Nói đến văn hóa Chăm không thể không nói tới các tháp Chăm đứng sừng sững, uy nghi trước nắng gió của thời gian. Bình Định là nơi còn lại nhiều tháp và nguyên vẹn nhất trong số những tỉnh có kiến trúc Chăm.
|
Tháp Đôi Quy Nhơn |
Tháp Chăm được thừa nhận về độ tinh tế. B.Broslier trong cuốn Indochine Carefour des arts (Pris 1961) nhận xét: "Về cấu trúc, tháp Chăm đẹp hơn tháp Khmer, sở dĩ như vậy là do họ (người Chăm) giữ được ý thức về chất liệu (gạch) và biết tôn trọng bản chất của nó, trong khi đó người Khmer có xu hướng dựng lên một khối bằng bất cứ vật liệu nào rồi chạm khắc lên. Nghệ thuật kiến trúc Chăm cân bằng, có nhịp điệu và sáng sủa hơn, nó tạo cho tháp Chăm một vẻ đẹp không thể bỏ qua". Từ thế kỷ V-VI, sử sách Trung Hoa đã phải công nhận người Chăm là bậc thầy trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc gạch.
Việc các tháp Chăm được làm từ những viên gạch đỏ hồng chồng khít lên nhau không thấy mạch hồ đã tạo nên huyền thoại. Các chuyên gia Ba Lan cho rằng, người Chăm dùng gạch nung sẵn rồi gắn với nhau bằng vữa đất sét, sau đó toàn bộ được nung lại. Một số nhà nghiên cứu thì nêu ra giả thuyết cho rằng người Chăm đã dùng keo chiết từ thực vật (như cây bàn chải + mật mía hoặc nhựa cây dầu rái) để dán các viên gạch với nhau. Những nghiên cứu gần đây cho thấy người Chăm đã sử dụng kết hợp một số biện pháp kỹ thuật khác nhau để xây tháp...
Sự tinh tế của các tháp Chăm còn thể hiện ở vô số những hình chạm khắc tỉ mỉ trau chuốt do nghệ nhân đục đẽo trực tiếp lên tường tháp đã được xây sẵn, không thể vì một sai sót mà phá đi xây lại được. Hoàn toàn có lý khi Parmentier nhận xét: "người Chăm chạm gạch như chạm gỗ, đẽo đá như đẽo gỗ".
Về cấu trúc quần thể, các tháp Chăm có hai loại. Loại thứ nhất là các quần thể kiến trúc bộ ba gồm ba tháp song song thờ ba vị thần Brahma, Visnu, Siva (như tháp Dương Long). Loại thứù hai là các quần thể kiến trúc có mộ tháp trung tâm thờ thần Siva và các tháp phụ vây quanh (tháp Cánh Tiên, tháp Thủ Thiện, tháp Thốc Lốc). Loại này thường xuất hiện muộn hơn (khoảng thế kỷ IX trở về sau).
Về hình dáng, phần lớn các tháp Chăm đều có hình ngọn núi (Sikhara), trên các góc có các tháp nhỏ ứng với đỉnh núi nhỏ. Tuy kiến trúc núi có nguồn gốc truyền thuyết từ Ấn Độ nhưng với người Chăm, chúng lại biểu tượng cho thiên nhiên miền Trung trùng điệp núi non và phản ánh đúng chất dương tính trong tính cách bản địa của văn hóa Chăm (núi = dương). Chất dương tính này còn bộc lộ rõ ở những tháp mô phỏng hình sinh thực khí nam. Bên cạnh tháp chính hình ngọn núi, còn có tháp có mái cong hình thuyền (tháp Bánh Ít) - dấu hiệu đặc thù trong kiến trúc nhà cửa cư dân Đông Nam Á.
Như vậy, từ chỗ vay mượn dạng Sikhara Ấn Độ, tháp Chăm đã đi đến chỗ hòa quyện và phối kết khá nhiều sáng tạo mang dấu ấn của tính cách bản địa Chăm và văn hóa nông nghiệp khu vực. Hầu hết tháp Chăm đều là lăng mộ thờ vua. Ngoài ra, tháp Chăm còn là đền thờ thần bảo trợ của nhà vua. Do tính chất lăng mộ và đền thờ nên nội thất tháp Chăm rất chật hẹp, chỉ có chỗ cho các pháp sư hành lễ chứ không phải là nơi cho các tín đồ hội tụ và cầu nguyện.
. TS. Đinh Bá Hòa |