Lên núi hoa mai vàng
16:42', 3/2/ 2004 (GMT+7)

Mộ danh nhân Đào Tấn trên núi Hoàng Mai (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Ở miền đất võ Bình Định có nhiều đồi mai, núi mai mà mùa xuân đến nở vàng cả trời đất. Hoa mai nở cho cả vùng núi một cái tên kiêu hãnh: Hoàng Mai - núi hoa mai vàng. Ấy là ngọn núi ở quê hương ông quan Đào Tấn. Ông mê hoa mai, yêu hoa mai đến nỗi hình ảnh hoa mai lúc nào cũng chiếm trọn tâm hồn ông. Ông lấy mai đặt làm bút danh, bút hiệu của mình: Mộng Mai. Có lúc đi tu, ông cũng lấy tên là Mai Tăng. Các tác phẩm văn thơ cũng đặt tên Mai: Mộng Mai ngâm thảo, Mộng Mai thi tồn, Mộng Mai từ lục, Mộng Mai văn sao…

Đào Tấn (1845-1907) người làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông là vị quan to dưới triều nhà Nguyễn, ba lần làm tổng đốc, bốn lần giữ ấn thượng thư nhưng suốt đời sống thanh liêm, trong sạch như đóa hoa mai. Tuy không có gan đi theo Cần Vương nhưng ông đã ngầm giúp đỡ Phan Bội Châu, ủng hộ Phan Chu Trinh, đồng tình cùng Mai Xuân Thưởng chống thực dân Pháp.

Đào Tấn là một nghệ sĩ tuồng xuất sắc, một nhà thơ, nhà từ khúc lỗi lạc. Ông là tác giả hàng chục pho tuồng, mỗi pho diễn vài đêm không hết. Ông lại có công lập ra "Học bộ đình" để đào tạo ra những diễn viên tài danh trong làng tuồng. Ông có gần 1.000 bài thơ, từ khúc, tản văn, liễn đối… mà đời sau sưu tập, dịch, in ấn trong 4 tập giá trị.

Đào Tấn cũng đã mấy lần bị cách quan phải về hưu non tại quê nhà. Cách nhà ông chừng hai cây số theo hướng bắc có dãy núi đá mọc rất nhiều mai. Mùa xuân, hoa mai nở vàng cả núi. Hương mai dịu nhẹ lan tỏa khắp đất trời. Ông ngày ngày lên núi đi trong rừng hoa mai, ngây ngất ngắm hoa rồi ao ước:

Nhàn hướng mai phong bốc thọ viên

Thạch đầu cao cứ tiếu vô ngôn

Mai sơn tha nhật tàng mai cốt

Ưng hữu mai hoa tác mộng hồn

            (Mộng Mai ngâm thảo)

Mịch Quang tạm dịch:

Lên đỉnh non mai tìm đất thọ

Đứng trên hõm đá lặng im cười

Non mai rồi gửi xương mai nhé

Ước mộng hồn ta hóa đóa mai.

Khi Đào Tấn mất, theo ước nguyện của ông, mộ ông được đặt trên núi Hoàng Mai để xương thịt hồn phách ông hòa trộn cùng hương sắc hoa mai. Nhà thơ Xuân Diệu viết về Đào Tấn: "Hoa mai vàng mỗi mùa xuân ở quê nhà đã hóa mộng hồn Đào Tấn. Ông da diết muốn hồn mình làm đóa mai và chính hoa mai cũng mang tâm hồn Đào Tấn rồi".

Mộ Đào Tấn ở lưng chừng núi hoa mai vàng, giản dị như nơi yên nghỉ của một người dân bình thường. Trụ biểu bên ngoài có đề đôi câu đối của Hà Đình tướng công Nguyễn Thuật, tổng đốc Thanh Hóa:

- Công trì công vọng, triều quận thông xưng, tố chí hoạch thân, cự chỉ hồng nhân nhưng công, minh gia cốc bích;

- Năng ẩm năng ca, anh hùng bản sắc, trầm duyên phao thước, cảnh hướng Linh Phong tịnh độ, tu đáo mai hoa.

Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn dịch nghĩa:

- Tài năng ngài, ước vọng ngài, trong triều ngoài quận đều ngợi khen (vì ngài) mong muốn thi thố chí lớn, đâu phải vì cương vị tổng đốc núi Hồng mà sáng ngời ngọc quí;

- Vừa nâng ly vừa ca hát (ấy là) bản sắc kẻ anh hùng, nợ trần rũ sạch, tìm đến cõi Phật chùa Linh Phong tu thành đóa hoa mai.

Núi Hoàng Mai ngày nay đã thưa nhiều hoa mai vàng. Nhưng ngày xuân lên núi Hoàng Mai thăm Đào Mộng Mai tiên sinh, ta như đã gặp được hồn Đào, hồn mai trong mỗi sắc hoa dáng cỏ. Từ đây nhìn xuống làng xóm dưới chân núi, thấy vườn tược xanh tươi, ruộng đồng trù phú, sông suối uốn lượn như tranh khiến hồn ta nhẹ nhõm gặp được tứ thơ xuân tuyệt tác của Đào công vậy.

Sinh thời, cố thi sĩ Bế Kiến Quốc khi lên núi Hoàng Mai thăm Đào Tấn đã có một bài thơ rất hay khái quát cuộc đời Đào Tấn:

Người đã sống cái thời mọi điều đều đảo ngược

… Chưa biết cách giúp dân nhưng lòng phải thương dân

Cứu nước chưa có đường, nhưng xót xa với nước

Anh hùng chưa làm theo nhưng khác kẻ gian thần

… Người đã ngóng phương trời gửi lại gánh non sông

Non sông ấy chuyền vai bao thế hệ.

Ngày xuân lên núi Hoàng Mai ngắm đóa mai vàng rực tươi trong nắng, tưởng như bắt gặp tâm hồn Mộng Mai tiên sinh đang chìm đắm trong những suy tư thời cuộc.

. Nguyễn Văn Chương

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lễ hội cầu ngư  (29/01/2004)
Triết lý bánh chưng, bánh tét  (28/01/2004)
Đầu năm du lịch đất Tây Sơn  (21/01/2004)
Hội bài chòi ngày xuân ở Bình Định  (20/01/2004)
Món "thưng" Bình Ðịnh   (19/01/2004)
Chùa cổ ở Bình Định   (18/01/2004)
Bức tranh thiên nhiên hoành tráng   (16/01/2004)
Nhớ cốm   (15/01/2004)
Xa xôi chớ vội phẩm bình mà sai  (14/01/2004)
Vua Quang Trung nhận lỗi trước dân  (13/01/2004)
Bánh tráng Bình Định  (12/01/2004)
Chùa Hang huyền bí  (11/01/2004)
Vài nét về ca dao, tục ngữ Chăm H'roi trong ngày cưới   (08/01/2004)
Những con đường hành quân của Quang Trung Nguyễn Huệ   (07/01/2004)
Đến Bok Tới nghe đàn Pơlơnkhơn  (06/01/2004)