Trên đất nước Việt Nam bốn nghìn năm văn vật đã có rất nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng. Có ngôi chùa ra đời một cách hồn nhiên từ nơi gò đống, trẻ chăn trâu phát hiện một mô đá tượng hình đấng từ bi, bỗng thấy không thể giỡn đùa được mà mỗi lúc đi ngang dứt khoát không thể không cúi đầu.
|
Chùa Thập Tháp - ảnh: Đào Tiến Đạt |
Có ngôi chùa ra đời từ giấc mơ, khi thì của một thường dân vượt qua cơn hoạn nạn, khi thì do một vị quan hưu "trẻ nghĩ đến nhà già nghĩ đến chùa", khi thì của một bậc đế vương đang trên đường vi hành chọn chốn tiềm long ẩn phụng. Có ngôi chùa ra đời từ một lời nguyện gia đình, dòng tộc hoặc xóm làng như sấm truyền. Đạo Phật qua các triều đại phong kiến có lúc là quốc đạo. Chùa Trấn Quốc tương truyền có từ thời Lý Nam Đế (544-548) khi ấy được gọi là chùa Khai Quốc. Chùa Diên Hựu (Một Cột) do vua Lý Thái Tông mộng thấy Phật Quan Âm dắt lên tòa sen nên xây tượng hình tòa sen dựng lên bởi cột đá giữa hồ. Chùa Keo kết hợp giữa đền và chùa, được dựng bởi thiền sư Dương Không Lộ với hàng trăm gian "thượng gia hạ trì" giữa biển lúa Thái Bình. Chùa Quán Sứ đời Lê dựng lên cạnh khu nhà đón tiếp các sứ thần Chiêm Thành, Lão Qua để họ thuận tiện hương đăng tụng niệm. Chùa Yên Tử là nơi phát tích thiền phái Trúc Lâm với tam tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Chùa Mía, chùa Tây Phương, chùa Thiên Mụ, chùa Bút Tháp v.v… mỗi ngôi là một sự tích vừa mang ý nghĩa Phật giáo vừa hàm chứa phong tục tập quán và tín ngưỡng mang mầu sắc Việt Nam.
Thập Tháp Di Đà Tự thuộc vào hàng chùa chiền ra đời sớm ở Đàng Trong, tính đến nay đã hơn ba trăm năm, từ 1677. Mười ngôi tháp yểm hậu của người Chàm trên khu gò phía bắc thành Đồ Bàn đã gãy đổ nhưng còn in đấu trong địa danh xứ sở này, tương truyền do đó mà thiền sư Nguyên Thiều, người sáng lập chùa dùng làm tự danh. Chùa nằm trên đồi Long Bích, mặt hướng về núi Mò O, là vùng Lãng Uyển của vua chúa Chiêm Thành xưa. Nay hãy còn các Giếng Vuông và Hồ Sen xây bằng đá ong to đặc trưng trong xây dựng Chàm. Di Đà là tên một vị Phật mà các Phật tử làm cửa miệng trong câu chào hỏi: "Nam mô A Di Đà Phật". Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1715) là vị tổ thứ 33 thiền phái Lâm Tế Chánh Tông, dừng chân nơi đây trên đường truyền đạo với một ngôi lều cỏ đơn sơ được dựng lên. Bảy năm sau, 1683, nhà chùa và bổn đạo dùng gạch đá của mười ngôi tháp đổ dựng lên chùa thay ngôi lều cỏ cũ nát.
