Phụng Sơn kỳ thú
16:45', 27/10/ 2004 (GMT+7)

Núi Phụng thuộc thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Theo hướng đông - đông bắc đi lên thì từ núi Huỳnh Mai thuộc xã Phước Lộc, quê hương và cũng là nơi cụ Đào yên nghỉ, kế tiếp là Kỳ Sơn (hoặc núi Kiều Ngựa) rồi đến Phụng Sơn.

Trên núi Phụng Sơn có nhiều cảnh lạ và di tích, chẳng hạn như có hố chiêng, hố trống mà tại đó, trong lòng suối khô cạn có những viên đá khi đánh lên có tiếng kêu vang như tiếng chiêng, tiếng trống.

Thủa xa xưa, cách nay chắc cũng vài nghìn năm, vùng này còn là biển thì Huỳnh Mai, Kỳ Sơn, Phụng Sơn là những hòn đảo. Bởi thế, trên Phụng Sơn có mỏm "cột đầu lại", tức là mỏm đá để cột tàu thuyền ở phía bắc núi. Nơi đây, hồi giữa thế kỷ XX, người ta còn tìm được đầu một chiếc mỏ neo đã bị rỉ sét. Phụng Sơn có động đá, đá dựng đứng thành hình bán nguyệt, ở giữa có một tấm phản đá phẳng lì, nhẵn bóng. Các cụ truyền lại rằng nơi ấy là các "vua cờ" Đế Thiên - Đế Thích thường xuống ngồi đánh cờ với nhau. Trên núi còn có cụm "đá phụng nằm ấp", là hình con chim phượng nằm ấp trứng. Cụm "đá mũi dao" mang hình mũi con dao nhọn. Rồi là cụm đá "Ông Táo". Đặc biệt là cụm "Đá Nhà", tức cụm đá giống hệt như bàn thờ Thần Mặt Trời của người nguyên thủy, mà danh từ khảo cổ gọi là "đôn măn". Nếu đúng là một "đôn măn" thì nơi này thời nguyên thủy đã có người cư trú.

Giữa núi Phụng Sơn có một thung lũng cỏ mọc xanh mượt, rộng khoảng vài mẫu, gọi là Hưng Ông Nhu, cũng có tên Tạm Thương từng được dùng làm nơi dự trữ lương thảo của nghĩa quân Tây Sơn và nghĩa quân Mai Xuân Thưởng. Gần đó có mộ của ông Trúc Khê Nguyễn Thế Hiển, một nhân sĩ có công bỏ ruộng nhà ra vận động các hào phú đóng góp quĩ Nghĩa thương (như quĩ Vì người nghèo bây giờ). Mộ xây cạnh con suối có rất nhiều trúc mọc xanh tốt, đúng như bút hiệu của ông.

Đá núi Phụng Sơn là loại đá hoa cương nên rất có giá trị kinh tế. Bây giờ, người ta khai thác đá làm hàng xuất khẩu tràn lan mà không có ai can thiệp nên nhiều cảnh đẹp đã bị xâm hại. Chẳng hạn như mộ mẹ của nhà nghiên cứu Mịch Quang bị bắn đá sụp. Mỏm đá "cột đầu lại" và mỏ neo rỉ đã bị biến mất v.v… Đã đến lúc chính quyền các cấp và các ngành chức năng cần quan tâm đặc biệt đến Phụng Sơn cùng những di tích, thắng cảnh ở đây, đừng để một nơi kỳ thú như Phụng Sơn bị "biến mất" trong một ngày không xa.

. Thục Chương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bắt chuột đồng mùa lụt  (26/10/2004)
Trang phục người Bình Định xưa  (26/10/2004)
Mả ông Ầm  (25/10/2004)
Tháp Đôi Quy Nhơn   (24/10/2004)
Các lễ cúng của ngư dân vùng biển Bình Định  (18/10/2004)
Đôi điều tản mạn về "Chàng trai Bình Định"   (15/10/2004)
Suối Vàng Hoài Sơn   (14/10/2004)
Nhà lá mái của người An Nhơn  (10/10/2004)
Chùa Linh Phong   (08/10/2004)
Thuyền nguồn   (07/10/2004)
Núi Ông Bình, núi Ông Nhạc  (06/10/2004)
Văn hóa uống của người Bình Định   (05/10/2004)
Làng nghề làm bánh tráng mì chợ Cát   (04/10/2004)
Làng gốm Nhạn Tháp   (01/10/2004)
Quê hương anh hùng Ngô Mây   (29/09/2004)