Giáo sư Toán học Nguyễn Cang: Niềm tự hào của trí thức Bình Định
15:6', 16/12/ 2004 (GMT+7)

Xuất thân trong một gia đình trí thức giàu có, được hấp thụ hai nền Hán học và Tây học, cứ tưởng ông sẽ hưởng thụ cuộc sống an nhàn và sung sướng. Vậy mà ông lại bỏ ngang việc học lúc 16 tuổi khi cuộc kháng chiến toàn quốc được phát động vào năm 1946. Từ đây, cuộc đời ông đã rẽ sang một bước ngoặt mới. Người chúng tôi muốn nói đến là Giáo sư toán học Nguyễn Cang, một trong những người được giới trí thức Bình Định lấy đó làm niềm tự hào.

* Đam mê toán học

Trong giờ học Toán của học sinh Trường trung học cơ sở Lê Hồng Phong (Quy Nhơn). Giáo sư Nguyễn Cang từng học ở ngôi trường này

Gia đình Giáo sư Nguyễn Cang là một gia đình danh giá ở Quy Nhơn, ông nội và cha đều làm quan nhưng lại yêu nước rất có cảm tình với cách mạng. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (1946), gia đình ông trở thành nơi nuôi giấu cán bộ Việt Minh. Và khi vừa đỗ trung học Nguyễn Cang thoát ly theo kháng chiến cùng với cha mình, năm ấy cậu được 16 tuổi.

Ban ngày, vừa hoạt động các công tác thanh niên mà Việt Minh giao phó, vừa đứng lớp giảng dạy môn Toán cho con em trong vùng kháng chiến; tối đến, ông lại tranh thủ thắp đèn bằng dầu phụng chịu khó chép lại nội dung từ các quyển sách Toán bằng tiếng Pháp mượn của bạn bè và người quen để tự học vì môn Toán lúc này là niềm say mê thứ hai của ông. Ông cũng là người có mặt trong lớp đào tạo "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi" của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng dành cho tầng lớp thanh niên tiến bộ để làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân các làng, xã ủng hộ kháng chiến.

* Nhiệm vụ - nghiên cứu toán học

Năm 1955, Nguyễn Cang tập kết ra Hà Nội và theo học Trường Đại học Sư phạm Toán vào ban đêm. Hà Nội những năm đầu giải phóng khi ấy có đợt tuyển thanh niên tham gia kháng chiến đang học đại học vào quân đội công tác. Nghe tin ấy, ông tình nguyện bỏ dở năm nhất đại học để ghi danh gia nhập quân đội.

Vào quân ngũ một thời gian, một hôm, cấp trên cho gọi ông. Vừa gặp ông, một thủ trưởng mang quân hàm cấp tướng lập tức nói ngay: "Tôi sẽ giao cho đồng chí một nhiệm vụ đặc biệt! Nhiệm vụ này còn khó hơn đánh giặc. Tôi giao cho đồng chí một tiểu đội 6 anh hùng và 8 anh hùng - chiến sĩ thi đua, đồng chí không làm công việc quân đội nữa mà làm nhiệm vụ dạy học cho họ!". Dạy học cho 12 vị anh hùng, trong đó có Anh hùng La Văn Cầu, trong lịch sử giáo dục cùng một lúc lại có được từng ấy học trò đặc biệt như ông không phải là nhiều.

Đang tại ngũ thì Giáo sư Nguyễn Cang được giao nhiệm vụ mới - phải đi học tiếp bậc đại học đã bỏ dở. Ông xin hoãn với lý do muốn cống hiến nhiều hơn cho quân đội, song ông Chính ủy gạt đi và nói: "Đây là lệnh của cấp còn cao hơn tôi rất, rất nhiều lần. Đồng chí ham mê toán học, vậy hãy tiếp tục nghiên cứu nó. Miền Nam tương lai rất cần những cán bộ như đồng chí. Chúng tôi có nhiệm vụ phải bồi dưỡng những người có học như đồng chí vì tương lai nước nhà sau này". Tốt nghiệp đại học và công tác một thời gian ngắn, năm 1965, ông được Nhà nước cử sang Trung Quốc học cao học ngành Toán 2 năm, sau đó nghiên cứu tiếp trong 4 năm để lấy học vị Tiến sĩ Toán học tại một trường đại học ở Rumani. Năm 1971, ông về nước và công tác tại Viện Khoa học Giáo dục ở miền Bắc.

* Chia sẻ niềm đam mê

Sau năm 1975, Nguyễn Cang cùng với một số người khác được giao nhiệm vụ tiếp quản Trường Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh), dạy và làm chủ nhiệm khoa Toán suốt hơn 20 năm công tác ở đây cho đến ngày về hưu.