Cho đến hôm nay, trải qua nhiều lần trùng tu, vẫn giữ được không gian riêng của Thập Tháp Di Đà Tự vốn được tạo thành bởi lối kiến trúc cổ. Hai trụ biểu vuông cao lớn có hai tượng sư tử ngồi uy nghi làm cổng, nối một vòng cung có hai chữ Thập Tháp. Câu đối được đề cả hai mặt trong ngoài trụ biểu do hòa thượng Bích Liên ngẫu hứng sáng tác trong một đêm trăng ngắm hoa sen, tâm trí khoáng đạt mênh mang. Phía trước dạt dào cùng trời đất bao la:
Nguyệt hạ bất xao kim tỏa đoạn
Sơn tiền chỉ nhậm bạch vân phong
(Mây trắng lững lờ vươn núi biếc
Khóa vàng buông mở dưới trăng trong)
Phía sau ngẫm ngợi về không gian đạo pháp:
Nhất cảnh địa đăng A Bệ Bạt
Lục thời thiên vũ Mạn Đà La
(Một nẻo vị lên A Bệ Bạt
Sáu thời trời rưới Mạn Đà La)
(Thích Viên Đạt dịch)
Ngay bên trong là bức bình phong, mặt bình phong đắp nổi long mã phù đồ đặt trên bệ chân quỳ bằng vôi gạch. Trung tâm chùa là bốn tòa ốc vũ: Chính điện, Phương trượng, Tổ đường (Tây đường), Giảng đường (Đông đường) phối hợp với nhà Tăng, nhà Khách, nhà Trù tạo thành kiến trúc hình chữ khẩu, quây một sân vuông ở giữa. Thấp thoáng trong vườn chùa, thế giới của bao thế hệ các loài cổ thụ sừng sững rợp mát là tòa chính điện uy nghi bề thế, mái thẳng, lợp ngói âm dương, bốn góc là giao lân hòa điệu và trên nóc là lưỡng long tranh châu. Mỗi đầu rồng nhô ra ngoài cách nhau nửa thước ở đuôi mái viền chân kiền. Hàng cột hiên ở giữa vách nội và vách ngoại, hai làn vách tạo thành hành lang bốn mặt quanh nội điện. Từ ngoài vào trong có tất cả 24 cột hiên, 12 cột quân, 8 cột con và 4 cột cái. Các hình rồng cách điệu được chạm khắc trên các đầu kèo, vật kê uốn lượn trang nhã. Hai lớp cửa bàn khoa ở mặt trước Chánh điện, lớp ngoài có ba gian 18 cánh, có chạm trỗ long lân quy phụng, lớp trong cao to hơn gồm ba gian 14 cánh. Khung được chạm viền chữ Công, mặt cửa phân ô chạm chữ Môn, mỗi cánh cửa rộng 7 tấc cao 3 mét dày 1,5 tấc. Trong ba gian hai chái của Chánh điện, gian giữa thiết khám thờ Tam Thế Phật cao 5 mét, sơn son thếp vàng, hai bên khám trang trí long phụng và phía trên chạm lưỡng long chầu nguyệt. Trên ba tòa sen cao, Tượng Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ở giữa, bên phải là tượng Phật A Di Đà, bên trái là tượng Phật Di Lặc, toát đầy không khí từ ái tôn nghiêm. Trước khám có bàn thờ thấp hơn, giữa là tượng Chuẩn Đề ngồi kiết già tay bắt ấn tam muội, hai bên trái phải là tượng Tôn Giả Ca Diếp và A Nan bằng gỗ, đứng chắp tay. Lư, Đèn Chuông, Mõ… là những vật tự khí đặt trên bàn Kim Đài, cách khám thờ Phật 2 mét về phía trước. Tấm biển sơn đề ba chữ vàng "Đại Hùng Điện" treo trên cao. Khám thờ Bồ Tát Quán Thế Âm với Thiện Tài Long Nữ đứng hầu hai bên và khám thờ Bồ Tát Địa Tạng Vương ngồi trên tòa sư tử được đặt ở hai gian hai bên tả hữu. Hai chái hai bên trước đây ngăn vách gỗ để làm dãy phòng tăng (thượng tọa Thích Viên Định cho tháo gỡ sau đợt trùng tu 1995-1999 để tăng phần cung nghiêm rộng thoáng cho Chánh điện). Thay vào đó là hai khám thờ Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma, Tì Ni Đa Lưu Chi cùng với hai tủ lớn lưu giữ từ rất lâu đời Đại Tạng Kinh. Bên hông tả hữu, hai bức vách được thiết đặt mỗi bên chín tượng A La Hán. Nối tiếp là tượng Ông Thiện và Ông Ác, tức Kiên Lao và Hộ Pháp. Nhà chùa truyền công của hòa thượng Ngộ Thiệu - Minh Lý trong việc tôn tạo hầu hết các tượng vào năm Bính Tý (1876). Trên bốn cột cái trong tổng thể 48 cột Chánh điện, được treo 2 cặp liễn đối sơn son thếp vàng do Từ Tế Đạo Nhân, tức chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, năm Tân Tỵ (1761) ngự đề phụng cúng:
Phật tánh viên dung, trạm nhược hư không, mạc năng trắc kỳ biên tế
Pháp thân vô tướng, cảo như hạo nhật, thục cảm nghĩ kỳ cao minh
(Phật tánh viên dung, vắng lặng như không gian, thấu suốt thời gian không giới hạn
Pháp thân vô tướng, chói lòa như mặt nhật, bao trùm cao lộng tỏa quang minh).
