Trường thi Bình Định (kỳ 1)
10:49', 19/11/ 2004 (GMT+7)

Đất An Nhơn trước khi nổi tiếng về trường ốc, sĩ tử khoa hoạn, đã nổi tiếng về thầy giáo. Thầy kiêm văn võ, phản ánh đúng truyền thống Bình Định "đất võ trời văn". Hai người thầy nổi tiếng nhất mà sử sách còn lưu truyền là Đinh Văn Nhưng ở Bằng Châu và Trương Văn Hiến ở An Thái.

Đó chính là những người thầy ra thầy với đúng ý nghĩa cao quý của chức nghiệp và họ đã dạy dỗ, rèn luyện những người trò ra trò cũng hết sức đúng ý nghĩa nhân tài phụng sự quốc gia, dân tộc. Thầy làm rạng danh trò, trò làm vinh hạnh thầy. Họ chính là những viên ngọc sáng đặt nền móng vững chắc và tỏa sáng chẳng phải chỉ bó hẹp trong truyền thống giáo dục ở phạm vi An Nhơn mà là ở tầm xa rộng hơn nhiều. Đó là những người thầy có đóng góp không nhỏ vào việc hình thành và phát triển phong trào nông dân Tây Sơn.

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, Bình Định thời nhà Nguyễn có 6 trường học, một trường tỉnh, 2 trường phủ và 3 trường huyện. Trường học tỉnh nằm ở An Nhơn, đầu đời Gia Long ở thôn Kim Châu, đầu đời Thiệu Trị dời về thôn Liêm Trực. Trường học phủ Hoài Nhân ở thôn Liêm Bình huyện Bồng Sơn. Trường học huyện Phù Mỹ ở thôn Trà Quang, Trường học huyện Phù Cát ở thôn Hội Xuân. Trường học phủ An Nhân trước ở thôn Hòa Cư, sau dời về thôn Mỹ Thịnh huyện Tuy Viễn. Trường học huyện Tuy Phước ở thôn Minh Hanh.

Thực ra, trong thời khoa cử Hán học, tùy theo đặc điểm địa phương, các trường học còn được mở khắp các làng quê bởi các ông đồ. Ông đồ có thể ở dạng thi chưa đỗ hoặc thi đỗ rồi mà không ra làm quan, lấy sự chăm chút chữ thánh hiền cho muôn nhà làm tâm nguyện. Ông đồ thi chưa đỗ cũng có nhiều nguyện do, tựu trung là học tài thi phận. Đó là ở lớp Tiểu tập. Còn lớp Đại tập thường do các vị quan hưu chủ trì, bởi các vị này là những nhà khoa bảng có kinh nghiệm đầy mình, trước từng đi thi có bảng vàng bia đá và sau đó từng từ dự vào hàng hội đồng giám khảo các trường thi. Học ở nhà khi đủ trình độ vẫn có thể vào trường tỉnh hoặc cao hơn là Quốc tử giám. Nhìn chung, muốn gửi niềm hy vọng vào công cuộc vượt vũ môn, cá chép hóa rồng, thì chí ít sĩ tử phải sôi kinh nấu sử, thông thạo Kinh sách, Thi phú, Chiếu biểu, tóm lại là biết làm thơ và thực hành lối văn cử nghiệp chuyển tải các kiến thức từ Tứ Thư, Ngũ Kinh, Bắc Sử, Nam Sử, Bách Gia Chư Tử, văn thơ và các bài văn sách hay qua các triều đại Trung Hoa. Trước khi học Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu và các loại sách lịch sử, triết học, văn chương lý luận khác, lúc mới nhập môn sĩ tử phải học Tam Tự Kinh, Hiếu Kinh hoặc Ấu Học Quỳnh Lâm. Khoa cử qua các thời kỳ phong kiến có thay đổi giữa triều này triều nọ, tùy theo đòi hỏi của thời thế và ảnh hưởng bởi trình độ, phong cách, uy tín của nhà vua nhưng nhìn chung các triều đại đều gắn liền giáo dục với chính trị, tuyển chọn nhân tài ra thực thi sứ mạng xã hội cho sơn hà xã tắc. Có thể xem bài văn bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám do Thân Nhân Trung phụng soạn làm mẫu mực cho quan điểm sáng chói này:

