Trường thi Bình Định (kỳ cuối)
22:27', 22/11/ 2004 (GMT+7)

Giai thoại làng Nho gắn liền với trường thi Bình Định rất nhiều. Truyền rằng năm 1905, các chí sĩ Việt Nam chủ trương vận động bỏ lối khoa cử, theo đường duy tân để đất nước tiến bộ. Trên đường vào Nam hô hào theo quan điểm trên, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng ghé ngang qua Bình Định. Cả ba ông gặp kỳ thi hạch, liền cùng vào thi. Kỳ này ra đầu đề là Chí thành thông thánh và bài phú Danh sơn lương ngọc. Cả ba đều nộp quyển ký chung tên Đào Mộng Giác, nội dung thức tỉnh tinh thần dân tộc. Bài thơ Chí thành thông thánh: "Thế sự hồi đầu dĩ nhất không - Giang sơn hòa lệ khấp anh hùng -Vạn dân nô lệ cường quyền hạ - Bát cổ văn chương túy mộng trung -Trường thử bách niên cam thóa mạ - Bất tri hà nhật xuất lao lung - Chư quân vị tất vô tâm huyết - Thí bả tư văn tụng nhất thông". (Nhìn lại việc đời đã trống không - Non sông rỏ lệ khóc anh hùng - Muôn dân trói buộc vòng nô lệ - Tám vẻ thơ văn giấc ngủ nồng - Chịu mãi suốt đời người mắng nhiếc - Bao giờ đến lúc hết cùm gông - Các ngài chẳng lẽ không tâm huyết - Xin đọc bài này một mạch thông).

Bài phú Danh sơn lương ngọc của ba vị lời lẽ đầy bi thống, nội dung khẳng định truyền thống quật cường của dân tộc trong lịch sử và cảnh giác mọi người rằng trong thời buổi này, nền văn chương cử tử cũng như thói đê hèn cam chịu là rất đáng phê phán, tất cả phải mở mắt nhìn thời thế.

Ba nhà yêu nước đồng thời là ba nhà khoa bảng lớn, đã mượn chốn trường thi Bình Định để làm cuộc luận thuyết cách mạng, đanh thép và nhiệt thành! Câu chuyện lan rộng trong giới Nho học và tỏa đến dân chúng, có tác dụng tích cực với tâm trạng xã hội đương thời.

Vở tuồng Ngũ hổ bình Tây, một vở tuồng xuất sắc lưu truyền ở Bình Định thế kỷ XIX đến nay là của cụ tú Nguyễn Diêu, một người học vấn thượng thặng nhưng rất lận đận với bút nghiên lều chõng. Trong vở tuồng ba hồi với những tình tiết ly kỳ xung quanh những nhân vật khí khái, trọng nhân nghĩa này, có cảnh Địch Thanh trốn vợ là Trại Ba, công chúa Đơn Quốc, để về thăm mẹ bị vua Tống bắt oan. Cuộc rượt đuổi và dùng dằng bên cửa ải, trong hồi hai thường diễn độc lập với tên vở là Địch Thanh ly Thợn, thật lâm ly.

Nguyễn Diêu là thầy học của Đào Tấn. Tương truyền trong lúc đi làm quan, Đào Tấn mở tuồng của thầy ra đọc lại. Biết thầy gửi gắm rất nhiều uẩn khúc trong đời riêng cho hồi tuồng này, thầy cho Trại Ba trách mắng Địch Thanh hết lời như là người là người yêu thầy trách mắng thầy! Đào Tấn cảm động lắm nhưng thấy bố cục hồi tuồng còn sơ hở, vì trước đó Trại Ba cho quân chốt chặn cửa ải mà lúc nguôi lòng cho Địch Thanh về, chỉ cứ thế mà đi chứ không mở, cần phải chữa lại cho chặt chẽ hơn. Nghĩ vậy nhưng khi về quê thì thầy đã yên nghỉ ngàn thu! Ông mang một con heo quay đến tế thầy, rồi xin vong hồn thầy vui lòng cho trò "biên tập".

Thật đúng thầy ấy trò này, nỗi lòng đến xuống cả tuyền đài còn có người nói hộ! Câu chuyện đời riêng của cụ tú Nguyễn Diêu rất bi thảm, cho nên cụ đã ký thác qua tác phẩm này. Thời trai trẻ trọ học ở Bình Định, cụ đã có người yêu thề non hẹn biển. Đó chính là cô gái cưng con ông chủ nhà. Đôi mái tóc xanh đã có lúc khắng khít bên nhau một đêm nhiều mưa, đến tưởng chừng nếu có trận đại hồng thủy cũng chưa chia tan nổi! Nhưng sau khi trường thi Bình Định yết bảng ông đỗ tú tài, có người bắn tin gả con gái cho. Ông không thể chối từ mẹ khi bà một sống hai chết rằng đã chọn nàng dâu! Ông đã gạt nước mắt cầm chữ hiếu để trên đầu, còn chữ tình thả trôi trong gió bạc! Tiếp hung tin, người con gái xưa đã nhảy cắm đầu xuống giếng, trong bụng nàng còn có đứa con đang hoài thai ba tháng! Nàng Trại Ba công chúa của ông, đa mang lắm, dùng dằng lắm, nhưng người trong tác phẩm thì kết thúc có hậu, người ngoài đời thì xiết đỗi bi thương!