Và:
Chơn sư như hà luận trương nha, bách thú tiềm tung độn tích.
Đại lô dã hống kim ngoan thiết, nhất thời đoàn luyện tiêu dung
(Sư tử thật nào luận dương nanh, bách thú độn mình lặng dấu
Lò đúc lớn thét vàng lọc thép, nhất thời rèn ảnh luyện hình)
(Thích Kế Châu dịch)
Bức hoành phi "Sắc tứ Thập Tháp Di Đà Tự" treo giữa cửa chính Chánh điện là do chúa Nguyễn Phước Chu (1691-1725) sắc ban, hòa thượng Tổ Ấn - Mật Hoằng trùng khắc lại vào năm 1821, Minh Mạng thứ nhất. Đợt trùng tu 1995-1999, thượng tọa Truyền Như đã phụng cúng hai bức hoành "Phật Nhật Tăng Huy" và "Pháp Luân Thường Chuyển". Hòa thượng Thích Kế Châu là tác giả của hai cặp liễn đối treo trên 4 trụ cột ở ba gian cửa trước:
Thập Tháp đại đạo trường giáo dẫn tiểu phàm tu tập học
Di Đà chân bảo sở tư thành đại huệ trực đăng quang
(Thập Tháp là ngôi Đại Đạo Trường, đẫn dắt kẻ tiểu phàm tu học Phật Pháp
Di Đà tức cõi Chân Bảo Sở, nương thành bậc đại trí thẳng đến Bảo Thành)
Và:
Thập Tháp cương đầu, trác tích kiến danh lam, Long Bích xuân trường thành Phật Quốc
Di Đà bảo thủ, phóng quang lưu thắng tích, Bàn Khê ánh triệt dũng liên hoa
(Thập Tháp đầu non, dựng tích trượng kiến lập Già Lam, đồi Long Bích bất tận xuân về trở thành nước Phật
Di Đà tay báu, phóng hào quang lưu danh Thắng Tích, suối Bàn Khê long lanh nước chảy hiện hóa trăng vàng)
(Thích Viên Kiên dịch)
Chuông trống to lớn được đặt ở hai đầu hành lang. Đại Hồng Chung ra đời từ năm 1893 (Thành Thái thứ 5), do hòa thượng Chơn Châu - Vạn Thành đúc tạo. Cư sĩ Tòng Khê Dương Thanh Tu biên soạn "Sắc Tứ Thập Tháp Di Đà Tự Bi Minh" nói về quá trình khai sáng xây dựng chùa cũng như công trạng của chư vị tổ sư trú trì và hòa thượng Ngộ Thiệu - Minh Lý tạo dựng bia này vào năm 1876.
