Làng quê Bình Định xưa
12:6', 16/11/ 2004 (GMT+7)

Làng quê ở Bình Định xưa có những luật bất thành văn, được các thành viên rất tôn trọng như: quan hệ tình làng nghĩa xóm, quan hệ đối với người già (trọng xỉ) cho nên có câu "Triều đình trọng tước, làng nước trọng xỉ". Các lão ông ở tuổi lục tuần trở lên được dân làng kính trọng, ra đường được mọi người nhường bước, trẻ con cúi chào.

Các cụ từ 70 tuổi trở lên được dân làng tặng chiếc khăn đỏ. Người có chức sắc cũ và mới đều được gọi theo chức đã bổ nhiệm. Những người có học hành trực tiếp dạy con em trong làng được dân làng gọi là ông giáo. Người cô đơn, tàn tật, cơ nhỡ được làng mời cơm, tặng quà vào dịp lễ hội.

Việc phòng gian, giữ làng được mọi người quan tâm. Mỗi xóm có một điếm canh, có một ban trưởng giúp việc cho trùm (xóm trưởng). Mỗi khi có trộm cắp, hỏa hoạn dân phòng đánh mõ báo động hiệu lệnh theo quy định: tập trung 1 hồi ba tiếng; báo động ba tiếng liên hồi (ngũ liên). Khi có mõ báo động ở một điếm, các điếm khác đều cùng đánh huy động dân làng ra đường đánh đuổi trộm cướp. Ngày xưa các làng quê coi "thủy, hỏa, đạo, tặc" là những tai họa. Đề phòng hỏa hoạn , nhà nào cũng sắm sửa dụng cụ phòng hỏa như: chổi xể, rựa quéo cán dài, bể nước chứa. Cứ tối đến, chức việc đi từ đầu làng đến cuối làng vừa đánh mõ vừa loa: "Đèn treo xa vách, nước xách đầy ghè, làng nói không nghe, đánh đòn ba chục" để nhắc nhở nhau phòng hỏa hoạn trong mùa nắng ráo.

Về lễ hội, ở Bình Định trong năm có những lễ được coi là tết vui vẻ, như Tết Nguyên đán, Tết Thượng nguyên, Tết Trung nguyên, và Tết Hạ nguyên. Còn đến Tết Thanh minh làng tổ chức cúng tế và sửa sang những nấm mồ vô chủ, nhiều nơi cho mời các đoàn hát bội về hát phục vụ dân làng vào các dịp tết này. Hàng năm cứ xuân thu, nhị kỳ (tháng giêng và tháng tám), dân làng tế thần Hoàng làng (người có công lập làng). Lễ hội này có ý nghĩa thiêng liêng để nhắc nhở nhau nhớ về nguồn cội, xóa bỏ những gì khúc mắc bất hòa. Tại đình làng và các gia đình, người Bình Định còn tổ chức lễ cúng cơm mới để tỏ lòng biết ơn Thần Nông cho được mùa.

Mỗi làng có một hội đồng hòa giải gồm chức việc và những người cao tuổi có uy tín trong làng. Mỗi khi có người khiếu kiện, tại đình làng hội đồng hòa giải họp lại để giải quyết. Những quy định nghiêm cấm được mọi người tuân theo như: không trộm cắp tài sản của nhau, không đánh đập chửi bới nhau, không say rượu, không nghiện thuốc phiện, không cờ bạc, không trai gái, loạn luân... Ai vi phạm những điều cấm kỵ do làng quy định thì tùy theo tội nặng nhẹ mà chịu các hình phạt như làm tạp dịch, đánh đòn. Những vi phạm vượt quá chức trách của làng, chức việc làng đóng gông giải về huyện xử. Nhờ có những luật lệ bất thành văn này mà xóm làng nông thôn ở Bình Định khi xưa thường được yên vui.

. TS. Đinh Bá Hòa

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lễ bỏ mả của người Bana ở Bình Định   (14/11/2004)
Kiến trúc tháp Chăm   (09/11/2004)
Nhà lá mái   (03/11/2004)
Chùa Thắng Quang - một danh lam cổ tự   (02/11/2004)
Tháp Vàng Phốc Lốc   (01/11/2004)
Phụng Sơn kỳ thú  (27/10/2004)
Bắt chuột đồng mùa lụt  (26/10/2004)
Trang phục người Bình Định xưa  (26/10/2004)
Mả ông Ầm  (25/10/2004)
Tháp Đôi Quy Nhơn   (24/10/2004)
Các lễ cúng của ngư dân vùng biển Bình Định  (18/10/2004)
Đôi điều tản mạn về "Chàng trai Bình Định"   (15/10/2004)
Suối Vàng Hoài Sơn   (14/10/2004)
Nhà lá mái của người An Nhơn  (10/10/2004)
Chùa Linh Phong   (08/10/2004)