Trang phục người Bình Định xưa
10:55', 26/10/ 2004 (GMT+7)

Nói về trang phục của người Đàng Trong, bao gồm cả Bình Định, một nhà truyền giáo phương Tây tên là Borri, từng đến vùng Nước Mặn (nay là xã Phước Quang - Tuy Phước) vào thế kỷ thứ 16-17 đã chép:

"... Về nữ, trong cách mặc không để lộ một phần nào trong thân thể, ngay cả trong mùa nóng nực nhất. Họ mặc tới năm hay sáu váy lục trơn, cái nọ chồng lên cái kia và tất cả có màu sắc khác nhau, cái thứ nhất phủ dài xuống chấm đất, khi đi họ kéo lên rất trịnh trọng, khéo léo và uy nghiêm đến nỗi không thấy đầu ngón chân. Sau đó là cái thứ hai ngắn hơn cái thứ nhất chừng bốn hay năm đốt ngón tay, rồi cái thứ ba ngắn hơn cái thứ hai và cứ thế cho đến cái còn lại, cái nọ ngắn hơn cái kia theo cùng tỉ lệ để cho màu sắc đều được phô bày trong sự khác biệt của mỗi tấm. Đó là thứ phái nữ mặc từ thắt lưng xuống bên dưới. Còn trên thân mình thì họ khoác vắt chéo như bàn cờ với nhiều màu sắc khác nhau, phủ lên trên là một tấm voan rất mịn và mỏng cho người ta nhìn thấy tất cả màu sắc sặc sỡ chẳng khác mùa xuân vui tươi và duyên dáng, nhưng không kém trịnh trọng giản dị.

... Đàn ông thì không nai nịt, nhưng quàng cả một tấm, rồi cũng thêm năm hay sáu áo dài và rộng. Tất cả đều bằng lụa màu sắc khác nhau với áo tay rộng và dài như ống tay các tu sĩ Biển Đức. Còn từ thắt lưng trở xuống đều sắp đặt các màu sắc rất khéo và đẹp. Thế nên khi ra phố thì họ phô trương màu sắc hài hòa, nếu có gió nhẹ thổi từ bên trong làm tung bay thì thực ra có thể nói là những con công xoay tròn khoe màu sắc đẹp của mình.

Các văn nhân và tiến sĩ ăn mặc trịnh trọng hơn, không màu mè lòe loẹt. Họ choàng lên trên tất cả một áo dài đen. Họ còn khoác một thứ khăn quấn cổ và cổ tay một khăn bằng lụa màu da trời, còn đầu thì thường đội một thứ mũ kiểu như mũ giám mục. Cả đàn ông, đàn bà đều ưa cầm quạt rất giống như châu Âu. Họ cầm là cầm lấy lệ thôi. Người châu Âu khi để tang thì mặc đồ đen, còn họ thì dùng màu trắng...".

Đối sánh với tư liệu mà chúng tôi tìm thấy trong một số ngôi mộ cổ khai quật năm 1986 tại các xã Cát Hanh và Cát Hưng - Phù Cát có niên đại vào thế kỷ 17-18 thì những ghi chép trên của Borri là khá chân thực. Người Bình Định giai đoạn này, đàn ông mặc áo tay thụng 6-7 lớp, quần dây rút ngắn ngang gối, đầu đội khăn chít hình chữ nhân màu đen, đàn bà mặc áo dài cổ thấp, ống tay bó, đi guốc quai dọc mũi cong hình thuyền.

. TS. Đinh Bá Hòa

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mả ông Ầm  (25/10/2004)
Tháp Đôi Quy Nhơn   (24/10/2004)
Các lễ cúng của ngư dân vùng biển Bình Định  (18/10/2004)
Đôi điều tản mạn về "Chàng trai Bình Định"   (15/10/2004)
Suối Vàng Hoài Sơn   (14/10/2004)
Nhà lá mái của người An Nhơn  (10/10/2004)
Chùa Linh Phong   (08/10/2004)
Thuyền nguồn   (07/10/2004)
Núi Ông Bình, núi Ông Nhạc  (06/10/2004)
Văn hóa uống của người Bình Định   (05/10/2004)
Làng nghề làm bánh tráng mì chợ Cát   (04/10/2004)
Làng gốm Nhạn Tháp   (01/10/2004)
Quê hương anh hùng Ngô Mây   (29/09/2004)
Nhóm tháp vua Vijaya ở Bình Định   (28/09/2004)
Bí ẩn Hố Giang   (24/09/2004)