Ngôi Phương trượng nằm sau Chánh điện do Quốc sư Phước Huệ xây năm 1924, mái lợp ngói âm dương, nhấp nhô nhiều nóc thấp cao ngoạn mục. Hòn Đá Chém nằm làm kệ từ sân vườn hoa bước lên Phương trượng. Gian ngoài Phương trượng là nhà Bông, vào trong đầu gian Phương trượng treo 4 chữ "Y Bát Trùng Quang". Bên trong có khám thờ Quốc sư Chơn Luận - Phước Huệ và hòa thượng Không Tín - Kế Châu. Ngoài ra còn hai tủ lớn chứa Tạng Kinh Sách và những câu liễn đối cẩn xà cừ do hòa thượng Trí Hải sáng tác:
Dữ tổ ấn thiền tâm, đại hải thiền châu thâm lâm cô nguyệt
Vị nhân bồi Phật chủng, tịnh bình cam lồ bảo địa kim hoa
(Với Tổ ấn in tạc lòng thiền, ngọc châu biển cả long lanh, sáng chói rừng sâu vầng nguyệt bạch
Vì nhân sinh vun trồng giống Phật, cam lồ tịnh bình mát diệu, ngọt ngào cõi báu đóa sen vàng)
(Thích Kế Châu dịch)
Và:
Thập Tháp trùng tu vô ngã tướng, phi lập pháp tòa quy tánh hải
Tháp Tăng từ nhãn quán sở duyên, truyền đăng diệm huệ chiếu tâm phong
(Thập Tháp trùng tu, đâu lập pháp vô ngã đồng về biển tánh
Tháp Tăng từ nhãn, nối đè trí huệ, quán sở duyên chiếu dọi tông phong)
(Thích Viên Đạt dịch)
Tổ đường ở phía nam nối Chánh điện và phương trượng, giữa thờ Tổ khai sơn Nguyên Thiều - Siêu Bạch, phía sau là khám thờ long vị chư hòa thượng thừa kế trú trì và hoằng hóa tại Tổ Đình. Giữa có tấm hoành lớn "Bản Cố Chi Vinh". Bên phải là khám thờ chư vị thiền đức quá cố có công với chùa. Bên phải thờ các tín đồ Phật tử quá vãng. Một bức hoành khác đề 4 chữ "Thưởng Tứ Hảo Nghĩa" do vua Tự Đức ban cho hòa thượng Ngộ Thiệu - Minh Lý năm 1878.
Hòa thượng Thích Kế Châu đã đề nhiều câu liễn đối:
Lê Huyền Tông tam niên quốc triều, bản địa cửu truyền Tăng sứ mạng
Nguyên Thiều tam thập tam Lâm Tế, khai sơn Thập Tháp Tổ phong quang
(Vua Lê Huyền Tông, Quốc triều vào năm thứ ba, đất thiêng nối đạo mạch đến nay Tăng truyền được chín lớp
Sư tổ Nguyên Thiều, Lâm Tế thứ ba mươi ba, Thập Tháp khai thiền đường xưa kia Tổ rạng muôn đời)
Câu phía trước Tổ đình:
Thập Tháp trùng tu, bất ý huỳnh vân không nhiễu kỷ
Tổ Đình tái chấn, khởi tri minh nguyệt cánh khuy song
(Thập Tháp trùng tu, nào biết mây vàng giăng khắp chốn
Tổ Đình tái chấn, chợt hay trăng sáng chiếu bên thềm)
(Thích Viên Kiên dịch)
v.v…
Đối diện với Tổ Đường là Giảng Đường dùng tổ chức những cuộc họp của tăng chúng, Phật tử và tiếp khách. Hòa thượng Chơn Thành được vua Thành Thái ban cho bốn chữ "Hảo Nghĩa Khả Phong" sơn son thếp vàng, được treo trên bức vách giữa Giảng đường. Thiếu Đẩu Võ Khắc Triển, Thị giảng Học sĩ phủ An Nhơn đã soạn bản Thập Tháp Tự Chí vào năm 1928, được khắc trên 4 bảng gỗ ghép lại, treo dưới bức hoành. Bản này ghi lại lịch sử khai sáng, quá trình kiến thiết, xây dựng và sự truyền thừa tại Tổ đình Thập Tháp. Cặp liễn đối trang trí hai bên bài Chí ghi:
Cổ sát thọ sơn hà, lịch tổ lư huy trừng tại vọng
Kim triêu tư vũ lộ, tôn sư hoa kế hạnh thừa ân
Ngôi Nhà Thánh ở phía nam Tổ đường thờ những vị: Cửu Thiên Huyền Nữ, Giám Trai Sứ Giả, Nhị Thập Bát Tú, Thập Điện Diêm Vương. Nhà Thánh được tạo dựng thời hòa thượng Hoa Không - Huệ Chiếu (1898 -1965).
