Năm 1225, Nhà Trần thay Nhà Lý, lợi dụng triều đại mới còn nhiều khó khăn, Champa lại ra quấy nhiễu đòi lại ba châu đã cắt nhượng là Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh. Đến năm 1251, vua Trần Nhân Tông phải thân chinh, bắt được Vương phi Bồ Đa La, nhiều thần thiếp và quan lại. Sau đó, vua Champa là Jaya Indravarman V (1257-1284) đem đồ sang cống, hai bên trở lại hòa hảo.
Bấy giờ, đế quốc Nguyên Mông đang bành trướng thế lực ra khắp châu Á, châu Âu đánh bật nhà Tống xuống miền đông nam Trung Quốc. Hốt Tất Liệt muốn sử dụng Đại Việt làm gọng kìm thứ hai bèn sai sứ sang vừa đe dọa vừa dỗ dành. Nhà Trần dùng biện pháp ngoại giao mềm dẻo để kéo dài thời gian, chuẩn bị lực lượng. Giữa lúc ấy, Hốt Tất Liệt sai Toa Đô chỉ huy một đạo thủy quân, vượt biển đánh vào Champa để tạo áp lực và hình thành một mũi tấn công ra Đại Việt. Toa Đô đổ bộ vào cửa biển Thị Nại chiếm Viyaja khiến lãnh đạo nhà nước Champa phải rút vào rừng tổ chức kháng chiến. Toa Đô đánh vào mật khu Champa (12-3-1283) bị đại bại. Thấy quân ở lâu, gặp khó khăn về lương thực, Hốt Tất Liệt sai sứ sang Đại Việt mượn đường đánh Champa. Nhà Trần trả lời: "Từ nước tôi đến Chiêm Thành, đường bộ và đường thủy đều không tiện". Đến năm 1285, khi Thoát Hoan xâm lược Đại Việt đã bị vua tôi Nhà Trần đánh cho đại bại phải rút chạy về nước.
Sau khi chiến tranh kết thúc, vua Trần Nhân Tông nghĩ tình hòa hiếu cùng tả hữu tùy tùng sang dạo xem phong cảnh Champa. Quốc vương Chế Mân - Jaya Shihavarman III, tức thái tử Harijit, ân cần đón tiếp. Thấy Chế Mân phong thái anh hùng, vua Trần ngài hứa gả công chúa Huyền Trân, mặc dù ông đã có hoàng hậu người Java. Nhân Tông trở về, thoái vị truyền ngôi cho con (Anh Tông), lên núi Yên Tử tu hành, lập nên phái Trúc Lâm. Nhưng Chế Mân thì vẫn nhớ lời hẹn ước, sai sứ giả đem vàng bạc, châu báu, sản vật sang cống và xin cưới Huyền Trân. Vua Anh Tông và triều thần bàn bạc mãi không quyết. Chế Mân bèn xin dâng đất hai châu Ô - Lý (Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế ngày nay) làm sính lễ. Bấy giờ, không ai bàn gì nữa, mà công chúa Huyền Trân cũng bằng lòng vì nước ra đi.
Tháng sáu năm Bính Ngọ (tháng 7-1306), Anh Tông cử một phái đoàn đưa em gái sang Champa, tiếp nhận đất đai. Nàng công chúa nhà Trần trở thành Hoàng hậu Paramecvati của Chiêm quốc. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã ví cuộc hôn nhân này tương tự như việc nhà Tiền Hán Trung Hoa 33 năm trước Tây lịch đã đem Chiêu Quân cống Hồ để mưu cầu hòa cho trăm họ.
Nhưng thương thay, cuộc hương lửa vừa nồng thì một năm sau, vào mùa hạ năm 1307, Chế Mân băng hà. Huyền Trân trở thành một góa phụ lẻ loi trong cung điện thành Đồ Bàn, nhìn về cố quốc mà thấy lẽ sắc sắc, không không mầu nhiệm.
Dư âm cuộc tình vương giả ấy đã phảng phất đến muôn đời như huyền thoại.
. TS. Đinh Bá Hòa |