Chùa Bồ Đề và danh nhân Đào Duy Từ
15:50', 18/11/ 2004 (GMT+7)

Chùa tọa lạc tại thôn Tài Lương, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn. Thuở xưa nơi này thuộc xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn nên người khai sơn đã lấy địa danh mà đặt tên cho chùa.

Đền thờ Đào Duy Từ tại Hoài Nhơn

Chùa hiện nay là một ngôi nhà nhỏ, bề 4m x 6 m mặt hướng Đông, xây xông lợp ngói, trên chấn thủy có bảng hiệu chùa bằng chữ Hán: BỒ ĐỀ TỰ. Nhưng bảng treo ở cổng vào chùa thì ghi là: ĐÀO QUỐC CÔNG PHU NHÂN PHU NHÂN TỪ (Đền thờ Bà phu nhân là vợ chính của vị Quốc Công họ Đào).

Theo sự mô tả của nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch trong tài liệu "Những ngôi chùa nổi tiếng ở Hoài Nhơn" thì, giữa chánh điện chùa Bồ Đề có chiếc khám gỗ chạm lộng khá đẹp. Bên trong khám tôn trí ba tượng Phật: Thích Ca ở giữa, Di Đà bên tả và Di Lặc bên hữu. Tượng bằng đất hay gỗ chưa rõ nhưng đường nét giản phác, có thể là tượng xưa còn lại. Đồ thờ bài trí trên án không có món nào quý, bát hương bằng đất, ngũ nhạc, cỗ bồng, đài, đèn đều bằng gỗ mà cặp đèn thì đã mất lá, chiếc lọ sứ cắm hoa là đồ xưa nhưng đã bể mất một mảnh lớn trên miệng. Trước án chẳng thấy có hoành liễn gì cả. Nếu chỉ nhìn qua cảnh trí tiêu sơ cùng quy mô khiêm tốn của ngôi chùa thì không ai dám bảo đây là một ngôi chùa xưa nhất ở Bình Định: 46 năm trước chùa Thập Tháp (1637- 1683), 65 năm trước chùa Linh Phong (1637-1702), 80 năm trước chùa Thắng Quang (1637-1717).

Một khám thờ nữa đặt bên tả khám thờ Phật, bằng gỗ, đơn sơ và cũ kỹ. Trước khám có hai cánh cửa thường khép kín, chỉ mở và các dịp cúng tế. Giữa khám tôn trí một long vị sơn son thếp vàng, chạm rồng vượng rất sắc sảo. Trên hảm trung có hai chữ Hán viết lối triện chưa nhận ra. Hai chữ này mở đầu hai hàng chữ nêu rõ lý lịch của Đào Quốc Công bên tả và phu nhân bên hữu. Nguyên văn như sau:

- Thủy tổ khảo Nội tán Lộc Khê hầu Đào công, gia tặng Khai quốc công thần, đặc tiến Vinh lộc đại phu Đông các đại học sĩ thái sư, nhưng thụy Trung Lương, phong Hoằng quốc công chi linh.

- Khai sơn Bồ Đề tự, thủy tổ tỷ nguyên Nội tán Lộc Khê hầu Hoằng quốc công phu nhân, thụy Trinh thục, Cao thị chi linh.

Dịch nghĩa:

- Linh vị của ông thủy tổ họ Đào, quan chức Nội tán, tước Lộc Khê hầu, được tặng thêm là bậc công thần mở nước, được đặc biệt nâng lên hàng Vinh lộc đại phu hàm Đông các đại học sĩ chức Thái sư, được ban tên thụy như cũ là Trung lương và phong tước Hoằng quốc công.

- Linh vị của người khai lập chùa Bồ Đề là bà thủy tổ họ Cao, tên đặt sau khi đã mất là Trinh Thục, phu nhân của quan Nội tán Lộc Khê hầu Hoằng quốc công.

Theo gia phả họ Đào Duy ở Hoài Nhơn, và ba bản trùng tu vào các năm Tự Đức thứ 30 (1877), Thành Thái thứ 3 (1891) và Duy Tân thứ 6 (1912), thì phu nhân của Đào quốc công là bà Cao Thị Nguyên.