Phía bắc chùa là vườn Tháp Tổ rộng lớn, có 20 ngôi tháp cổ kính an trí nhục thân của các Tổ sư trú trì và các hòa thượng tôn túc trong chùa. Sau lưng chùa, trên đồi Long Bích có tháp Bạch Hổ. Tháp Hội Đồng nằm sau Tổ đường, là nơi tổ chức Trai Đàn và cúng Cầu Siêu cho những oan hồn uổng tử bỏ xương trong thời chiến tranh phong kiến, nhà chùa lúc khai hoang đã nhặt được và đem chôn cất tử tế cạnh đó.
Nhà chùa là nơi hiện tồn nhiều cổ vật giá trị. Các tượng Phật, Bồ Tát, A La Hán, Chuông, Trống, Khánh, Bảng, Mõ, Hoành phi, Liễn đối, Ngai thờ, các bài Ký Minh, Chí v.v… đều có lịch sử lâu đời, lưu truyền qua bao thế kỷ. Nhà chùa còn giữ 2000 bản khắc gỗ dùng in kinh. Di Đà Sớ Sao, Kim Cang Trực Sớ, Pháp Hoa Khóa Chú… là những bộ kinh còn trong ván khắc. Bộ Đại Tạng Kinh do Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ cúng dường còn được 1200 quyển gồm Kinh, Luật, Luận và Ngữ Lục. Ngoài ra, còn có bộ Đại Tạng Kinh Cao Ly do một Phật tử Triều Tiên và bộ Đại Tạng Kinh Đài Loan do thượng tọa Truyền Như cúng dường.
Phổ hệ truyền thừa Lâm Tế Chánh Tông Tổ Đình Thập Tháp cho đến nay gồm 16 đời, đời thứ 33 là Tổ sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch (1648-1728) và Đạo Nguyên - Tánh Đề (1656-1716), đời thứ 34 là Minh Giác - Kỳ Phương (1682-1744), đời thứ 35 là Thật Kiến - Liễu Triệt (1702-1764), đời thứ 36 là Tế Đoan - Hạo Nhiên (1712-1784) và Tế Trí - Hữu Phỉ (? - 1799), đời thứ 37 là Liễu Trí - Huệ Nhật (1752-1826), đời thứ 38 là Đạt Lượng - Hưng Long (1792-1860), Đạt Khoan - Chánh An (1806-1868) và Đạt Thuyên - Nhật Chánh (1800-1871), đời thứ 40 là Chơn Châu - Vạn Thành (1865-1905) và Chơn Luận - Phước Huệ (1869-1945), đời thứ 41 là Hoa Không - Huệ Chiếu (1898-1965) và Không Tín - Kế Châu (1922-1996), đời thứ 42 là Như Trụ - Hải Tạng (sinh 1950).
