Trường thi Bình Định (kỳ 2)
16:4', 19/11/ 2004 (GMT+7)

Trường thi Bình Định dựng vào thời Tự Đức, cũng nằm trong tình trạng chung của cả nước, điều kiện vật chất có hạn chế, tiện nghi chưa được chu đáo cho cả các quan thầy lẫn sĩ tử! Nội quy kỳ thi, nhằm chống gian lận, được hết sức chú ý. Năm Tự Đức thứ 33, 1880, vua cho sửa cổng từ 3 thước thành 4 thước 2 tấc (1,3 mét lên 2 mét), đóng kín bằng ván, lan can cao từ 2 thước thành 3,5 thước để chống sự leo trèo! Các cổng đến Đề điệu Công sảnh đều có cửa nhưng đóng mở bất tiện nên cải tiến bằng cách mở một ô nhỏ phía trên cao 1 thước 1 phân (bề 4,6 tấc, bề 2,5 tấc), vừa đủ kích cỡ đưa quyển thi ra vào, và cũng có khóa đóng mở cẩn thận. Để tránh giao thiệp với bên ngoài trong lúc coi thi và chấm thi, người ta cho xây "giả hải" mỗi bề 4 thước và sâu 5 thước (mỗi bề chừng 1,6 mét, sâu 2 mét) đổ đầy nước dùng cho thầy trò cùng dùng, tránh để người ngoài gánh vào bất tiện.

Thi hương là để chọn người cho thi hội rồi thi đình. Theo Lãng Nhân trong Giai thoại làng Nho, đỗ đầu thi hương là Giải nguyên, thứ nhì là Á nguyên tức Á khoa, tiếp theo hạng trên là cử nhân, hạng dưới là tú tài. Kép là đỗ hai khoa, mên là đỗ ba khoa, đụp là đỗ bốn khoa, đều chỉ hạng tú tài.

Các quyển thi được chấm xếp ưu, bình, thứ, liệt. Thời Gia Long chia thành bốn trường với một kỳ phúc hạch. Bốn trường thì trường nhứt thi Kinh nghĩa, trường nhì thi Chế biểu, trường ba thi thơ Đường, phú, trường tư thi văn sách. Thời Minh Mạng, năm 1834 đổi thành ba trường. Rồi năm Tự Đức 1851 đổi lại bốn trường, đến năm 1858 lại đổi lại ba trường. Đến triều Duy Tân, từ 1907 thay đổi nội dung, trường nhứt thi Văn sách, trường hai thi Luật, Dụ, Chiếu, Biểu, trường ba thi luận Việt văn và luận chữ Hán, phúc hạch thi Văn sách. Như vậy, đến thời này thì bỏ thi Kinh nghĩa và Thơ phú. Từ năm 1912 trở đi cho trường nhứt thi bốn bài Văn sách, trường hai hai bài luận Việt văn. Trường ba không bắt buộc, thi một bài tiếng Pháp. Môn này mãi đến năm 1915 mới bắt buộc. Thời Gia Long cho thi cả từng trường, trúng cách mới cho thi trường tiếp. Thời Minh Mạng cho thi cả rồi dựa trên các quyển thi để chấm. Đến thời Tự Đức, lại cho thi trúng cách ở trường này mới tiếp tục dự thi trường kia.

Thí sinh đăng ký trước kỳ thi bốn tháng tại Lý trưởng nơi địa phương mình cư trú. Những người không được dự thi có nhiều loại: đang chịu tang cha mẹ hoặc ông bà nội (nếu mình là thừa trọng), người ngoại tỉnh đến trọ học, trừ người theo cha ông trấn nhậm nơi xa, người bất hiếu bất mục, người thân thuộc với người bị tội chém, thắt cổ, đi đày, sung quân (dù người bị tội đã được tha về), người thân thuộc với giặc (người khởi nghĩa, người nổi loạn, người theo Tây trong thời kỳ đầu, người theo phong trào Cần Vương chống Pháp, tất cả đều bị cho là giặc). Nếu bốn loại trên thuộc loại chánh yếu phạm thì dù đã mất hay đã ra đầu thú, được tha, người thân vẫn bị cấm thi. Dù sự kiện xảy ra lúc thí sinh còn nhỏ chưa biết gì, lớn lên cũng bị áp dụng luật này. Người theo đạo Thiên chúa nếu ra khỏi đạo mới được dự thi. Về học lực, thí sinh phải trải qua kỳ hạch gọi là Khảo khóa, ở địa phương, do Giáo thụ Huấn đạo địa phương duyệt chấm, nơi không có vị này thì quan coi việc học làm thay. Những nơi thí sinh ít thì gom lại, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên Khảo khóa chung tại Bình Định. Kỳ sát hạch này nhằm làm giảm những thí sinh chưa đủ trình độ, đỗ cao nhất của kỳ sát hạch này gọi là Đầu xứ. Qua khỏi kỳ Khảo khóa, sĩ tử nộp quyển cho quan Đốc học chuẩn bị cho kỳ thi hương. Ngày thi bắt đầu từ đầu trống canh năm hoặc canh tư và đến canh năm các sĩ tử phải được vào hết trong trường, bắt đầu cắm lều sau khi trải qua việc khám xét tài liệu.