Sau khi Đào Duy Từ mất, bà Cao Thị Nguyên đã ở tại từ đường thọ chế cư tang chồng trong 3 năm. Sau khi đoạn tang, bà xuất gia đầu Phật, lập chùa Bồ Đề này vào năm Đinh Sửu (1637) ở trong thôn làm nơi tu hành. Bà viên tịch tại chùa này vào ngày tháng năm nào thì gia phả không thấy ghi mà trên thần chủ thờ tại Từ đường, thần vị thờ tại đền do triều đình lập ở Cự Tài, long vị thờ tại chùa Bồ Đề cũng đều không ghi. Tuy nhiên, hằng năm tại đây, vào ngày 12 tháng Tư, chùa Bồ Đề "làm chay" tới ba ngày, gọi là giỗ Bà.

Có điều rất lạ là trên long vị không cho biết pháp danh, pháp tự, pháp thiệu của vị Tỳ khiêu ni khai sơn rồi trụ trì đầu tiên tại Bồ Đề Tự (tức Bà phu nhân họ Đào sau khi đã trải qua các bước quy y, thọ giới, cầu pháp) mà chỉ cho biết họ, quan hệ và địa vị thế tục của bà.

Theo tư liệu của Thượng tọa Thích Hạnh Minh (trụ trì chùa Hoằng Hóa - Tam Quan) cung cấp, thì Thượng tọa Huyền Hoa pháp danh Như Phẩm thuộc đời pháp 41 dòng Kệ Minh Hải Pháp Bảo, đã từng làm trụ trì Bồ Đề Tự từ 1950-1952 rồi mới vào Phù Cát trùng kiến chùa Kim Tiên tại xã Cát Khánh rồi trụ tại đây

Như vậy ít ra cũng đã có hai vị sư từng trụ tại chùa Bồ Đề. Nhưng quy mô chùa Bồ Đề hiện nay chỉ vừa đủ chỗ để thờ không có chỗ cho người ở. Điều đó chứng tỏ cơ cấu ngôi cổ tự này đã trải qua nhiều lần canh cải. Ông Đặng Quý Địch đã đem thắc mắc này hỏi người trong họ Đào Duy thì được biết rằng: Chùa trước kia cao to lớn rộng nhưng trải qua nhiều lần không sư trụ trì nên đã hư hoại, khiến người trong họ Đào Duy phải dỡ dọn dần đến năm 1959, cùng với lúc trùng tu nhà Từ Đường họ Đào Duy tại Tài Lương, chùa được làm lại và còn tới ngày nay, cổng vào chùa cũng làm trong dịp này. Để đánh dấu lần trùng kiến, họ cho đặt bảng hiệu cổng như trên.

Nhìn qua hai tấm biển: biển chùa đề tự, biển cổng đề từ nhưng cả hai đều chỉ một sở: Chùa Bồ Đề và nhìn qua cách thờ phượng trong chùa hiện nay: thờ Phật, thờ cả danh nhân lịch sử Đào Duy Từ và vợ là Cao Thị Nguyên ta có thể nói chùa Bồ Đề đã gắn với tên tuổi danh nhân Đào Duy Từ.

. Trần Xuân Toàn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cánh Tiên cổ tháp   (16/11/2004)
Làng quê Bình Định xưa   (16/11/2004)
Lễ bỏ mả của người Bana ở Bình Định   (14/11/2004)
Kiến trúc tháp Chăm   (09/11/2004)
Nhà lá mái   (03/11/2004)
Chùa Thắng Quang - một danh lam cổ tự   (02/11/2004)
Tháp Vàng Phốc Lốc   (01/11/2004)
Phụng Sơn kỳ thú  (27/10/2004)
Bắt chuột đồng mùa lụt  (26/10/2004)
Trang phục người Bình Định xưa  (26/10/2004)
Mả ông Ầm  (25/10/2004)
Tháp Đôi Quy Nhơn   (24/10/2004)
Các lễ cúng của ngư dân vùng biển Bình Định  (18/10/2004)
Đôi điều tản mạn về "Chàng trai Bình Định"   (15/10/2004)
Suối Vàng Hoài Sơn   (14/10/2004)