Thiền sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch họ Tạ, sinh năm 1648 tại huyện Trình Hương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, xuất gia năm 19 tuổi tại chùa Báo Tư. Sau khi đắc pháp, năm 1677 theo thuyền buôn sang Việt Nam đến Bình Định (thời ấy là phủ Quy Ninh) lập chùa Thập Tháp. Sau đó, thiền sư ra Kinh theo lời mời của chúa Hiền, khai lập chùa Hà Trung, chùa Quốc Ân và tháp Phổ Đồng. Năm 1688, thiền sư về quê nhà cung thỉnh các danh tăng và tượng Phật, kinh sách, pháp khí trở lại Đàng Trong, "hoằng dương chánh pháp" từ Thuận Hóa cho đến cả vùng Gia Định. Thiền sư viên tịch năm 1728 tại chùa Hà Trung, có truyền lại bài kệ cho đồ chúng:
Tịch tịch cảnh vô ảnh
Minh minh châu bất dung
Đường đường vật phi vật
Liêu liêu không vật không
(Vắng lặng gương không bóng
Rực sáng ngọc nào dung
Rỡ ràng vật chẳng vật
Ngổn ngang không vật không)
Chúa Nguyễn Phước Trú rất mến mộ, ban cho thụy hiệu "Hạnh Đoan Thiền sư" và tuyên dương công đức trong bài ký minh: "Ưu ưu bát nhã - Đường đường phạm thất - Thủy nguyệt ưu du - Giới trì chiến lật - Trạm tịch cô kiên - Trác lập khả tất - Quán thân bổn không - Hơằng pháp lợi vật - Biến phú tùy vân - Phổ chiếu tuệ nhật - Chiêm chi chiêm chi - thái Sơn ngật ngật ". Đại ý nói rằng thiền sư là bậc thánh tăng, hiện thân của trí tuệ trang nghiêm thanh tịnh. Sự xuất hiện của người ưu du tự tại như trăng nước, giới đức vững vàng chắc chắn. Bởi quán thân giả tạm vô thường nên thuyết pháp lợi chúng như mây lành che phủ, như mặt trời trí tuệ rọi khắp nhân gian. Trông người đồ sộ như núi Thái Sơn vươn cao chất ngất.
Xung quanh lịch sử chùa Thập Tháp có rất nhiều sự tích thể hiện sự ứng mộ huyền nhiệm của đạo từ bi và của hồn xưa đất Bình Định. Truyền rằng ngày xưa, nhà chùa có giữ một vỏ lúa lớn. Đây là hạt lúa mà cổ tích Việt Nam đã ghi nhận, to bằng chiếc trống cái, nảy mầm kết quả ngoài đồng rồi mỗi mùa tự lăn về nhà không cần gặt hái. Người nông dân phải quét dọn sân vườn sạch sẽ, thực hiện nghi lễ đón mừng lúa. Nhưng người nông dân lỡ quên, ngủ gật không làm như tục truyền. Hạt lúa lăn về, thấy vậy giận dỗi bỏ đi. Người nông dân vác chổi chạy theo đuổi đánh, hạt lúa vỡ ra thành trăm mảnh nhỏ như bây giờ. Lại có người kể rằng đó là giống lúa chỉ riêng ruộng chùa tự mọc được, ai tham lam ăn cắp giống trồng cũng không ra bông kết hạt. Mỗi hạt lúa chín lăn về, mỗi người có thể nấu ăn cả tháng không hết. Kết cuộc của giống lúa trong câu chuyện này cũng tương tự như trên, chỉ thay người nông dân bằng người quét chùa. Người quét chùa sợ hãi lắm nhưng không bị quở mắng đã đành mà còn được nhận nụ cười độ lượng của sư cụ với lời thuyết giảng sâu sắc về lẽ sinh diệt, chân tướng và giả tướng. Riêng chùa Thập Tháp còn giữ được hạt lúa to làm kỷ niệm, lâu ngày quá, gạo bên trong đã mủn chỉ còn vỏ lúa vẫn sáng vàng lấp lánh. Đến thời Pháp thuộc, bọn thực dân nghe đồn, kéo đến chùa những mong cưỡng đoạt. Nhưng khi chúng động đến, liền thấy bụi trấu bay ra tối tăm mặt mũi. Chiếc vỏ lúa cuối cùng đã hóa làn khói mỏng bay về trời. Chứng tích của nó bây giờ chỉ còn trong cổ tích đồng quê Việt Nam.
