Chùa Thắng Quang tọa lạc trên một ngọn đồi ở lưng chừng núi Cây Xây, xứ Tà Chữ, ấp Hi Tường, xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn, nay là thôn Hi Tường, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn (Bình Định). Một thắng cảnh của vùng Bắc Bình Định.
Theo tài liệu "Những ngôi chùa nổi tiếng ở Hoài Nhơn" của nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch, thì tiền thân của chùa là một thảo am được "triệu kiến" vào năm Nhâm Thân (1692) nhưng mãi đến năm Đinh Dậu (1717), dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, thì ngài Minh Giác Kì Phương, đời Pháp thứ 34 Lâm tế chánh tông, mới khai sơn là Thắng Quang Tự. Trải qua nhiều cơn binh hỏa, chùa có phần bị cảnh "thành cháy vạ lây" đổ nát ít nhiều. Đến năm 1822, ngài Toàn Định Bảo Tạng (thế danh là Ngô Văn Thụy, người ấp Hội An, xã Ô Liêm, huyện Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn, trấn Bình Định, nay là thôn An Hội, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) tới chùa, thấy cảnh và người ở đây rất mến mộ nên ở lại, trùng kiến lại chùa. Ngài trụ trì ở đây từ năm 1823 đến năm 1842 và có công trùng hưng chùa.
Dưới thời Hòa thượng Bảo Tạng, có mấy nhà phong thủy đến viếng chùa, họ đều nói cuộc đất này có cái thế "long bàn" (rồng cuộn khúc), mình rồng nằm trong dãy Thạch Tân, đầu rồng ngẩng lên hướng Nam đó là núi Cây Xây, chót lưỡi rồng là hồ Long Thiệt ngày xưa, bây giờ là sân hạ, giữa lưỡi rồng là nơi mà chùa Thắng Quang đang tọa lạc, đỉnh đầu rồng là ngọn đồi sau chùa (nơi mà trong chiến tranh quân đội Mỹ đã từng đóng đồn).
Khoảng giữa đời ngài Khánh Quý trụ trì, chùa tranh được triệt hạ để làm chùa ngói, bao nhiêu đất thừa đá vụn gạch bể đều đổ xuống hồ để lấp dần. Cho đến năm ngài quy tịch, Quý Tỵ 1943, thì hồ đã thành sân cho tới bây giờ.
Bên trong cổng chùa là vuông sân thấp, nơi xưa kia là hồ Long Thiệt, tiếp theo là bậc sân cao leo lên mấy bậc thềm đá xanh thì tới tiền đường. Tiền đường là một ngôi nhà ngang, mặt hướng về nam, dài 12m rộng 5m diện tích 60m2, mái cong chồng diêm, đỉnh cao 8m, hai bên có lầu chuông trống, giữa có ba cửa vào chánh điện. Chánh điện phân làm thượng điện, hạ điện, nối liền với tiền đường thành hình chữ đinh. Hạ điện đứng trước, ngang 8m, dọc 7m diện tích 56 m2, cao 6m. Thượng điện đứng sau ngang 8m dọc 5m diện tích 40m2, cao 7m. Toàn bộ kiến trúc có bề vững chãi nhưng không nặng nề mà khỏe khoắn. Trên nóc tiền đường có tượng hai rồng chầu chữ vạn. Cổ lầu phân ô, ô giữa đắp nổi ba đại tự: THẮNG QUANG TỰ. Ở bên tả đắp bốn chữ PHẬT NHỰT TĂNG HUY (Mặt trời Phật ngày càng thêm sáng), ở bên hữu đắp bốn chữ PHÁP LUÂN THƯỜNG CHUYỂN (Bánh xe pháp luôn quay đều). Bên dưới, hai bên ba cửa vào chánh điện đều có liễn. Hai chữ triện chạm lộng trên vách lầu chuông đọc là PHẬT PHÁP, hai chữ trên vách lầu trống đọc là TĂNG BẢO. Bước qua ngạch của giữa tiền đường, một tấm hoàng phi chạm tứ linh khá đẹp, sơn son thếp vàng lộng lẫy, treo trên gian giữa: SẮC TỨ THẮNG QUANG TỰ.
Trên lầu chuông có treo một quả hồng chung khá đẹp, cao 1 mét có quai, kính 0,65 mét, nặng trên 200kg. Trên thân chuông, một mặt khắc 4 hàng chữ dọc:
Nam Vang Kim Quang tự
Húy Đạt Huệ, thượng Thiền hạ Định hiệu Yết Ma
Phụng cúng
Thắng Quang tự
Dịch nghĩa:
Yết Ma, pháp danh Đạt Huệ, pháp tự Thiền Định (trụ trì) chùa Kim Quang tại thành Nam Vang (thủ đô nước Cao Miên) kính cẩn cúng chuông này cho chùa Thiền Quang.
Mặt đối diện khắc 5 hàng chữ dọc:
Nam Vang châu thành
Kim Quang Tự
Hiệp bổn đạo tín sĩ đẳng
Phụng cúng hồng chung
Quí Mão niên thu nguyệt cách nhật
Dịch nghĩa:
Chùa Kim Quang hiệp cùng tín đồ cư sĩ bổn đạo tại châu thành Nam Vang phụng cúng chuông lớn. Ngày tốt tháng mùa Thu năm Quý Mão (1843).
Sau 20 năm bị hoang phế vì chiến tranh, năm 1989, chùa Thắng Quang đã được phục hồi.
. Trần Xuân Toàn |