Tiếng đồn Bình Định tốt nhà
Phú Yên tốt ruộng, Khánh Hòa tốt trâu
Câu ca dao có từ bao giờ chẳng rõ, nhưng nó khái quát tương đối chính xác đặc điểm của 3 vùng đất miền Nam trung bộ này. Nói Bình Định tốt nhà là nói chung vậy. Thực chất đó là loại nhà lá mái mà phổ biến có ở vùng Tuy Phước và một số nơi khác như An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ hồi xưa.
Tuy Phước là quê ngoại của nhà thơ lớn Xuân Diệu, "Ông đồ nho lấy cô hàng nước mắm" mà có một nhà thơ "khi ngã xuống cả khoảng trời trống vắng". Tuy Phước cũng có tiếng nhờ những nghề thủ công đặc sản như nước mắm Gò Bồi, nem chua chợ Huyện, bánh tráng Trung Thành v.v… Nhà lá mái của Tuy Phước là một sản phẩm khá đặc biệt của người thợ dựng nhà nơi đây.
Về kích thước, nhà lá mái cũng như những ngôi nhà khác, nhưng kết cấu có nhiều nét riêng biệt. Trên mái lợp bằng cỏ tranh rất dày, cách chừng 5 tấc, người ta đan một lớp phên tre nằm song song với mái. Lấy đất sét độn rơm, nhào kỹ cho thật nhuyễn rồi đắp dày chừng 10-15 cm lên lớp tre đan ấy, làm thành một cái "áo giáp" của nhà, vừa chống nóng, chống rét, chống hỏa hoạn lại vừa tạo thế vững chắc cho mái nhà.
Tường nhà làm bằng đá ong hoặc trát vách đất dày. Người thợ lấy vôi tán mịn trộn với giấy bổi và bông gòn, đánh cho nhuyễn trát hai bên vách, làm cho tường phẳng mịn và có nước bóng. Loại tường này bền chắc, có tuổi thọ hàng trăm năm dù mưa nắng hay hỏa hoạn cũng không ảnh hưởng.
Phía trong nhà, các cột kèo đều được chạm trổ, đục khắc rất công phu những hình chim thú, hoa lá rất đẹp. Toàn bộ ngôi nhà lá mái là một tác phẩm nghệ thuật đúng với nghĩa của nó. Ở nhà lá mái, mùa hè thấy mát rượi, mùa đông rất ấm áp. Mùa mưa không sợ dột cũng không lo hỏa hoạn, con mắt lại được ngắm no những tác phẩm mỹ thuật nên tâm hồn càng thanh thản. Một người khách nước ngoài khi thăm một ngôi nhà lá mái ở Tuy Phước đã phải nói: Các bạn đã đạt đến trình độ cao, cả về yếu tố nghệ thuật lẫn yếu tố khoa học trong việc sáng tạo ra mẫu nhà, gọi là "nhà lá mái" này.
Ngày nay ở Tuy Phước còn lại được một vài ngôi nhà lá mái vì tốc độ "đô thị hóa" ngày càng nhanh. Hiện nay đang có một dự án bảo tồn nhà lá mái Bình Định nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của một loại hình di sản văn hóa còn ít được quan tâm và có nguy cơ hủy hoại do quá trình đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ cao.
. Nguyễn Văn Chương |