Đại Hồng Chung xưa ở chùa Thập Tháp rất lớn, gấp đôi Đại Hồng Chung hiện tại, mỗi lúc sư cụ thỉnh, tiếng vang ba huyện. Nhưng trong loạn lạc của chiến tranh nông dân lật đổ phong kiến, người đương thời khiêng chuông qua sông, nặng quá thả rơi xuống vực Bến Gỗ. Tương truyền ngày rằm, mồng một, tiếng chuông còn ngân nga lan tỏa cả một quãng sông dài. Những ai tích thiện lâu ngày, dọn mình nghiêm cẩn, có thể có duyên với việc nghe hồi chuông giải tan phiền não.
Hòn Đá Chém làm bậc cấp Phương Trượng tương truyền là hòn đá do nhà Nguyễn kê đầu chém giết nghĩa quân Tây Sơn, xưa kia nằm trong khu vực thành Hoàng Đế, gần lăng Võ Tánh và tháp Cánh Tiên. Hòn Đá Chém rất thiêng, những đêm tối trời đầu lâu từ đó lăn ra khắp xóm làng than vãn, dân chúng kinh hãi báo với Quốc sư Phước Huệ. Hòa thượng truyền đem về cửa thiền, từ đó các vong hồn được khuây khỏa dần.
Tháp Bạch Hổ nằm trên đồi Long Bích, phía sau chùa. Tương truyền thời hòa thượng Thật Kiến - Liễu Triệt, đức độ ông cao siêu đến nỗi mãnh thú phải kinh sợ. Có một con cọp trắng đêm đêm tạm biệt núi rừng rón rén đến chùa nghe thầy tụng kinh, và từ đó chỉ ăn rau cỏ, không hề đụng đến miếng thịt sống. Cũng không ai, từ người nhà chùa đến tín đồ Phật tử sợ hãi nghĩ đến chuyện đánh đuổi cọp. Cho đến một đêm, hòa thượng thấy một lão trượng râu tóc phong sương đến báo mộng rằng ông đã mãn phần yên nghỉ ở phía sau chùa, nhờ hòa thượng và tăng chúng tụng kinh siêu độ. Tìm mãi cả khu đồi, chỉ thấy xác cọp trắng, hòa thượng biết đó chính là người báo mộng, bèn chôn cất tử tế và lập ngôi tháp thờ.
Tháp Trắng trong vườn Tháp Tổ chính là nơi an trú nhục thân của hòa thượng Thật Kiến - Liễu Triệt. Khi tại thế, hòa thượng được chúa Nguyễn mời ra trú trì chùa Thiên Mụ, ra vào cung cấm thuyết giảng Phật pháp cho triều đình. Có người gièm pha vu cho hòa thượng tội cầm lòng không đậu với một cung tần. Hòa thượng thản nhiên không một lời biện bạch. Chỉ đến trước khi viên tịch, hòa thượng mới có lời nguyền với tăng chúng đệ tử rằng đời ông dầu dãi phụng sự đạo pháp, không hề có hành động gì vượt qua giới răn để đáng phải hổ thẹn. Nếu cõi trên trước chứng giám, ngôi tháp của ông dù mưa nắng tháng năm chồng chất cũng không bao giờ đen đúa rêu phong. Sự thật, cho đến ngày nay, ngôi tháp vẫn tinh bạch như tâm căn hòa thượng.
Chùa Thập Tháp, như một số ngôi chùa khác ở Việt Nam, đã mất mát khá nhiều di sản vật thể cũng như phi vật thể, qua các cuộc chiến chinh ly loạn. Hơn nữa, theo quan niệm nhà Phật, bước du hóa của các tăng sĩ quả như lời Thiền sư Hương Hải:
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.