Năm 1983, ông bảo vệ thành công học vị Tiến sĩ Habil Toán học tại Viện hàn lâm Khoa học Ba Lan. Cũng trong năm 1983, ông sang Pháp giảng một số chuyên đề Toán học cho một số trường đại học, tại đây hình thức ghi danh học đại học không cần thi của họ đã làm ông chú ý. Nhận thấy đây là một hình thức giáo dục đáng học tập, giáo sư đã kiến nghị Nhà nước thử nghiệm mô hình trên. Được Bộ Đại học - THCN cho phép thí điểm tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, năm 1985, giáo sư và các đồng nghiệp mở khóa chiêu sinh rộng rãi đại học ghi danh khoa Toán với số lượng 500 đầu vào. Kết thúc khóa học, chỉ có 45 người tốt nghiệp nhưng đều là những người đạt trình độ khá, giỏi. Trong đó, có một trường hợp khá đặc biệt là anh Nguyễn Văn Bảy ở quận 5. Đạp xích lô ban ngày kiếm tiền nuôi vợ con, ban đêm, anh Bảy ôm cặp đến lớp, chăm chỉ lắng nghe thầy cô giảng bài. Ra trường, anh Bảy giã từ chiếc xích lô và trở thành một kỹ sư Tin học cho một công ty trong thành phố, điều anh cứ ngỡ sẽ khó thực hiện khi còn trẻ...

Với Giáo sư Nguyễn Cang, được truyền giảng môn Toán, môn học mà ông đã gieo vào đó rất nhiều tâm huyết và lòng say mê là niềm hạnh phúc lớn lao. Toán học chưa bao là những con số khô khan trong ông. Ông đã dành khá nhiều thời gian nghiên cứu và viết thành sách: Lịch sử Toán học, Vẻ đẹp Toán học, Cuộc đời và sự nghiệp các nhà Toán học, Lý thuyết ổn định...

Về hưu từ năm 1997, giáo sư nói vui rằng: "Chỉ được cái bỏ hẳn công việc quản lý ở trường chứ có nghỉ ngơi ngày nào đâu! Tôi không nỡ từ chối lời mời giảng dạy cho một số trường đại học chỉ vì được tiếp tục dạy môn Toán!". Hiện tại, Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Nguyễn Cang vẫn minh mẫn để hoàn thành nốt chuyên đề "Toán học và Triết học trong Toán học", chuyên đề ông rất tâm đắc, dự kiến đưa vào chương trình môn học không bắt buộc cho khóa cao học Toán -ĐH KHTN - Đại học Quốc gia TPHCM.

. Kiều Phong (biên soạn)

 

Giáo sư Nguyễn Cang sinh năm 1930 tại Quy Nhơn.

Tốt nghiệp đại học năm 1965.

Năm 1971, lấy học vị Tiến sĩ tại Rumani.

Năm 1983, bảo vệ thành công học vị tiến sĩ tại Viện hàn lâm Khoa học Ba Lan.

Năm 1984, được Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư.

Năm 1992, được Nhà nước phong học hàm Giáo sư.

Giáo sư Nguyễn Cang đã được trao Huy hiệu 45 tuổi Đảng, nhận nhiều huân chương, huy chương cao quý như: Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng I, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng II, Nhà giáo ưu tú (1990), Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục 1991-1992, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Đại học (1977), Bằng khen của Thủ tướng (1990); song, như lời tâm sự của ông: "Tất cả những danh hiệu đó là niềm vinh dự lớn lao của một đời người. Riêng tôi, còn một điều khác lớn lao hơn, xin được mượn câu nói của nhà Toán học Pháp Poisson: ở đời chỉ có hai việc có ý nghĩa là nghiên cứu Toán và dạy Toán".

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tín ngưỡng làng nghề  (14/12/2004)
Hịch gọi đò của vua Quang Trung  (10/12/2004)
Núi Linh Phong   (08/12/2004)
Huyền Trân công chúa  (07/12/2004)
Thành Cha  (06/12/2004)
Thập Tháp Di Đà Tự, danh lam trời Việt   (06/12/2004)
Núi Hàm Long  (03/12/2004)
Tục thờ thành hoàng làng   (30/11/2004)
Núi Xương Cá  (26/11/2004)
Ông mai dong   (23/11/2004)
Truông Xe, cái nôi của người Việt cổ   (22/11/2004)
Trường thi Bình Định (kỳ cuối)  (22/11/2004)
Trường thi Bình Định (kỳ 2)   (19/11/2004)
Trường thi Bình Định (kỳ 1)  (19/11/2004)
Chùa Bồ Đề và danh nhân Đào Duy Từ   (18/11/2004)