Đối với phong tục người Bana, khi mùa rẫy đã thu hoạch xong là bước vào mùa "Ning Noong" (mùa rảnh rỗi); tương ứng độ tháng 9 tháng 10 âm lịch hằng năm, vào dịp này người Bana tổ chức lễ bỏ mả cho người quá cố nếu đã chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết.
Ở Bình Định, người Bana có khoảng 14.000 người, chủ yếu cư trú ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh; phần còn lại rải rác ở các huyện Vân Canh, Tây Sơn, An Lão và Hoài Ân… Đa số các bản làng Bana đều định canh định cư, xây dựng cuộc sống mới, việc dẫn thủy nhập điền sản xuất lúa nước đã trở thành nhu cầu cấp thiết trong đời sống hiện nay. Song, việc nương rẫy gắn liền với lễ hội truyền thống như lễ ăn mừng lúa mới, lễ bỏ mả là những nét văn hóa đặc sắc, có ý nghĩa thiêng liêng trong cộng đồng người Bana.
Lễ hội bỏ mả (bỏ nhà mồ) thường diễn ra từ 3 đến 7 ngày, nhưng không khí tưng bừng, chuẩn bị cho ngày lễ đã có trước đó cả hàng tháng trời, xưa kia đến vài ba tháng. Trai làng vào rừng đốn gỗ tốt, chặt trúc (trảy), cắt tranh đem về khu nhà mồ. Khi mà việc chuẩn bị đã được tươm tất, già làng làm lễ cúng và chọn ngày, chọn nghệ nhân đẽo tượng, làm nhà mồ, trang trí hoa văn nhà mồ. Ai có rượu đem rượu, ai có heo góp heo, mọi người đều chung sức chung lòng để mùa lễ hội của làng được trọn vẹn.
Ngày khai lễ, mở đầu của lễ bỏ mả là ngày dỡ nhà mồ cũ để dựng nhà mồ mới. Giai đoạn này thường diễn ra gọn trong một đến hai ngày. Khi đã hoàn tất, nhà mới đã dựng và trang trí xong, tượng nhà mồ đã đặt vào vị trí thì già làng làm lễ với ý niệm thông báo cho Atâu (linh hồn người chết) đã hoàn tất việc dựng nhà mồ, sau đó mọi người ăn uống, nhảy múa, đánh cồng chiêng.
Ngày tiếp theo là giai đoạn chính của lễ, tức là làm lễ tiễn đưa Atâu về thế giới bên kia, thế giới của ông bà tổ tiên. Tờ mờ sáng, mọi người đã tề tựu ở nhà rông để thịt trâu, bò… Già làng cúng Giàng, thần linh, sau đó cùng dân làng đem thịt rượu tới khu nhà mồ, tế lễ vong hồn người quá cố về với tiên tổ. Già làng hành lễ xong, thân nhân người quá cố vào nhà mồ khóc lần cuối và chia biệt. Trong không gian nghi lễ đó, nhiều hoạt động khác cùng nối tiếp diễn ra như hòa tấu cồng chiêng, cùng xoang, chung vui ca hát, vít cần rượu.
Tiếp đến ngày sau nữa, nghi thức lễ lại được diễn ra ở các bếp nhà sàn của các chủ gia, hay còn gọi là lễ rửa nồi. Thực chất là ngày gia chủ thết đãi bà con họ hàng, bạn bè trong và ngoài làng. Những người thân, bè bạn của thân nhân người đã chết cùng đem họ ra suối tắm gội, với ý niệm rửa hết mọi ràng buộc đối với kẻ quá cố. Sau đó dân làng cùng nhau ăn uống nhảy múa theo tiết tấu cồng chiêng lúc đằm thắm, lúc rộn ràng thúc giục. Nhiều mối quan hệ tình cảm được thiết lập, bày tỏ để rồi đồng cảm và hiểu nhau hơn, đặc biệt là nam nữ thanh niên một dịp để cùng nhau hẹn ước. Khi điệu nhạc cồng chiêng hòa vang thì những cô gái, chàng trai liên kết thành những vòng xoang uyển chuyển. Giờ đây thì không còn âm hưởng của nghi thức tang lễ mà tự do cùng chung vui, cho phép những thành viên có khả năng nổi trội hơn, biểu diễn tài nghệ trước đám đông. Âm vang cồng chiêng lúc trầm lúc bỗng, vòng xoang lúc ẩn lúc hiện, lũ làng cùng vui say thâu đêm suốt sáng…
Lễ hội bỏ mả là dịp tiễn đưa linh hồn người quá cố, buồn vui hòa trộn; song niềm vui được bộc lộ mạnh hơn vì người sống đã làm tròn trách nhiệm của mình đối với người thân qua đời và không lo hồn ma (Atâu) quấy nhiễu, làm hại cuộc sống con người. Dịp lễ là thời điểm thông báo với cộng đồng về sự giải phóng người "góa" trước tục lệ; để các nghệ nhân sáng tạo nghệ thuật đặc sắc, những tượng nhà mồ, nghệ thuật cồng chiêng, múa hát… Tục lệ bỏ mả là lễ hội quan trọng trong đời sống xã hội của người Bana. Song lễ hội này đã bị mai một và ở nhiều địa phương không còn tồn tại; còn chăng ở những làng rẻo cao như Kon Truch xã Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Thạnh, Kon Trú xã Bok Tới huyện Hoài Ân…
Trong những năm gần đây, lễ hội bỏ mả đã được khôi phục lại ở một số bản làng Bana cùng với việc triển khai các ngày hội văn hóa của các dân tộc miền núi do chính quyền các cấp tổ chức. Việc các gia đình dù giàu hay nghèo, dù lễ vật là trâu bò hay con gà, dù làm nhà mồ to đẹp, nhiều tượng nhà mồ hay chỉ là nhà tranh đơn sơ nhưng họ sẽ thấy thanh thản, tâm hồn được cởi mở vì đã làm tròn bổn phận đối với người quá cố, đối với tổ tiên.
. Nguyễn Văn Ngọc |