(Nhạn bay ngang trời
Bóng chìm đầm lạnh
Nhạn không có ý để lại dấu tích
Nước không có ý lưu giữ bóng hình).
Nhưng những gì lưu giữ được, cũng chứng minh một cách hùng hồn giá trị của Tổ Đình mà ai muốn nghiên cứu lịch sử văn hóa xã hội nói chung, lịch sử tôn giáo nói riêng ở Đàng Trong thời kỳ này cũng phải để tâm khảo cứu.
***
Tôi đã nhiều lần đến chùa Thập Tháp trước và sau khi nơi đây được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa cấp Quốc gia. Tôi luôn miên man ngẫm nghĩ về cơ địa núi sông, con người và bao nhiêu thành quách, đền tháp, chùa chiền, miếu mạo dưới bầu trời đau thương mà hào sảng, quyết liệt mà an nhiên, lay động mà tĩnh tại trong lịch sử quê hương Bình Định thân yêu. Trong những cơn thác lũ của lịch sử, thân phận con người nhiều lúc quá nhỏ nhoi. Có lẽ vì thế, trong khi nỗ lực đi tìm một nền đại chính, họ còn hướng niềm ngưỡng mộ của mình vào các đấng toàn năng, bằng niềm tin được xác lập thông qua đạo pháp. Cùng với di tích Văn Miếu thờ vạn thế sư biểu Khổng Tử, tổ sư đạo Nho, di tích Cảng Thị Nước Mặn, nơi Alexandre De Rhose, tác giả từ điển Việt - Bồ - La, truyền đạo và góp phần quan trọng trong việc La tinh hóa tiếng Việt, ngôi Tổ Đình Thập Tháp đã minh định trong lịch sử, tâm thế văn hóa của một xứ sở một thời vừa là nơi phên giậu, vừa là miền đất hứa. Khái niệm hội tụ kết tinh giao lưu và lan tỏa mà tôi từng nhắc đến, làm sáng lên tên gọi của một vùng đất, lại có thêm những ví dụ tuyệt vời. Ví dụ ấy chẳng phải chỉ giành cho những kẻ sĩ khả kính chiêm nghiệm đặt vào các trang du khảo thơm ngát nghiên thánh bút hiền mà còn nằm sâu trong tâm thức những người cần lao chín sương mười nắng, những người bắt bùn lầy phải mang hia đội mão, sang trọng tôn vinh:
An Nhơn có núi Mò O
Có chùa Thập Tháp, có đò Trường Thi
Núi sông gấm vóc đã đành, nhưng không phải chỉ giành mỗi việc tạo thế lân vờn hổ chụp, phát tích đế vương, địa linh nhân kiệt, dù việc ấy căn bản vô ngần. Chùa chiền lộng lẫy nguy nga đã đành, nhưng không phải chỉ giành mỗi việc tu rèn đạo hạnh cho sư tăng, dù việc ấy quan trọng vô ngần. Trường Thi tấp nập sĩ tử, nhưng niềm hạnh phúc đâu để giành riêng cho người bảng vàng bia đá, dù việc ấy cần thiết vô ngần. Thế núi hình sông có phát lộ kinh kỳ hay tạo ra các bậc vua chúa, cũng hy vọng minh quân thánh đế tạo lập cho dân chúng cuộc sống tươi đẹp. Chùa chiền có nhiều sư tăng uyên bác cũng để làm cứu rỗi cho những tín đồ và lan tỏa trong đời hành trang tìm về chân thiện mỹ. Trường Thi tạo lập những nhà khoa bảng thì cũng tin tưởng là những nhà khoa bảng thực tài thực tâm vì dân vì nước. Người dân An Nhơn mãi bao đời tôn vinh những giá trị trường tồn đã làm nên thần thái quê hương mình, những giá trị họ đã kiến tạo bằng mồ hôi nước mắt và cả xương máu, và chưa hề phải hổ thẹn khi nhìn về một truyền thống lấp lánh ánh nhân văn, nhân bản.
. Nguyễn Thanh Mừng |