Các quyển thi được chấm ở Nội trường, quan Sơ khảo chấm mực son, quan Phúc khảo chấm mực xanh, quan Giám khảo chấm bằng mực hồng đơn. Trong ba lời phê, lời phê thứ ba là của quan Giám khảo, có giá trị quyết định nhất. Sau đó chuyển ra Ngoại trường. Trừ hạng liệt phải giao cho quan Phân khảo xét lại để đệ trình sau, các loại ưu, bình, thứ được Chánh Phó chủ khảo quyết định.

Trường thi Bình Định, trong quá trình hiện diện của mình đã gồng gánh trên vai 22 khoa thi, lệ thường 3 năm một khoa nhưng có những năm ân khoa thì thi sát thời gian, tức năm một. Nếu thống kê lại qua tư liệu của Quốc triều hương khoa lục thì trường thi Bình Định chọn được 342 cử nhân. Còn tú tài thì rất nhiều. Trong số đó, sĩ tử Bình Định chiếm đến gần 60%, 194 vị, còn lại các tỉnh khác Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, tất cả 148 vị. Trong số 22 thủ khoa, Bình Định chiếm hết 12, còn lại 10 là Quảng Ngãi, các tỉnh khác không có! Nếu tính toàn bộ các nhà khoa bảng Bình Định dưới triều Nguyễn, cả lúc chưa mở trường thi ở xứ sở này thì tổng cộng Bình Định có 257 cử nhân, tiến sĩ, phó bảng!

Các câu ca dao sau đây không biết xuất hiện từ lúc nào:

Tiếc công Bình Định xây thành

Để cho Quảng Ngãi vô giành thủ khoa

Và:

Tiếc công Quảng Ngãi đường xa

Để cho Bình Định thủ khoa ba lần

Có người cho rằng khoa đầu tiên 1852 Quảng Ngãi thủ khoa và ba khoa liên tiếp sau đó, 1855, 1858, 1867, Bình Định đều chiếm giải khôi nguyên nên các câu trên mới hình thành. Sự thực thì không phải vậy. Cả bốn khoa đầu tiên, sĩ tử Bình Định đều giành thủ khoa! Quốc triều hương khoa lục đã ghi danh các quán quân từng khoa, lần lượt bốn khoa đầu là Cao Văn Tuấn người Tuy Viễn, Nguyễn Đăng Tuyển người Phù Mỹ, Nguyễn Duy Lộc người Phù Cát, Lê Đăng Đệ người Phù Cát. Ân khoa 1868 và khoa 1870 đến hai sĩ tử Quảng Ngãi là Nguyễn Luật và Trương Đăng Tuyển đều người Bình Sơn. Khoa 1873 đến Bình Định với Lê Văn Thái người Tuy Phước, khoa 1876 đến Quảng Ngãi với Nguyễn Văn Hành người Bình Sơn. Ân khoa 1878 lại đến Bình Định với Nguyễn Khởi người Tuy Phước. Tiếp theo ba khoa liền 1879, 1882 và 1884 (ân khoa), đều về miền Quảng Ngãi: Bùi Phụ Truyền người Chương Nghĩa, Trần Cư người Bình Sơn và Phạm Văn Chất người Mộ Đức. Hai khoa tiếp theo, 1885 và 1891, lại về xứ Bình Định với Lê Thân và Lê Dương đều người Tuy Phước. Ba khoa tiếp theo 1894, 1897, 1900, lại đến Quảng Ngãi với Dương Huy người Bình Sơn, Phạm Hào người An Mỹ, Tạ Hàm người Chương Nghĩa. Ba khoa tiếp theo, 1903, 1906, 1909, lại trở về Bình Định với Lê Đức Dĩnh người Phù Cát, Lê Truân người Hoài Ân, Lê Đình Thoại người Bồng Sơn. Đến khoa 1912 đến Quảng Ngãi với Trần Phan người Mộ Đức. Bình Định chiếm khoa cuối cùng 1915 với Đặng Thành Đôn người Tuy Phước.

Phải nói, không khí thi đua học tập giữa Bình Định và Quảng Ngãi, trong thời kỳ này, thật đáng nể mặt trong dải đất Nam Trung bộ! Có khoa ba anh em ở làng Xuân Quơn, Tuy Phước đậu cả ba, trong khi cả tỉnh Khánh Hòa chỉ có một. Thế nên mới có câu "Một tỉnh Khánh Hòa không bằng một nhà Xuân Quơn"!

