Ông mai dong
17:39', 23/11/ 2004 (GMT+7)

Tôi đã tìm trong Từ điển Tiếng Việt, nhưng không thấy hai từ "mai dong". Theo thiển nghĩ của tôi, mai ở đây là mai mối, còn dong thì không hiểu sao người ta lại gọi như thế. Song nôm na, mai dong là người chuyên làm mai, mối (giới thiệu, thuyết phục) cha mẹ hai bên đồng thuận, cho đôi trai gái nên vợ chồng.

Chuyện không xưa lắm, cách đây chừng ba bốn mươi năm, ở An Nhơn quê tôi vẫn còn những ông mai dong (thường là đàn ông vì phụ nữ ít ai làm việc này). Hồi ấy trong xóm tôi có một ông mai dong, thường gọi là ông Chín. Theo tiêu chuẩn của một mai dong, trước hết phải là người có vai vế trong làng, thông hiểu sự đời mới đủ lý lẽ để thuyết phục chuyện trăm năm của đời người. Nhưng ở ông Chín không phải là người vai vế, lý lẽ cũng không nhiều, được cái ông là người chân chất, ngay thẳng và có "khiếu" trong chuyện này. Ông thường đi xóm này, xóm nọ trong thôn xem nhà ai có con trai đến tuổi lập gia đình, con gái đến thì… để tìm cách ráp cho có đôi, có cặp. Thường khi gặp "nhân vật", ông chỉ hỏi đùa vài câu, đại để khi gặp người con trai ông nói: "Tao thấy con B xóm dưới được đó, mày có thích nó không?". Rồi qua thái độ của chàng trai, ông hiểu được "nó" có ưng ý hay không. Nếu thấy chàng trai ưng chịu, ông lại tìm đến nhà người gái, vẫn những câu hỏi nửa đùa nửa thật thăm dò như thế để tìm hiểu. Nếu thấy đôi bên "tình trong như đã…", thì ông nối kết bằng cách dò xem sự ưng thuận cha mẹ, họ hàng hai bên.

Thường ngày trước, nhất là hồi chưa giải phóng, mối quan hệ trai gái trong thôn, xã, hoặc từ xã này qua xã khác ở nông thôn không được "thoáng" như bây giờ. Thậm chí ở cùng thôn nhưng trai, gái khó có điều kiện gặp gỡ. Chàng trai nào nhút nhát thì khó tìm được vợ. Vậy nên, vai trò của ông mai dong rất quan trọng. Gặp phải chàng trai lòng muốn có vợ, nhưng lại không dám đến nhà gái, thì ông mai dong có nhiệm vụ dẫn dắt, tạo cớ để chàng trai được đến nhà cô gái để xem cho rõ mặt, gọi là "coi mắt". Nếu cô gái kia linh cảm được khi ông mai dong đến nhà mình và chàng trai kia không phải là chuyện tình cờ, thì thường xấu hổ không dám lên nhà trên. Biết ý, ông mai dong gợi ý chàng trai phải "năng động" tìm kế xuống nhà dưới để gặp cho được cô gái.

Có câu chuyện vui rằng, một chàng trai quá nhút nhát gặp phải cô gái tinh ý, cô cứ ở nhà dưới không chịu lên nhà trên để buộc chàng trai phải bước xuống. Khi thoáng thấy bóng cô gái ở nhà dưới, chàng trai đi xuống mà mắt chăm chăm vào "bóng hồng" đến nỗi chân mang giày ủi vô chiếc nồi đồng để bên lối đi lúc nào không hay. Cứ thế chàng trai mang chiếc nồi đồng rổn rẻng xuống nhà dưới. Đến khi cô gái hỏi: "Anh mang chiếc nồi của tôi đi đâu thế?", chàng trai mới giật mình, mắc cỡ muốn "độn thổ" mà không được. Gặp lúc "bí" như thế, chàng trai được ông mai dong giải nguy: "Nó mang nồi xuống cho con nấu cơm đó". Câu nói của ông mai cũng có nghĩa là người con trai muốn lấy cô gái này làm vợ và chỉ chờ câu trả lời của cô gái.

Không chỉ có chuyện "coi mắt", khi hai bên đã ưng thuận, ông mai dong còn phải lo sắp xếp các lễ thăm nhà, đi hỏi, cho đến khi hoàn tất đám cưới cho đôi trai gái. Phần lễ tạ ông mai thường chỉ gói trà, chai rượu gọi là công đức. Niềm vui nhất của ông mai là khi cặp vợ chồng đó về sống với nhau trên hòa, dưới thuận và năm đầu tiên đi tết ông mai con gà trống thiến. Nhiều cặp vợ chồng ngày xưa chỉ qua ông mai dong mà nên duyên chồng vợ, ăn đời ở kiếp, hạnh phúc, con đàn cháu đống. Nhưng không phải không có những cặp không hạnh phúc vì không hợp tính tình mà phải cưới nhau do cha mẹ ép buộc, hoặc nghe lời ông mai dong.

Ở quê tôi, trường hợp các cặp vợ chồng qua ông mai dong mà sau này bị tan vỡ không nhiều, nhờ cái "đức" của ông Chín. Làm nhiệm vụ ông Tơ bà Nguyệt, ông Chín đã giúp cho bao nhiêu trai gái trong thôn, trong xã nên duyên chồng vợ. Ông Chín tuổi già và mất sau ngày giải phóng, dạo ấy nhiều năm liền không ít cô gái trong xóm đã đến tuổi lấy chồng không còn ai dẫn dắt các chàng trai từ nơi khác đến nữa, có người ở đến quá thì. Nhìn những chị đã gần bốn mươi tuổi mà đường chồng con còn lận đận, tôi mong sao có người nào đó nối nghiệp ông Chín.

Nhưng rồi cuộc sống ngày càng đổi thay, ngày nay cái nhìn về hạnh phúc lứa đôi đã khác xưa, trai gái trong làng, trong xã lớn lên tự do tìm hiểu, không cần đến người mai mối nữa. Vả lại, cái nghề làm mai dong cũng lắm điều suy nghĩ, vì nếu tình nghĩa vợ chồng suôn sẻ thì chẳng sao, còn trục trặc thì ông mai cũng bị oán trách.

Dẫu sao, mỗi khi nghĩ về cuộc sống nông thôn, hình ảnh ông mai dong khăn đóng, áo dài đi trước, chàng trai mặc đồ âu đi sau đến nhà gái "coi mắt" lo chuyện trăm năm lứa đôi, vẫn còn đọng lại trong tôi một nét xưa đáng nhớ.

. Thanh Trúc

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Truông Xe, cái nôi của người Việt cổ   (22/11/2004)
Trường thi Bình Định (kỳ cuối)  (22/11/2004)
Trường thi Bình Định (kỳ 2)   (19/11/2004)
Trường thi Bình Định (kỳ 1)  (19/11/2004)
Chùa Bồ Đề và danh nhân Đào Duy Từ   (18/11/2004)
Cánh Tiên cổ tháp   (16/11/2004)
Làng quê Bình Định xưa   (16/11/2004)
Lễ bỏ mả của người Bana ở Bình Định   (14/11/2004)
Kiến trúc tháp Chăm   (09/11/2004)
Nhà lá mái   (03/11/2004)
Chùa Thắng Quang - một danh lam cổ tự   (02/11/2004)
Tháp Vàng Phốc Lốc   (01/11/2004)
Phụng Sơn kỳ thú  (27/10/2004)
Bắt chuột đồng mùa lụt  (26/10/2004)
Trang phục người Bình Định xưa  (26/10/2004)