"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu mà suy. Vì thế các bậc Thánh đế minh vương không ai không lấy việc nuôi nấng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, bồi đắp nguyên khí làm việc ưu tiên. Kẻ sĩ quan trọng đối với nước nhà như thế, nên việc quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng. Đã sủng ái bằng việc nêu danh trong các khoa thi, lại nâng cao bằng những phẩm trật ân sâu, nhưng vẫn cho như thế chưa đủ. Lại ghi danh lên Tháp Nhạn, ban hiệu Long Hổ, mở tiệc Văn Hỷ. Triều đình mừng được có người, nên việc gì cũng làm đến cùng cực. Nay bậc Thánh Minh cho rằng làm được những việc hay đẹp đó, tuy làm vang danh một thời, mà tiếng khen chưa đủ để hương thơm lâu dài, nên lại cho khắc tên vào bia đặt ở Hiền Quan khiến kẻ sĩ ngưỡng mộ thêm lòng phấn chấn, để gắng sức rèn danh tiết mà hết lòng giúp hoàng gia, há chỉ là hư danh hư văn mà thôi đâu. Ôi kẻ sĩ ở chốn trường ốc lều tranh, thân phận bé mọn mà được triều đình sủng ái đến thế, tức kẻ sĩ phải tự trọng ra sức báo đáp. Hãy kê tên ra những người đỗ khoa thi này. Có người đã đem văn học chính sự ra tô điểm cho cảnh thịnh trị, suốt mấy mươi năm được nhà nước mãi tin dùng. Cũng không phải là không có những kẻ hối lộ bại hoại, hoặc gia nhập vào bọn gian tà. Có lẽ lúc còn sống họ chưa nhìn thấy được tấm bia này. Nếu mắt đã được nhìn thấy tất khởi lòng mà ngăn chặn ý xấu, há còn dám manh nha những việc tệ hại đó. Thế thì việc dựng tấm bia đá tạo lợi ích rất nhiều, kẻ ác lấy đó mà răn, người lành lấy đó mà gắng sức, để sáng tỏ việc đã qua, chỉ rõ việc chưa đến. Một mặt lại rèn giũa khí tiết cho kẻ sĩ, một mặt trợ giúp vững bền mệnh vận nước nhà. Bậc Thánh minh đặt ra điều này đâu phải vô ích. Nói chung khi nhìn tấm bia hãy còn hiểu được thâm ý của họ."

Trường thi Bình Định ở thôn Hòa Nghi huyện Tuy Viễn, phía tây nam thành Bình Định, bên kia sông. Theo sách trên, chu vi của trường thi Bình Định 193 trượng, cao 4 thước 5 tấc, xây dựng bằng đá ong, năm Tự Đức thứ tư, 1851. Trước đó, sĩ tử nam Trung bộ từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận phải lặn lội ra tận Thừa Thiên để thi hương, giờ đã có trường thi ở Bình Định. Trong nước, kỳ thi hương đầu tiên của triều Nguyễn thực hiện vào năm Gia Long thứ 6, tức 1807, với 6 trường thi cho 6 trấn: trường Nghệ An, trường Thanh Hóa (có Ninh Bình thi chung), trường Kinh Bắc (có Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng thi chung), trường Hải Dương (có Quảng Yên thi chung), trường Sơn Tây (có Hoài Đức, Tuyên Quang, Hưng Hóa thi chung), trường Sơn Nam (gồm Sơn Nam Thượng và Hạ thi chung). Năm 1813 có mở thêm các trường Quảng Đức, sau đổi là Thừa Thiên, giành cho các thí sinh từ Quảng Trị vào đến Gia Định, trường Thăng Long thi chung Kinh Bắc, Sơn Tây, Hoài Đức, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Cao Bằng, riêng Hải Dương và Hưng Yên thi chung trong trường Sơn Nam. Năm 1834 chia ra trường Hà Nội, trường Nam Định, trường Thừa Thiên, trường Thanh Hóa, trường Nghệ An, trường Gia Định. Về sau, ngoài trường Bình Định còn có trường An Giang. Đại khái việc thi chung có thay đổi qua các khóa, tùy tình hình. Có lần năm 1861, Bình Định lại hợp thi với Thừa Thiên. Nhà thơ trào phúng Vị Xuyên Trần Tế Xương có đề cập nhiều đến trường thi gắn với nỗi cay đắng khoa danh sĩ hoạn của ông đồng thời vẽ nên bức chân dung thời thế: Nhà nước ba năm mở một khoa - Trường Nam thi lẫn với trường Hà - Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ - Ậm ọe quan trường miệng thét loa - Lọng cắm rợp trời quan sứ đến - Váy lê quét đất mụ đầm ra - Nhân tài đất Bắc nào ai đó - Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà (Vịnh khoa thi hương).