            Chuyện "Bình Định song cuồng" là một giai thoại được các bậc túc nho nhắc nhở. Ấy là mỹ danh người đời gắn cho hai nhà thơ tài hoa nhưng không chịu câu thúc với "khuôn vàng thước ngọc", tức lối văn chương cử tử chốn trường quy, Nguyễn Bá Huân người An Nhơn và Phan Trường Phát người Phù Cát. Nguyễn Bá Huân là con cả cụ tú Nguyễn Khuê, một gia đình năm thi sĩ, từ người cha đến bốn con trai. Khoa nào đi thi ông cũng mang một bầu rượu, vào làm bài với tâm nguyện viết được chữ nào đắc ý thì tự thưởng một chén rượu. Mà văn Nguyễn Bá Huân, mười chữ phải đắc ý trên chín chữ! Thế cho nên, "Gió về cố lý cơn cơn nhẹ - Non kết đồng tâm dãy dãy xanh", ông vừa cất bút vừa thưởng rượu cho đến say khướt! Ngất ngưởng giữa chốn lều chõng mà ông ngỡ mình như ông lão nằm trong thuyền chài, đâu cần tiệc Lộc minh với áo mũ chật chội vua ban vì mình quá giàu có những dì gió cô trăng, quá bát ngát với núi cao sông rộng! Phạm Trường Phát đi thi không thèm mang lều chõng, lại quấn khăn trắng mấy vòng trên đầu, ai hỏi thì đáp rằng sợ mình hay chữ quá, nổ đầu văng óc lây chữ cho quan trường thì quá uổng phí! Ông vào trường ngồi giữa Thập đạo đường làm thơ và bình luận kinh sách, vừa đọc vừa lấy bút khuyên vào chi chít! Nếu chữ nào của Nguyễn Bá Huân cũng thơm ngát, thì câu nào của Phạm Trường Phát cũng đại khái là "lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu". Ông tự nhủ, trong thời buổi nhiễu nhương, cốt giữ cái tâm không dùng chữ nghĩa thánh hiền làm vật thế chấp cho cuộc bon chen danh lợi. Ông tự dặn lòng, rằng để quan trường khuyên lên văn bài của mình thì quá uổng phí! Một hôm sau khi xem bảng vàng, mừng vui với tân thủ khoa Bình Định trong quán nước, một sĩ tử tỉnh ngoài thấy Bình Định thủ khoa liên tiếp, có vẻ khó chịu, chưa tâm phục khẩu phục, nhân trang thờ bà Cửu Thiên Huyền Nữ có câu đối "Trạc trạc khuyết linh - Dương dương tại thượng" liền ra vế đối thử tài:

Trạc trạc khuyết linh, anh thấy em xinh, dương dương hồ tại thượng

Vế đối chữ nghĩa bình thường nhưng rất khó ở chỗ phải mượn chữ, mượn cảnh ngay trước mắt mới đắc địa. Một người bước tới tự xưng là kẻ thi rớt, bất tài nhưng thấy vế đối quá dễ, không xứng sức với vị tân thủ khoa Bình Định, và xin đối thay. Liền thét chủ quán mang rượu thịt ra. Chủ quán gọi vợ, vợ dạ ran sẵn sàng. Nhân đấy, vế đối bay ra theo:

Cấp cấp bất hạ, chồng kêu vợ dạ, đản đản kỳ nhiên tai

Biết gặp đúng danh tài Phạm Trường Phát, người kia rối rít giảng hòa và muốn được kính cẩn nâng hai chén rượu lên khỏi đầu, chén thứ nhứt giành cho họ Phạm, chén thứ hai giành cho tân thủ khoa. Từ việc thách thức, chuyện chữ nghĩa chẳng những không làm họ xích mích thêm mà lại đã đưa họ thành bạn bè.

(còn tiếp)

. Nguyễn Thanh Mừng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trường thi Bình Định (kỳ 1)  (19/11/2004)
Chùa Bồ Đề và danh nhân Đào Duy Từ   (18/11/2004)
Cánh Tiên cổ tháp   (16/11/2004)
Làng quê Bình Định xưa   (16/11/2004)
Lễ bỏ mả của người Bana ở Bình Định   (14/11/2004)
Kiến trúc tháp Chăm   (09/11/2004)
Nhà lá mái   (03/11/2004)
Chùa Thắng Quang - một danh lam cổ tự   (02/11/2004)
Tháp Vàng Phốc Lốc   (01/11/2004)
Phụng Sơn kỳ thú  (27/10/2004)
Bắt chuột đồng mùa lụt  (26/10/2004)
Trang phục người Bình Định xưa  (26/10/2004)
Mả ông Ầm  (25/10/2004)
Tháp Đôi Quy Nhơn   (24/10/2004)
Các lễ cúng của ngư dân vùng biển Bình Định  (18/10/2004)