Một người trong giới chức có trách nhiệm ở trường thi Bình Định được thiên hạ hay nhắc là bảng nhãn Vũ Duy Thanh, người Ninh Bình, giữ chức Tế tửu ở Kinh. Khi được cử vào Bình Định làm quan Phân khảo ở trường thi, ông đã từng đề nghị cho một thí sinh bị điểm liệt cả ba trường lên hạng bình và đỗ cử nhân. Với phận sự phân khảo, ông đọc lại các quyển bị phê liệt và nhận thấy đây là một văn tài, nhất định về sau sẽ có sự nghiệp quan trọng với dân nước. Quả nhiên, cặp mắt xanh của ông có tầm của một tiên báo. Người thí sinh ấy chính là Ông Ích Khiêm. Đến trường thi Bình Định, ông nhớ thầy cũ là quan Đốc học Bình Định Phạm Thục, gửi lòng vào một luật:

Giấc mộng phù sinh bóng bạch câu

Cõi đời thấm thoắt có bao lâu

Theo đường xe ngựa mau chồn bước

Nhuốm vẻ quan san dễ bạc đầu

Tiếng sóng bên ghềnh cơn gió thoảng

Ngọn đèn trước án bóng trăng thâu

Tuyết hồng nhớ chuyện mười năm trước

Một nén tâm hương gợi mối sầu

Mai Xuân Thưởng đậu cử nhân ở trường thi Bình Định năm 1885, đúng lúc kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn. Tình trạng trường thi rất hiu hắt, nhiều người bỏ ngang mà về. Tương truyền khi ban áo mũ cho tám tân khoa kỳ này, quan Chánh chủ khảo có bài thơ tặng rất cảm động:

Sơn hà phong cảnh dị tiền niên

Hoàn giảm du khan thử địa huyền

Hận mãn xương môn trần ám ngoại

Lệ linh văn viện bút đình viên

Lịch triều giáo dục ân như hải

Bát giải thanh danh phẩm thị tiên

Nhất dự y quan nan tự hủy

Cương thường khán thử cổ anh hiền

Quách Tấn dịch:

Non sông xưa đã khác rày

Gương "hoành công khí" nơi này còn treo

Cửa rồng hận ngất trần hiêu

Bút hoa tuôn lệ tiêu điều viện văn

Lịch triều lai láng biển ân

Dự hàng bát tuấn thêm phần thanh cao

Áo xiêm trót đã buộc vào

Cương thường noi dấu anh hào nghìn xưa

Theo Quách Tấn chính quan Chánh chủ khảo là người phó thác tâm nguyện về đại sự cho Mai Xuân Thưởng, vì đêm trước ông nằm mộng thấy bà lão cầm tặng một nhành mai trắng, mùi hương dìu dịu. Quan liền đưa tay nâng thì hoa mai rụng vào nghiên son. Giật mình soát quyển thi thì thấy có người họ Mai. Văn chương quyển này rất khí phách. Quan giải mộng, tin chắc điềm ứng vào con người trẻ tuổi này.

Trường thi Bình Định, do tầm vóc vai trò của nó, để lại nhiều ấn tượng trong tâm thức sĩ tử một dải Nam Trung bộ rộng lớn. Người Bình Định nói chung và người An Nhơn nói riêng hiện nay, mỗi lần đi qua Hòa Nghi, ắt những ai lưu tâm đến truyền thống, không khỏi dâng lên niềm cảm khái tự hào về đất học xưa. Chẳng thế, sao ngót một thế kỷ dâng mình cho bùn hoang cỏ dại, con đò nan không còn in bóng áo hàn nho rộn rịp của các sĩ tử, mà lòng người hãy còn đầy mường tượng trong những lời kể tả, truyền đời này đến đời nọ. "Ông lão vẫn say trăng đầu gối sách", hình tượng ấy trong thơ Yến Lan, một người bị đẻ rớt trên bến Trường Thi quê ngoại, liệu có phải đang làm sống lại cái thần thái một vùng đất có thời đặc dụng cho việc thi thư kinh nghĩa? Trong những mùa "hòe hoa vàng, cử tử mang" và bao nhiêu mùa của trời đất và đời người của thời hiện đại, người ta vẫn tìm về xưa cũ như một sứ mệnh. Một sứ mệnh hồn nhiên và trong trẻo của những con người Việt Nam có nhiều truyền thống, trong đó dứt khoát không thể thiếu truyền thống trọng khoa danh hiền tài. Tình đất tình người địa phương luôn rộng mở, nhưng vì là trường giành cho ba năm một khoa, hồi ấy trừ những ai còn lận đận với hy vọng vinh quy bái tổ chưa thành, ai đỗ đạt cứ lên đường thăng tiến của vận hội đời người, mấy ai còn có vinh hạnh gặp dịp may trở lại trường xưa lều cũ! Điều ấy rất bình thường. Dường như trong ngọn gió mùa thu, mùa lều chõng hồi ấy, vẫn còn vang lên câu hát:

Ai người về bến Trường Thi

Về rồi để lại ra đi không về

 

. Nguyễn Thanh Mừng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trường thi Bình Định (kỳ 2)   (19/11/2004)
Trường thi Bình Định (kỳ 1)  (19/11/2004)
Chùa Bồ Đề và danh nhân Đào Duy Từ   (18/11/2004)
Cánh Tiên cổ tháp   (16/11/2004)
Làng quê Bình Định xưa   (16/11/2004)
Lễ bỏ mả của người Bana ở Bình Định   (14/11/2004)
Kiến trúc tháp Chăm   (09/11/2004)
Nhà lá mái   (03/11/2004)
Chùa Thắng Quang - một danh lam cổ tự   (02/11/2004)
Tháp Vàng Phốc Lốc   (01/11/2004)
Phụng Sơn kỳ thú  (27/10/2004)
Bắt chuột đồng mùa lụt  (26/10/2004)
Trang phục người Bình Định xưa  (26/10/2004)
Mả ông Ầm  (25/10/2004)
Tháp Đôi Quy Nhơn   (24/10/2004)