Bắt chuột đồng mùa lụt
15:54', 26/10/ 2004 (GMT+7)

Thường vào đầu tháng 9 âm lịch, quê tôi, một vùng thuộc duyên hải miền Trung, chính thức bước vào mùa mưa lụt. Vốn nằm trong vùng hạ lưu sông Côn, nên chỉ cần một vài ngày mưa ròng rã là nước nguồn đã đổ về dâng lên ngập trắng xóa các cánh đồng.

Những hạt lúa vụ ba vừa thu hoạch xong chưa kịp phơi còn đổ đống trong góc nhà, những người nông dân lại lo đối phó với lũ lụt. Dù lo, nhưng hạt lúa đã đem được về nhà nên mọi người có phần an tâm.

Riêng lũ trẻ chúng tôi vô tư, nên lụt về đôi khi là niềm hứng khởi. Nhìn cánh đồng mới hôm nào còn trơ gốc rạ, nay đã mênh mông một màu nước bạc trắng xóa. Nổi lên giữa đồng chỉ còn vài dãy gò cao, nhiều bụi cây, dứa dại còn nhỏm  phần đọt. Đó là nơi quần tụ những "cư dân đồng ruộng" như chim chóc, chuột, bọ, rắn, rít… Đây cũng là thời điểm mà nông dân dễ dàng tiêu diệt lũ chuột nhất, vì chúng không còn con đường nào để thoát thân. Những chiếc sõng nan từ lâu gác trên mái chuồng bò nay được hạ xuống, vài ba người vào một sõng và mang theo gậy để thọc, dẹp, đụt để bắt chuột.

Trời vẫn mưa nặng hạt. Những chiếc sõng chông chênh bao vây khu gò. Những chú rắn lãi, có khi gặp cả mai gầm đã no chuột lượn lờ trông phát sợ. Nhưng may là khi gặp người chúng cũng lo vọt xuống nước mất hút. Còn lại trong các bờ bụi là lũ chuột sau một đêm chống chọi với nước lũ, may mắn bám được vào gò tưởng thoát chết, nào ngờ còn có đội quân người. Những chiếc dẹp được đơm vào các khe bụi ở đầu phía này gò và mọi người kéo nhau về phía đầu kia gò đập tới. Vừa đập vừa la làm cho chuột mẹ, chuột con thi nhau chạy về phía dẹp. Thường ngày, thấy bóng người là chuột nhanh chân chạy biến, nhưng bây giờ thì chúng hết đường…, nên có con cũng không còn biết sợ là gì, chạy quẩn vào chân người. Có con nhảy tõm xuống nước chắc chắn sẽ làm mồi cho cá.

Sau một hồi bị con người truy kích, tất cả lũ chuột đều đã chui tọt vô dẹp. Một vài con chuột "cả" đang ra sức cắn nan dẹp để chui ra, nhưng không kịp nữa rồi. Những dẹp chuột đầy nhóc được đem ra và từng tên chuột bị "thi hành án tử hình" tại chỗ. Năm bảy trăm con phải đền tội sau những ngày tháng đã tung hoành cắn phá đồng ruộng. Mọi người hả hê nhìn đống chuột, vì chưa bao giờ lũ chuột tinh quái bị trừng trị như thế này, và không quên chọn những chú chuột choai mập mướt để đem về làm món chuột đồng khoái khẩu.

Nói về món chuột đồng không phải ai cũng ăn được, nhưng ai đã một lần nếm thì biết được thịt chuột ngon không thua kém các loài thịt động vật khác. Với một vài người là món có thể ăn thường xuyên được, nếu chịu khó ra đồng bắt chuột. Chuột đồng khác với chuột nhà là chúng chỉ sống ngoài đồng ruộng và ăn các mồi sạch như lúa, bắp, cây cỏ…, nên không có gì đáng ngại lắm. Hơn nữa, khi làm thịt chuột đồng tốt nhất là nên đốt lửa thui cho cháy hết lông và lột da, làm sạch bộ lòng và cắt bỏ phần mỏ. Các công đoạn cần làm sạch sẽ để không rửa lại bằng nước lạnh (dễ bay mùi chuột). Chuột làm xong hiện ra màu thịt trắng đỏ như thịt gà, người nào dạn miệng cứ để nguyên con đem ướp gia vị (dầu phộng, nước mắm, ớt, tỏi, hành tiêu…) sau đó gói trong lá lốt, hoặc lá chanh và kẹp vỉ nướng trên bếp than hồng, mùi thơm sực nức. Ngồi nhậu chuột nướng với rượu Bầu Đá, nhìn ra cánh đồng mênh mang mùa nước lũ cũng là cái thú của dân đồng ruộng lúc cơn lũ lụt, mưa gió phập phồng, chợ xa thịt cá đắt đỏ. Còn với người vốn sợ chuột, không muốn nhìn con chuột còn nguyên hình dạng chui vô miệng mình, thì khi chuột làm xong đem bằm nhuyễn, sau đó khử dầu xào, cho gia vị và chuối chát cây xắt nhỏ, thêm lá lốt… sẽ được món xáo chuột đồng xúc ăn với bánh tráng nướng vừa cay, vừa ngon.

Chuột là loài phá hoại đồng ruộng, bà con nông dân có nhiều cách diệt chuột: đào hang, hun khói, đặt bẫy, bả; nhưng lợi dụng lũ lụt để tiêu diệt chuột là cách làm hiệu quả. Vì vậy, ở quê tôi năm nào có mưa lụt lớn thì đến vụ sản xuất đông-xuân lũ chuột giảm hẳn. Đó là chưa kể món thịt chuột nướng thơm lừng, ly rượu Bầu Đá ấm lòng dân nhậu miệt đồng mà không phải nơi nào và lúc nào cũng có…

. Thanh Trúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trang phục người Bình Định xưa  (26/10/2004)
Mả ông Ầm  (25/10/2004)
Tháp Đôi Quy Nhơn   (24/10/2004)
Các lễ cúng của ngư dân vùng biển Bình Định  (18/10/2004)
Đôi điều tản mạn về "Chàng trai Bình Định"   (15/10/2004)
Suối Vàng Hoài Sơn   (14/10/2004)
Nhà lá mái của người An Nhơn  (10/10/2004)
Chùa Linh Phong   (08/10/2004)
Thuyền nguồn   (07/10/2004)
Núi Ông Bình, núi Ông Nhạc  (06/10/2004)
Văn hóa uống của người Bình Định   (05/10/2004)
Làng nghề làm bánh tráng mì chợ Cát   (04/10/2004)
Làng gốm Nhạn Tháp   (01/10/2004)
Quê hương anh hùng Ngô Mây   (29/09/2004)
Nhóm tháp vua Vijaya ở Bình Định   (28/09/2004)