Trường thi Bình Định chấm dứt vai trò từ năm 1915, sau 65 năm thực hiện việc tuyển lựa nhân tài qua bút nghiên lều chõng. Từ ấy đến nay, cũng đã hàng thế kỷ trôi qua, vết tích mai một dần. Những cụ cao niên nhất ở địa phương cũng nhớ lờ mờ qua lời kể của thế hệ trước nữa, về địa vực, giai thoại, những câu chuyện về sĩ tử và các quan khảo thí… Một gò đất rộng bên đường cái, sát chân ruộng, giờ là chùa chiền, lò gạch và nhà ở, đó là toàn bộ di chỉ trường thi xưa! Theo quyển Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục, tổng thể trường thi bao gồm nhà cho các quan Chánh phó Chủ khảo, Chánh phó Đề điệu, Phân khảo và Thập đạo gồm 7 căn 1 gian 2 chái. Nhà cho các quan Giám khảo, Sơ khảo, Thể sát, Mật sát, Lại phòng ngoại trường gồm 9 căn 3 gian 2 chái. Nhà Thí viện, công sảnh của quan đề điệu, Lai phòng nội trường gồm 5 căn 3 gian 2 chái. Nhà cho các quan sơ khảo gồm 3 căn 6 gian 2 chái. Vách sau và hai bên tả hữu 2 chái mỗi can lựa chọn mở một cửa cong vòm hình bán nguyệt, sau cửa nối ra thêm một chỗ nhỏ làm nhà bếp. Ở mỗi cổng ra tới nhà quan Thập đạo giáp 4 vi Tả Hữu Giáp Ất, và nhà quan giám khảo giáp nhà các quan sơ khảo, phúc khảo đều xây tường gạch ngăn ra. Nơi bốn vi lại dựng 7 dãy mái che dài, mỗi dãy 17 gian. Phàm thi hội thì cách 2 hoặc 3 gian cho một người ngồi, thi hương thì cho 4 người vào một gian, đều lợp bằng ngói. Đó là quy thức chung của bộ, trường Thừa Thiên dùng cho cả thi hội nên đầy đủ như trên, các nơi khác căn cứ theo mà dựng, duy bốn vi Tả Hữu Giáp Ất thì thì để trống chứ không được làm mái che. Về diện tích, có thể mở rộng theo số lượng sĩ tử. Theo quyển Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn (Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế - Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2000), ngoài trường Kinh đô dùng vật liệu chắc chắn, các nơi khác chỉ dùng thanh tre, sắp thi thì dựng lên, thi xong thì phá bỏ.

Trường quy chuẩn khoảng bề 66 bề 107 tầm, tính ra tương đương bề 174 mét, bề 282 mét. Phần trước có diện tích nhỏ hơn phần sau, là nơi thí sinh cắm lều ngồi thi. Thập đạo (đường chữ thập) phân làm bốn vi, mỗi vi đều có hàng rào bao bọc, vi bên trái là vi Giáp, vi bên phải là vi Ất, tương ứng phía sau là hai vi Tả, Hữu. Mỗi vi có hai cổng, gọi thứ tự Giáp nhất, Giáp nhị, Ất nhất, Ất nhị, Tả nhất, Tả nhị, Hữu nhất, Hữu nhị. Thí sinh vào xong thì đóng các cổng này lại. Khi nộp quyển, có cổng vào Thập đạo đường, nộp xong ra về bằng cổng chính. Thập đạo đường dựng ở tâm thập đạo. Phần sau của trường thi rộng hơn phần trước và chia làm hai, phần ngoại trường và phần nội trường. Ngoại trường dựng Thí viện ở giữa là nơi hội họp chấm bài. Nhà Chánh chủ khảo bên trái, Phó chủ khảo bên phải, tiếp đến là hai dãy nhà của các quan Phân khảo. Giúp việc cho các vị Chánh, Phó và Phân khảo có các Lại điển ở Lại phòng phía sau. Quan Khoa đạo và đội Thể sát ở phía tiếp theo. Một khoảnh đất rào kín bốn phía nằm sau Ngoại trường, chỉ chừa một cổng nhỏ dẫn đến Thí viện. Phần nầy dựng Đề điệu Công sảnh là nơi giữ quyển thi của thí sinh đồng thời là nơi làm việc của các quan Đề điệu. Bên trái có nhà quan Chánh đề điệu, bên phải là nhà quan Phó đề điệu, sau lưng là dãy Lại phòng giành cho các Lại điển giúp việc. Nối tiếp với khu này là phần Nội trường. Nơi hội họp các quan Sơ khảo, Phúc khảo và Giám khảo gọi là Giám viện, dựng giữa Nội trường. Nhà quan Phúc khảo bên trái, nhà quan Sơ khảo bên phải, nhà quan Giám khảo kế cạnh. Nhà quan Khoa đạo cùng đội Mật sát ở sau những dãy nhà này. Trường thi được rào chắn bao bọc nghiêm cẩn, cả tổng thể bên ngoài lẫn bên trong, ngăn cách Nội trường, Ngoại trường, các vi, Công sảnh… Người ta cũng đề phòng các quan liên lạc riêng với nhau, nên rào cả các phần nhà ở.

(còn tiếp)

. Nguyễn Thanh Mừng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chùa Bồ Đề và danh nhân Đào Duy Từ   (18/11/2004)
Cánh Tiên cổ tháp   (16/11/2004)
Làng quê Bình Định xưa   (16/11/2004)
Lễ bỏ mả của người Bana ở Bình Định   (14/11/2004)
Kiến trúc tháp Chăm   (09/11/2004)
Nhà lá mái   (03/11/2004)
Chùa Thắng Quang - một danh lam cổ tự   (02/11/2004)
Tháp Vàng Phốc Lốc   (01/11/2004)
Phụng Sơn kỳ thú  (27/10/2004)
Bắt chuột đồng mùa lụt  (26/10/2004)
Trang phục người Bình Định xưa  (26/10/2004)
Mả ông Ầm  (25/10/2004)
Tháp Đôi Quy Nhơn   (24/10/2004)
Các lễ cúng của ngư dân vùng biển Bình Định  (18/10/2004)
Đôi điều tản mạn về "Chàng trai Bình Định"   (15/10/2004)