Núi Xương Cá
15:53', 26/11/ 2004 (GMT+7)

Giữa cánh đồng rộng của xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước bỗng nổi lên một hòn núi nhỏ. Núi chạy theo hướng tây bắc - đông nam, dài khoảng 200 mét. Trên núi có nhiều đá dựng lởm chởm và cây cối mọc lúp xúp, cao chừng trên dưới một mét. Nhân dân địa phương quen gọi là núi Xương Cá.

Xưa kia, có lẽ phải hàng nghìn năm, núi Xương Cá còn nằm giữa đầm Thị Nại. Trải qua năm tháng "vật đổi sao dời", sóng biển đã bồi đắp phù sa lấp dần mặt đầm, làm nên đồng ruộng phì nhiêu khiến người ta tưởng núi lùi sâu vào nội địa. Cũng vì thế, nhân dân quanh vùng đời nọ nối đời kia truyền nhau một câu chuyện dân gian về ông Khổng Lồ và núi Xương Cá. Truyện kể rằng từ thủa khai thiên lập địa, có một ông Khổng Lồ hàng ngày gánh các hòn núi đi lấp biển, làm thành đồng ruộng làng xóm. Một bữa, ông gánh hai hòn núi đến bờ đầm Thị Nại thì đặt xuống nghỉ. Thấy đầm Thị Nại có nhiều cá, ông Khổng Lồ bèn xuống bắt và ngồi ăn. Ăn mãi ăn mãi… đến nỗi xương cá chất thành hòn núi lớn, trở thành núi Xương Cá ngày nay. Hai hòn núi ông gánh để đó chính là núi Kỳ Sơn và núi Chóp Vung bây giờ vậy.

Trên núi Xương cá có nhiều loại đá quí. Những đêm trăng sáng hay chiều tà, nắng chiếu xuyên nghiêng thì các khối đá trên núi Xương Cá lại sáng lấp lánh như ánh kim cương. Đó là đá gra-nít hay gọi là đá hoa cương, được dùng nhiều trong xây dựng, trang trí nhà cửa. Trên các phiến đá ấy là những vân thạch anh, vẽ thành nhiều hình thù kỳ lạ, đẹp mắt như hình xương cá, hình các đám mây, hình núi non, cây cỏ, chim muông và các đường hoa văn kỳ ảo.

Trong lòng núi Xương Cá còn có loại đất sét trắng gọi là cao lanh để làm đồ sành sứ rất tốt. Nhân dân địa phương thường đào lấy đất này trát vách, đổ nền nhà vừa đẹp vừa bền chắc, lại đỡ tốn tiền và khỏi bị mưa nắng làm hư hỏng.

Núi Xương Cá là một cảnh đẹp tự nhiên của địa phương, lại là nguồn cung cấp nguyên liệu cho xây dựng nhà cửa và sản xuất đồ sành sứ. Nếu biết giữ gìn và khai thác có qui hoạch, núi sẽ đem lại nhiều hiệu quả kinh tế cũng như phát triển du lịch cho chúng ta.

. Nguyễn Văn Chương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ông mai dong   (23/11/2004)
Truông Xe, cái nôi của người Việt cổ   (22/11/2004)
Trường thi Bình Định (kỳ cuối)  (22/11/2004)
Trường thi Bình Định (kỳ 2)   (19/11/2004)
Trường thi Bình Định (kỳ 1)  (19/11/2004)
Chùa Bồ Đề và danh nhân Đào Duy Từ   (18/11/2004)
Cánh Tiên cổ tháp   (16/11/2004)
Làng quê Bình Định xưa   (16/11/2004)
Lễ bỏ mả của người Bana ở Bình Định   (14/11/2004)
Kiến trúc tháp Chăm   (09/11/2004)
Nhà lá mái   (03/11/2004)
Chùa Thắng Quang - một danh lam cổ tự   (02/11/2004)
Tháp Vàng Phốc Lốc   (01/11/2004)
Phụng Sơn kỳ thú  (27/10/2004)
Bắt chuột đồng mùa lụt  (26/10/2004)