút, bên phải đường từ Cát Tiến ra Cát Hải (huyện Phù Cát), dễ dàng nhìn thấy một đống đá chừng 20m3 vun như cái mả (mộ) bằng thứ đá dăm, đá cuội trông nổi bật trên nền cát và những tảng đá lớn chung quanh. Người Cát Hải gọi là mả ông Ầm, dân Cát Tiến kêu mả ông Năm. Khác nhau tên gọi nhưng đã có một ông trong sự kính ngưỡng dân gian, ít nhất là niềm tin có tác dụng về mặt tâm lý truyền đời trên vùng đất khổ nghèo này.
Cát Hải nằm giữa 3 đèo Vĩnh Hội, Tân Thanh và Chánh Oai, lưng giáp núi Bà, trước mặt là biển - bãi ngang chứ không có cửa, rất khó làm nghề. Đất bạc màu và mênh mông cồn cát. Một người con Cát Hải, nhà thơ Khổng Vĩnh Nguyên từng viết rất xúc động về làng cõng ba đèo gió cát, hoặc hai câu thơ rất khái quát về đời sống vùng đất diện 135: Nắng nung rẫy cát khoai sùng/ Con ăn lót dạ một vùng quê hương. Những củ khoai nghèo này vừa ăn thay cơm, vừa được gánh ra chợ Đồng Lâm (Cát Khánh) hoặc chợ Kẻ Thử (Cát Tiến) bán đổi lấy túm mắm, bó rau đem về trên chang chang cát rang.
Đèo Vĩnh Hội phía Cát Hải là động cát dài ngút hơi mới lên tới đỉnh, đi không đã khó huống gì gánh củ trên vai. Chẳng biết tự bao giờ, người dân nơi đây truyền nhau "phép" vượt đèo: cầm một hòn đá nhỏ vừa đi vừa khấn: Đau lưng tức cổ/ Tui đổ cho ông Ầm!, tới đỉnh ném hòn đá vào mả ông Ầm mà vun cao đến bây giờ. Ông Ầm thành nghĩa bóng trong dân gian chỉ sự nặng nề, mệt mỏi. Và ai cũng thấy nếu đổ cho ông Ầm thì chuyện vượt đèo hóa ra nhẹ nhàng hơn.
Đèo Vĩnh Hội phía Cát Tiến là đất sỏi và đá. Người bên này gọi đống đá là mả ông Năm, một ông không cha mẹ, đói chết ở đây. Ông Năm rất thiêng, ai đi qua cũng đắp cho ông một hòn đá, khấn ông phù hộ mua may bán đắt. Những hòn đá to như quyển vở chắc là được dân chạy chợ gánh đắp xen lẫn những hòn cuội cầm tay, những hòn đá của ước vọng vượt khó, thoát nghèo.
Đã bao nhiêu "gánh càn khôn" qua lại đoạn đèo này cùng với bao nhiêu hòn đá khấn nguyện mà làm nên cái mả to ngần ấy? Bao nhiêu cuộc đời gió cát bay đi vô tăm tích, bao nhiêu số phận đổi thay? Những thế hệ rồi chồng lấp phôi pha cùng tuế nguyệt chỉ mả ông Ầm còn lại bên đường ta đi qua như một lời nhắc nhở, rằng: kiếp người thì mỏng manh nhưng nghìn giọt mưu sinh lại làm nên biển mặn, ngoài kia…
Giờ thì con đường khổ ải ngày xưa đã là đường nhựa láng coóng, con đường rất quan trọng này vừa được trung ương công nhận là tỉnh lộ 639. Ngoại trừ yếu tố quốc phòng, giao thông, con đường đã nối vùng đất khổ nghèo này vào bản đồ du lịch trọng điểm của tỉnh. Đã có quy hoạch tổng thể và những địa danh Trung Lương, Vĩnh Hội, Tân Thanh… sẽ trở thành những cái tên sang trọng mươi, mười lăm năm nữa.
Con đường nhựa may đã không ủi mả ông Ầm. Dù gì thì tương lai xán lạn sau này cũng còn lưu giữ một dấu tích phép thắng lợi tâm lý, khát vọng thoát khỏi cực nhọc khổ nghèo của người dân nơi đây. Và chắc rằng, mả ông Ầm cũng đem lại một chút thích thú cho du khách.
. Lê Hoài Lương |